Khai giảng khóa đào tạo tiếng Lào cho 21 công chức, viên chức Điện Biên
Đây là khóa học tiếng Lào trong khuôn khổ Đề án Hợp tác đào tạo giữa tỉnh Điện Biên với các tỉnh Bắc Lào giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Khóa học có 21 học viên đến từ các đơn vị như: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Tỉnh đoàn, Sở Công thương, Sở Giao thông vận tải, Sở Kế hoạch Đầu tư; UBND các huyện: Điện Biên, Mường Nhé, Nậm Pồ và các cơ sở giáo dục và đào tạo trong tỉnh. Thời gian đào tạo 6 tháng, từ ngày 1/4/2024, tại Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học (Sở Giáo dục và Đào tạo) và thực tế tại các tỉnh Bắc Lào.
Khóa đào tạo được tổ chức nhằm bồi dưỡng, trang bị cho cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Điện Biên, nhất là nhân lực đang công tác tại địa bàn khu vực biên giới nghe, nói, đọc, viết được tiếng Lào; làm cơ sở tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước. Qua đó, xây dựng mối quan hệ đoàn kết hữu nghị giữa 2 nước Việt Nam - Lào, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vừ A Bằng đề nghị các cơ quan, đơn vị tạo điều kiện tốt nhất để học viên tham gia lớp học đầy đủ và đảm bảo chế độ, chính sách. Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch học tập cho học viên phù hợp với điều kiện chung; tăng cường hoạt động ngoại khóa với các trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh có lưu học sinh Lào để trau dồi, rèn luyện ngôn ngữ mới; tạo điều kiện về cơ sở vật chất lưu trú cho công chức, viên chức ở xa về học tập; học viên nâng cao nhận thức chính trị, khắc phục khó khăn hoàn thành tốt khóa học...
Quang cảnh buổi khai giảng. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Điện Biên |
Trước đó vào tháng 12/2022, HĐND tỉnh Điện Biên đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-HĐND thông qua Đề án hợp tác đào tạo giữa tỉnh Điện Biên với các tỉnh Bắc Lào giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, Nghị quyết đã đề ra 9 mục tiêu cụ thể, trong đó:
Đào tạo tiếng Việt: Đào tạo 60 người/năm (mỗi tỉnh 20 người). Giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 thực hiện 4 khóa, 240 người.
Đào tạo trình độ đại học chính quy tại trường Đại học Tây Bắc: Đào tạo 30 người/khóa (mỗi tỉnh 10 người). Giai đoạn 2022-2030 thực hiện 4 khóa, 120 người.
Đào tạo trình độ đại học hệ vừa làm vừa học tại tỉnh Điện Biên: Đào tạo 15 người/khóa (mỗi tỉnh 05 học viên). Giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 thực hiện 4 khóa, 60 người.
Đào tạo trình độ cao đẳng chính quy tại các trường Cao đẳng của tỉnh Điện Biên: Đào tạo 15 người/khóa (mỗi tỉnh 5 người). Giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 thực hiện 4 khóa, 60 người.
Đào tạo trình độ trung cấp lý luận chính trị: Đào tạo 15 người/khóa (mỗi tỉnh 5 người). Giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, thực hiện 4 khóa, 60 người.
Bồi dưỡng, tập huấn, thực tế cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức các tỉnh Bắc Lào tại Điện Biên: Bồi dưỡng 30 người/khóa (mỗi tỉnh 10 người). Giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 thực hiện 5 khóa, 150 người.
Đào tạo trình độ đại học cho học sinh tỉnh Điện Biên tại trường Đại học Su Pha Nu Vông, tỉnh Luông Pha Bang, nước CHDCND Lào giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 thực hiện đào tạo 2 khóa, 20 người (mỗi khóa 10 người).
Bồi dưỡng tiếng Lào và thực tế cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Điện Biên: Số lượng: 30 người/khóa. Tổ chức 2 khóa với tổng số 60 người.
Đào tạo tiếng Việt, đào tạo chuyên ngành; đào tạo nghề cho lưu học sinh Lào diện tự túc: Số lượng đào tạo theo nhu cầu của các tỉnh Bắc Lào và điều kiện thực tế của các cơ sở giáo dục, đào tạo trong tỉnh.