Hội nghị Paris về Việt Nam: đối ngoại nhân dân tiên phong, phát huy tối đa thế mạnh
Trách nhiệm lịch sử của ngoại giao nhân dân
Trong bài viết “Hội nghị Paris về Việt Nam – đỉnh cao khoa học và nghệ thuật của đối ngoại nhân dân thời đại Hồ Chí Minh”, Tiến sĩ Nguyễn Bá Sơn cho biết:
Công tác ngoại giao những năm cuối của thập niên 1950 khó khăn, căng thẳng và mang đậm màu sắc của cuộc đấu tranh ý thức hệ. Tuyên truyền về cuộc đấu tranh vì hòa bình, thống nhất và độc lập của nhân dân Việt Nam vẫn chưa đến được một cách rộng rãi đối với nhân dân và dự luận xã hội nhiều nước trên thế giới. Cuộc chiến tranh Việt Nam vẫn bị nhiều người nhìn dưới lăng kính của sự cạnh tranh giữa hai phe. Nhiệm vụ của nền ngoại giao Việt Nam lúc đó là cần phải tìm phương sách phát triển mới, tìm cách thoát ra khỏi định kiến sai trái này, mở rộng các mối quan hệ quốc tế để có thể làm bạn với tất cả các nước, các lực lương yêu chuộng hòa bình, phấn đấu vì độc lập dân tộc, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ trong công đồng quốc tế.
Để phá vỡ vòng vây cô lập và phát triển hơn nữa nền ngoại giao Việt nam, để làm cho nhân dân, các lực lượng yêu chuộng hòa bình trên thế giới hiểu về cuộc chiến tranh Việt Nam và ủng hộ nhân dân ta, một chiến lược đối ngoại nhân dân của Đảng Lao động Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã được hình thành. Chiến lược này được đúc kết từ những kinh nghiệm vô cùng quý báu của Đảng ta trong thời kỳ Mặt trân Việt Minh (những năm 1940), Mặt trận Liên Việt (1950)...
Theo Tiến sĩ Nguyễn Bá Sơn: Sự ra đời của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam vào ngày 20/12/1960, do Luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch cùng với những người lãnh đạo Mặt trận là nhân sĩ trí thức, tư sản dân tộc, điền chủ, chức sắc tôn giáo… yêu nước có thể được coi là điểm khởi đầu của nền ngoại giao nhân dân trong giai đoạn cách mạng mới này.
Giương cao ngọn cờ đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, những mục tiêu phù hợp với xu thế của thời đại, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã tranh thủ được sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân yêu chuộng hòa bình ở nhiều nước, bất kể chính kiến như thế nào. Về mặt ngoại giao, Mặt trận nhanh chóng thiết lập cơ quan đại diện tại các nước xã hội chủ nghĩa, hình thành nên tổ chức và đội ngũ các nhà ngoại giao nhân dân. Ngày 18/1/1969, theo yêu cầu kiên quyết của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, phía Hoa Kỳ phải chấp nhận mời Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tham dự phiên họp đầu tiên của Hội nghị bốn bên về Việt Nam khai mạc tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Kleber ở Pari.
Từ đây, cuộc kháng chiến của nhân dân ta đã bước sang giai đoạn mới, điều này yêu cầu phải có những bổ sung, điều chỉnh chiến lược và chiến thuật ngoại giao nhân dân cho phù hợp với đòi hỏi của tình hình. Giai đoạn từ 1960 - 1969 là quá trình chuẩn bị lực lượng và xây dựng kế hoạch cho nền ngoại giao nhân dân của chúng ta vươn ra biển lớn, gánh vác trách nhiệm lịch sử trọng đại mà dân tộc giao phó vào thời điểm bước ngoặt của cuộc chiến tranh. Dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng Lao động Việt Nam, tổ chức và đội ngũ cán bộ ngoại giao đã tích lũy được những bài học kinh nghiệm, đề xuất ra những biện pháp thích hợp để hoàn thiện bản sắc độc đáo của một nền ngoại giao nhân dân.
