Hơn 70% doanh nghiệp Nhà nước chưa được phê duyệt phương án tái cơ cấu
Hơn 70% doanh nghiệp Nhà nước chưa được phê duyệt phương án tái cơ cấu - Ảnh minh hoạ |
Bộ Tài chính đã báo cáo tổng hợp đánh giá tình hình cơ cấu lại, các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.
Theo Bộ Tài chính, trong giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 9/2019, về cơ bản các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao.
Theo tổng hợp của Bộ Tài chính thì tính đến thời điểm kết thúc năm tài chính 2017, có 526 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Như vậy theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 707/QĐ-TTg, các cơ quan, đơn vị sẽ phải thực hiện xây dựng phương án cơ cấu lại trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với 526 DNNN.
Còn tính đến ngày 30/9/2019, đã có 148 DNNN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại theo Quyết định số 707/QĐ-TTg. Số lượng doanh nghiệp chưa được phê duyệt phương án cơ cấu lại là 378 doanh nghiệp (chiếm 71%).
Trong đó, nhiều bộ, ngành, địa phương chưa nắm bắt được tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 707/QĐ-TTg nêu trên, theo đó chưa thực hiện phê duyệt phương án cơ cấu lại tổng công ty, DNNN như: Bộ Văn hóa-Thể thao và Du Lịch, các tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Phú Thọ, Thanh Hóa, Đắk Lắk, Gia Lai, Quảng Nam, Bạc Liêu...
Đã có 168 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa |
Một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty, DNNN đã trình chủ sở hữu phương án cơ cấu lại, đang xem xét, phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt như: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Giấy Việt Nam, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, các DNNN thuộc TPHCM...
Về việc cổ phần hóa, trong 9 tháng đầu năm 2019 có 9 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, tuy nhiên trong đó chỉ có 3 doanh nghiệp thuộc danh mục các doanh nghiệp cổ phần hóa theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg. Tổng giá trị của 9 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa là 780 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 670 tỷ đồng.
Lũy kế giai đoạn 2016-tháng 9/2019, đã có 168 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 443.056 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 206.694 tỷ đồng. Tuy nhiên trong 168 doanh nghiệp đã cổ phần hóa chỉ có 36/128 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 28% kế hoạch), số doanh nghiệp còn phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch tính đến hết năm 2020 là 92 doanh nghiệp. Qua số liệu trên cho thấy tình hình thực hiện cổ phần hóa theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là rất chậm, cụ thể:
Những đơn vị còn nhiều doanh nghiệp thuộc danh sách phải thực hiện cổ phần hóa đến năm 2020 là: TP. Hà Nội cổ phần hóa 13 doanh nghiệp (4 Tổng công ty), chiếm 14% kế hoạch; TPHCM cổ phần hóa 38 doanh nghiệp (11 Tổng công ty), chiếm 40% kế hoạch; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hóa 6 doanh nghiệp (3 Tập đoàn, 3 Tổng công ty); Bộ Công Thương cổ phần hóa 4 doanh nghiệp (3 Tổng công ty); Bộ Xây dựng cổ phần hóa 2 Tổng công ty.
Về thoái vốn, lũy kế trong giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 9/2019, cả nước đã thoái được 24.510 tỷ đồng, thu về 170.629 tỷ đồng.