Kết nối doanh nghiệp, địa phương Việt Nam và Nhật Bản
Chương trình do Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka phối hợp với Liên đoàn kinh tế Kyushu tổ chức nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản, nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương, doanh nghiệp của Việt Nam, các doanh nhân người Việt trên toàn cầu và Kyushu trong các lĩnh vực mà hai bên có tiềm năng và thế mạnh bổ sung cho nhau.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, trong bối cảnh Việt Nam đối diện với thách thức căn bản là chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng bền vững hơn, cân bằng hơn, thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Nhật Bản nói chung và với Kyushu nói riêng không chỉ là trao đổi hàng hóa, thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ, hay giao lưu văn hóa, mà còn thông qua tất cả các hình thức hợp tác đó, tiếp thu triết lý phát triển hài hòa của Kyushu, áp dụng nó một cách sáng tạo cho các địa phương Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: scov.gov.vn) |
Bà mong muốn Việt Nam-Nhật Bản nói chung và Việt Nam-Kyushu nói riêng sẽ trở thành hình mẫu của quan hệ đối tác vì phát triển trên cơ sở triển khai hiệu quả các khuôn khổ, dự án hợp tác đầu tư-thương mại, nông nghiệp công nghệ cao, lao động, đào tạo nguồn nhân lực, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, ODA thế hệ mới, cơ sở hạ tầng chiến lược, bảo đảm an ninh lương thực và chuyển đổi năng lượng.
Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng tin tưởng với nhiều lợi thế bổ sung lẫn nhau, Việt Nam đã, đang và sẽ là một phần trong lời giải của bài toán tìm kiếm động lực tăng trưởng của nền kinh tế Nhật Bản và Kyushu. Đặc biệt, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với gần 6 triệu kiều bào đang sinh sống, làm việc, học tập tại trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều doanh nhân, trí thức thành đạt ở các nước, là nguồn lực quan trọng cho công cuộc phát triển của Việt Nam, đồng thời cũng là những đối tác giàu tiềm năng cho các doanh nghiệp Nhật Bản và thế giới.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Hattori Seitaro, Thống đốc tỉnh Fukuoka cho rằng diễn đàn là sự đóng góp tích cực cho giao lưu, kết nối, phát triển của Fukuoka sau dịch Covid-19. Ông Seitaro cho biết, doanh nghiệp của Fukuoka rất quan tâm đến thị trường Việt Nam. Diễn đàn sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp của Việt Nam và Kyoto kết nối, tìm kiếm cơ hội hợp tác, qua đó đầu tư của Việt Nam vào Kyushu sẽ tăng lên và ngược lại.
Tham dự diễn đàn lần này có lãnh đạo và đại diện các địa phương của Việt Nam gồm Bắc Giang, Cà Mau, Điện Biên, Hải Dương, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Thành phố Hồ Chí Minh và Vĩnh Long. Các địa phương đã giới thiệu tiềm năng thế mạnh, nhu cầu thu hút đầu tư, cùng những chính sách ưu đãi của địa phương mình đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Các đại biểu tham quan gian hàng của tỉnh Hải Dương. (Ảnh: Báo Hải Dương) |
Theo ông Lê Văn Hiệu, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, tỉnh mong muốn nhận được sự hợp tác đầu tư, hợp tác thương mại vào các lĩnh vực công nghiệp xanh, thân thiện môi trường, công nghiệp hỗ trợ; nông nghiệp công nghệ cao; công nghệ chế biến, bảo quản, xuất khẩu nông sản; dịch vụ thương mại chất lượng cao, Logistic; đầu tư phát triển đô thị xanh, thông minh đi đôi với phát triển nhà ở xã hội...
Để có thể đón nhận thu hút đầu tư vào tỉnh, Hải Dương đang quy hoạch phát triển vùng công nghiệp động lực, dự kiến thành lập Khu kinh tế chuyên biệt với diện tích khoảng 5.100 ha nhằm thu hút các dự án đầu tư lớn. Tập trung đầu tư, nâng cấp, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của 5 trường đại học, 8 trường cao đẳng nghề trên địa bàn tỉnh.
Với 60% dân số trong độ tuổi lao động, Hải Dương có nguồn nhân lực dồi dào với đặc tính chăm chỉ, cần cù, sáng tạo... bảo đảm đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động kỹ thuật, nhân lực chất lượng cao của các nhà đầu tư vào địa bàn. Hải Dương cam kết sẽ dành những điều kiện thuận lợi nhất, những cơ hội đầu tư tốt nhất cho các doanh nghiệp Nhật Bản.