Chiến lược và chiến thắng của ngoại giao nhân dân trong đàm phán Hiệp định Paris
Phân tích về chiến lược và chiến thuật ngoại giao nhân dân áp dụng trong quá trình diễn ra Hội nghị Paris, Tiến sĩ Nguyễn Bá Sơn cho biết: Việc bỏ qua hai thành phố ở Đông Âu và Đông Nam Á, nơi Việt Nam có lợi thế về chính trị và địa lý để chọn thủ đô nước Pháp làm địa điểm đàm phán cho thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã có quyết định quan trọng đưa nền ngoại giao nhân dân lên tuyến đầu trên mặt trận đấu tranh ngoại giao trong giai đoạn cách mạng mới. Là thủ đô chính trị, văn hóa quan trọng của thế giới, lại nằm ở trung tâm châu Âu, Paris sẽ bù đắp cho những thiếu hụt lúc đó của nền ngoại giao Việt Nam về địa bàn hoạt động và đối tượng tranh thủ.
Từ thủ đô Paris, với trụ sở của những hãng thông tấn quốc tế hàng đầu, những thông tin về chiến sự, về tội ác chiến tranh, và đặc biệt là tiếng nói chính nghĩa, những sáng kiến ngoại giao của Việt Nam… sẽ được lan truyền ra khắp thế giới một cách nhanh chóng, sinh động và chính xác. Tại thành phố này, chính giới, các tổ chức quần chúng và những người yêu chuộng hòa bình công lý không chỉ của Pháp mà từ tất cả các nước, kể cả Mỹ có thể dễ dàng tiếp xúc với những “Việt cộng” nhỏ bé, kiên cường nhưng hiền lành và đáng mến bằng xương bằng thịt – những đại diện của nền ngoại giao nhân dân Việt Nam.
Từ đây, theo lời mời của các tổ chức quần chúng tiến bộ, yêu chuộng hòa bình công lý ở các nước Tây Âu, thành viên hai Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam có điều kiện thuận lợi để tuyên truyền vận động nhân dân và chính giới các nước ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam. Nước Pháp thời gian đó có cộng đồng Việt kiều đông đảo, yêu nước và gắn bó với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc sẽ là sự hỗ trợ, bổ sung nhiều mặt cho việc triển khai chiến lược ngoại giao của Việt Nam…
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thị Bình, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ký Hiệp định Paris ngày 27/01/1973 (ảnh tư liệu). |
Theo TS Nguyễn Bá Sơn: Đối tượng vận động của ngoại giao nhân dân trong thời kỳ này không chỉ bó hẹp vào các tầng lớp công nhân, nông dân, sinh viên… vốn gắn bó và tích cực với các hoạt động đấu tranh quần chúng mà còn bao gồm cả tầng lớp tinh túy (elite) và giới thượng lưu trong xã hội phương Tây… Những nhân sĩ, trí thức yêu nước từ “bưng biền, rừng núi kháng chiến” bước vào lễ đường ngoại giao, các nhà ngoại giao nhân dân có được thiện cảm của dư luận, có lợi thế trong việc tiếp xúc với nhiều đối tượng, nhiều tầng lớp xã hội ở các nước phương Tây (chính trị gia, bác học, nhà văn, nhà báo, nghệ sỹ nổi tiếng…). Đây là những nhân vật mà tiếng nói của họ có “trọng lượng”, có tác dụng định hướng đối với dư luận xã hội, làm cho các các đảng phái chính trị phải kiêng dè.
