Kết nối du lịch tâm linh An Giang - Ấn Độ
Theo thống kê, hàng năm An Giang đón khoảng 8 triệu khách du lịch. Ấn Độ là quốc gia có thế mạnh về du lịch tâm linh và đây chính là trọng tâm trong định hướng phát triển du lịch của tỉnh. Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình hy vọng Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại thành phố Hồ Chí Minh làm cầu nối giới thiệu, kết nối các doanh nghiệp cùng phát triển ngành du lịch, hợp tác nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm du lịch tâm linh độc đáo, mang lại lợi ích cho cả 2 bên.
Du khách hành hương, bái phật trên đỉnh núi Cấm (xã An Hảo, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang). (Ảnh: Báo An Giang) |
Ông Bình khẳng định: “Chính quyền tỉnh An Giang mong muốn thúc đẩy và mở rộng mối quan hệ hợp tác với các đối tác Ấn Độ, luôn sẵn sàng tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư Ấn Độ đến tìm hiểu, đầu tư, kinh doanh tại tỉnh An Giang”.
Ông Bình cũng mong muốn Cơ quan Khảo sát Khảo cổ học Ấn Độ xem xét tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức của Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo tham gia các chương trình học bổng đào tạo chuyên môn khảo cổ học, bảo tồn, quản lý di sản tại Ấn Độ.
Tại buổi làm việc, ông Madan Mohan Sethi, Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại thành phố Hồ Chí Minh đánh giá việc có khoảng 50 chuyến bay kết nối Ấn Độ với Việt Nam mỗi tuần là tiềm năng lớn trong việc phát triển du lịch giữa Ấn Độ với Việt Nam nói chung và với tỉnh An Giang nói riêng.
Ông Madan Mohan Sethi khẳng định sẽ hỗ trợ, giúp đỡ và kết nối các buổi làm việc cho đoàn An Giang từ đó tăng cường cơ hội hợp tác với An Giang không chỉ về du lịch, du lịch tâm linh mà còn ở nhiều lĩnh vực khác như công nghệ thông tin, thương mại…
Trong các tháng cuối năm 2023, 40 công ty lữ hành và nhiều trường đại học của Ấn Độ sẽ đến thành phố Hồ Chí Minh tham dự các sự kiện trên nhiều lĩnh vực. Tỉnh An Giang có thể thông tin cho các doanh nghiệp, đơn vị liên quan đến tham gia sự kiện để gặp gỡ, giao lưu, mở ra cơ hội hợp tác.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình (phải) tiếp Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại thành phố Hồ Chí Minh Madan Mohan Sethi. (Ảnh: Báo An Giang) |
Về đề xuất hợp tác lĩnh vực khảo cổ, giáo dục và đào tạo, ông Madan Mohan Sethi cho biết, Ấn Độ sẽ đào tạo cho An Giang từ 5 - 10 người về chuyên ngành khảo cổ, bảo tồn, quản lý di sản để phục vụ công tác khảo cổ tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê. Đồng thời, giới thiệu, đưa các chuyên gia, sinh viên An Giang tham gia thực tập, học các khóa học, chương trình đào tạo tại Ấn Độ để nâng cao trình độ chuyên môn.
Cuối buổi tiếp, Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại thành phố Hồ Chí Minh gửi lời mời lãnh đạo tỉnh An Giang đến Ấn Độ để xúc tiến đầu tư, gặp gỡ các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn từ đó mở ra thêm nhiều cơ hội hợp tác giữa hai bên.
Nhiều cơ hội hợp tác nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ, du lịch giữa Việt Nam và Đông Bắc Ấn Độ Đây là đánh giá được các chuyên gia, nhà quản lý thống nhất tại hội nghị trực tuyến "Khám phá cơ hội hợp tác đầu tư và kinh doanh giữa vùng Đông Bắc Ấn Độ và Việt Nam" diễn ra vào 2/6 tại New Delhi, Ấn Độ. |
Ấn Độ là thị trường khách du lịch hấp dẫn của Việt Nam Trong 6 tháng đầu năm 2023, du lịch Việt Nam đón khoảng 5,6 triệu lượt khách quốc tế. Đáng chú ý là thị trường Ấn Độ có sự tăng trưởng mạnh mẽ với hơn 141.000 lượt khách, đứng thứ 10 trong số các thị trường hàng đầu của du lịch Việt Nam. |