Hơn nửa thế kỷ mang tấm lòng của bè bạn quốc tế đến với nhân dân Việt Nam
Phóng viên tạp chí Thời Đại có cuộc trao đổi với ông Phạm Dũng, Giám đốc Quốc gia MCNV về hoạt động của MCNV tại Việt Nam.
Đề nghị ông chia sẻ về quá trình hình thành và phát triển của Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) trong 55 năm qua?
- MCNV đến với Việt Nam vào năm 1968, trong bối cảnh cuộc chiến tranh tại Việt Nam đang diễn ra khốc liệt và phong trào phản chiến trỗi dậy mạnh mẽ trên khắp thế giới. Vào thời điểm đó, tại Hà Lan, giáo sư Jaap de Haas, bác sĩ Nick van Rhijn và bác sĩ Fred Groenink đã sáng lập ra tổ chức Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) để huy động cứu trợ cho người dân Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi chiến tranh.
Năm 1977, MCNV khánh thành Bệnh viện Đông Hà (còn gọi là Bệnh viện Hà Lan) ở Quảng Trị, nơi bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Tới năm 1998, khi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị được xây dựng thì cơ sở hạ tầng của Bệnh viện Hà Lan được sử dụng để phục vụ cho hoạt động đào tạo của trường Trung cấp (nay là Cao đẳng) Y tế tỉnh Quảng Trị.
Chiến tranh kết thúc, MCNV tiếp tục đồng hành với Việt Nam vượt qua khó khăn, thách thức của công cuộc tái thiết đất nước. Thời gian đầu sau chiến tranh, MCNV tập trung vào phát triển hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe, sau này mở rộng sang các lĩnh vực sinh kế, ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm đáp ứng với những nhu cầu phát triển của Việt Nam trong giai đoạn mới.
Các đại biểu tham quan, chia sẻ kinh nghiệm về mô hình trồng rừng trẩu và cây bản địa do MCNV triển khai thực hiện tại thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa (Ảnh: MCNV). |
Từ cuối thập niên 70 tới đầu thập niên 90, MCNV ưu tiên hỗ trợ chuyên gia y tế Việt Nam sang học tập tại Hà Lan, phát triển các chương trình phòng chống bệnh lây nhiễm như bệnh lao phổi (năm 1983), sốt rét (năm 1987). MCNV đã tham gia xây dựng Chương trình Phòng chống Lao quốc gia của Việt Nam. Từ chương trình này, nhiều phương pháp phòng chống lao đã được nghiên cứu, thử nghiệm thành công, cho tới ngày nay vẫn được áp dụng ở khắp nơi trên thế giới.
Những năm 90, MCNV bắt đầu ưu tiên các hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực, tăng cường nhận thức và kết nối các nguồn lực trong nước và quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện sức khỏe người dân. Địa bàn dự án của MCNV cũng được mở rộng tới nhiều địa phương như Cao Bằng, Điện Biên, Quảng Trị, Khánh Hòa, Phú Yên, Bến Tre…
Những chương trình điển hình trong giai đoạn này là phát triển sức khỏe và đời sống do cộng đồng quản lý, phục hồi chức năng cho người khuyết tật, chăm sóc sức khoẻ tâm thần, sức khoẻ sinh sản, phát triển sinh kế, hỗ trợ nhóm phụ nữ sống chung với HIV/AIDS…
Những chương trình này đã giúp gần 60.000 người khuyết tật được cải thiện chức năng sinh hoạt hàng ngày, có việc làm, ổn định cuộc sống; tạo điều kiện được chẩn đoán, can thiệp sớm và giáo dục hòa nhập cho hàng trăm trẻ khuyết tật; hỗ trợ tạo việc làm và điều trị thuốc kháng virus, phòng ngừa lây nhiễm HIV từ mẹ sang con cho 2.000 phụ nữ sống chung với HIV/AIDS; hỗ trợ 12.000 phụ nữ nghèo phát triển kinh tế, cải thiện vị thế và hòa nhập xã hội…
Trong bối cảnh phát triển mới, MCNV kiên định với sứ mệnh của mình là cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống của nhóm người yếu thế trong xã hội, với những điều chỉnh theo hướng phát triển bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Hiện nay, các dự án, chương trình hỗ trợ Việt Nam của MCNV gắn với 4 trụ cột chính là phát triển sức khỏe, hòa nhập xã hội, phát triển sinh kế gắn với ứng phó với biến đổi khí hậu và hỗ trợ phát triển kinh doanh quy mô hộ gia đình hoặc nhóm sản xuất.
Với những đóng góp tích cực trong suốt hơn 50 năm qua, MCNV vinh dự từng 4 lần được Chính phủ Việt Nam tặng Huân chương Hữu nghị vào các năm 1977, 1993, 2004 và 2018.
Thời gian tới, MCNV sẽ tập trung vào các lĩnh vực nào, thưa ông?
Ông Phạm Dũng, Giám đốc Quốc gia MCNV (Ảnh: MCNV). |
- MCNV sẽ ưu tiên đào tạo nhân lực và cải thiện chất lượng dịch vụ phục hồi chức năng tại Việt Nam. Cụ thể, các khóa đào tạo liên tục, đào tạo trung hạn về kỹ thuật phục hồi chức năng cho cán bộ y tế tuyến tỉnh, huyện các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên sẽ được tiếp tục triển khai trong khuôn khổ Dự án “Cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh phun rải nặng chất da cam” (do USAID tài trợ).
MCNV cũng sẽ hỗ trợ phát triển các đơn vị phục hồi chức năng áp dụng phương pháp tiếp cận đa chuyên ngành, mở rộng cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng, dụng cụ trợ giúp và chăm sóc y tế cho người khuyết tật.
MCNV cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ ĐH Y Dược TP.HCM, Trường ĐH Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng, Trường ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương trong đào tạo hệ Cử nhân, Thạc sĩ về hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu, thông qua các hoạt động nâng cao năng lực giảng dạy, phát triển nguồn lực giảng viên, nâng cấp trang thiết bị thực hành lâm sàng.
Bên cạnh đó, MCNV cũng sẽ tiếp tục các dự án đang thực hiện về cải thiện sinh kế, ứng phó với biến đổi khí hậu với nguồn tài trợ từ Hà Lan như “Dự án tăng cường chất lượng hoa quả tại Việt Nam”, “Dự án cải thiện thu nhập và điều kiện làm việc cho phụ nữ nghèo tại Phú Yên”.
MCNV kỳ vọng thế nào vào sự phát triển của quan hệ Hà Lan - Việt Nam nói chung và quan hệ của MCNV với nhân dân Việt Nam nói riêng, nhất là với các đối tượng hưởng lợi từ các chương trình, dự án của MCNV?
- MCNV tin tưởng và hi vọng rằng quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai quốc gia, tình đoàn kết giữa nhân dân hai nước sẽ tiếp tục được phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực. Trên cơ sở đó, tạo điều kiện thuận lợi để MCNV và các đối tác triển khai hiệu quả các dự án tại Việt Nam, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người được hưởng lợi như người khuyết tật, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa…
Trong bối cảnh mới, MCNV vinh dự và tự hào khi được góp phần mang tấm lòng của bè bạn quốc tế, không chỉ Hà Lan mà cả các quốc gia bè bạn khác từ châu Âu, Mỹ… đến với nhân dân Việt Nam, phát huy các nguồn lực, góp phần mở rộng địa bàn hỗ trợ, mang cơ hội cải thiện sức khỏe, hòa nhập xã hội tới nhiều đối tượng hưởng lợi hơn nữa.
Trân trọng cảm ơn ông!