Khẩu hiệu đấu tranh của đối ngoại nhân dân lúc này là Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam - người đại diện chân chính và hợp pháp duy nhất của nhân dân miền Nam Việt Nam. Ngay sau khi được thành lập, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã được 23 nước công nhận, trong đó có 21 nước đặt quan hệ ngoại giao. Trong khi chưa đặt được đại sứ quán thì Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đề xuất việc đặt Văn phòng thông tin báo chí tại Thủ đô Pari và được Chính phủ Pháp chấp thuận. Từ tháng 6/1969 đến đầu năm 1976, đã có 90 nước trên thế giới công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Thông qua những cuộc vận động ngoại giao sôi động và khó khăn (do sự ngăn chặn, quấy phá của Mỹ và Việt Nam Cộng hòa), đặc biệt là tranh thủ được sự ủng hộ của các nước tiến bộ, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã nhận được quy chế quan sát viên của Phong trào tại Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao Georgetown (Guyana) năm 1972, rồi sau đó được kết nạp và trở thành thành viên chính thức của phong trào Không liên kết tại Hội nghị cấp cao IV ở Alger (Algeria) năm 1973.
Việc ký Hiệp định Paris và gia nhập phong trào Không liên kết đã tạo ra cơ sở chính trị pháp lý quốc tế vững chắc và cơ hội thuận lợi để chúng ta đặt ra mục tiêu trở thành thành viên của các tổ chức quốc tế liên chính phủ toàn cầu khác. Tranh thủ điều mà chính Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã gợi ý khi tham gia Hội nghị quốc tế về Việt Nam, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam vận động các quốc gia thành viện ủng hộ để có được quy chế quan sát viên tại tổ chức Liên hợp quốc.
Với những đặc trưng trên, bài học từ Hội nghị Paris cho thấy là trong nhiều trường hợp, đối ngoại nhân dân có thể đi tiên phong, phát huy tối đa thế mạnh của mình, phục vụ đắc lực nhất cho những mục tiêu của đất nước và dân tộc trên mặt trân ngoại giao nói chung.
"Thời gian càng lùi xa thì chúng ta lại càng có điều kiện để nhận thức rõ hơn ý nghĩa cũng như tầm vóc của mặt trân ngoại giao đặc biệt - Hội nghị Pari về Việt Nam, mà nổi bật lên là những bài học về ngoại giao nhân dân. Có thể nói toàn bộ chiến dịch ngoại giao kéo dài gần 5 năm này, từ việc mở ra cục diện đàm phán, đến việc chọn địa điểm, vận dụng chiến lược cũng như chiến thuật cho từng giai đoạn và đặc biệt là cách kết thúc thắng lợi cuộc đàm phán… đã trở thành bộ giáo trình hoàn chỉnh và mẫu mực về nghệ thuật ngoại giao nhân dân của Việt Nam, có một không hai trong lịch sử ngoại giao thế giới", TS Nguyễn Bá Sơn cho biết.
Theo TS Nguyễn Bá Sơn: Những bài học kinh nghiệm về đối ngoại nhân dân trong thời kỳ Hội nghị Paris trong giai đoạn từ 1968 đến 1973 đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị. Để phát triển, hoàn thiện đối ngoại nhân dân trong giai đoạn hiện nay cần quan tâm đến những nội dung sau: Thứ nhất, trên cơ sở chủ trương, đường lối của Đảng, cần xây dựng được học thuyết, lý luận phù hợp với yêu cầu của đất nước và xu thế thời đại, để từ đó đề xuất chiến lược và chiến thuật ngoại giao đáp ứng được nhiệm vụ đặt ra đối với đối ngoại nhân dân của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Thứ hai, phải hình thành những hình thức tổ chức thích hợp và luôn cải tiến cho phù hợp với tình hình, với những mối quan hệ cụ thể; đồng thời đào tạo đào tạo đội ngũ cán bộ có đủ trình độ, năng lực và phẩm chất đáp ứng những yêu cầu của đối ngoại nhân dân. Thứ ba, xác định và phát huy thế mạnh cũng như vị trí được phân công trong “dàn hợp xướng” của nền ngoại giao giao Việt Nam. Vận dụng một cách linh hoạt và sáng tạo tính chất đối ngoại nhân dân (không chính thức), hình thức đối ngoại nhân dân (không quá câu nệ về lễ tân, lễ nghi) và đối tượng của đối ngoại nhân dân (đoàn kết rộng rãi mọi tầng lớp) … |