Họa tiết sóng nước Nhật Bản uốn lượn trên tà áo dài Việt
Tác phẩm áo dài kết hợp giữa họa tiết sóng nước của họa sĩ Hokusai và họa tiết sóng nước trong cổ phục triều Nguyễn (ngoài cùng bên trái) (Ảnh: Mai Anh). |
Kể về ý tưởng sáng tạo, nhà thiết kế thời trang Vũ Việt Hà nói: “Từ khi còn là sinh viên, tôi đã được tiếp cận với các chất liệu, kỹ thuật thêu, kỹ thuật làm tay… của văn hóa thời trang Nhật Bản. Điều đó mang đến cho tôi nhiều cảm hứng và tôi muốn tạo ra một tác phẩm có sự đồng cảm, liên kết tôi và Nhật Bản.
Nhà thiết kế thời trang Vũ Việt Hà (Ảnh: Mai Anh). |
Tôi chọn họa tiết sóng nước bởi họa tiết này xuất hiện ở cả hai nền văn hóa nhưng tại mỗi quốc gia lại mang nét đặc trưng riêng. Tôi đã kết hợp họa tiết sóng nước của Nhật Bản với họa tiết sóng nước của Việt Nam trên nền chất liệu sợi gai người Mông, từ đó thể hiện sự đồng nhất trong giao lưu văn hóa của hai nước”.
Bộ sưu tập áo dài được trình diễn trong khuôn khổ chương trình "Sắc màu Văn hoá Việt Nhật" (Ảnh: Mai Anh). |
Buổi trình diễn thời trang nằm trong khuôn khổ chương trình “Sắc màu văn hóa Việt - Nhật” là sự giao thoa, kết hợp văn hóa hai nước Việt Nam – Nhật Bản thông qua những thiết kế áo dài mang đậm tinh thần Nhật Bản và những bộ trang phục kimono được may hoàn toàn bởi các chất liệu vải của Việt Nam như lanh, cotton cho kimono mùa hè, vải dạ cho kimono mùa đông…
Trang phục kimono đại diện cho 4 mùa trong năm: xuân, hạ, thu, đông (Ảnh: Mai Anh). |
Theo người mẫu Nguyễn Thùy Linh: Điểm tương đồng giữa kimono và áo dài là đều tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ. Vậy nên khi mặc kimono hay áo dài, người mặc đều cảm giác mình nền nã, nữ tính hơn.
Lần đầu mặc áo dài Việt Nam, người mẫu Miyako Fujinami nói: "Tôi thích áo dài truyền thống của các bạn bởi nét nhẹ nhàng, thanh lịch. Áo dài dễ mặc hơn kimono vì không phải trải qua nhiều bước, tôi có thể tự mặc mà không cần sự trợ giúp từ người khác".
Nhiều trang phục, phụ kiện truyền thống của Việt Nam được trưng bày tại chương trình (Ảnh: Mai Anh). |
Cùng với phần trình diễn thời trang, chương trình còn diễn ra nhiều hoạt động nghệ thuật đặc sắc, kết hợp giữa các tác phẩm âm nhạc nổi tiếng của Việt Nam và Nhật Bản thông qua nhiều loại nhạc cụ khác nhau đem đến nhiều cảm xúc cho người nghe.
Sóng lừng ngoài khơi Kanagawa là tranh mộc bản của nghệ sĩ ukiyo-e Hokusai người Nhật Bản. Bức tranh mô tả một làn sóng khổng lồ đe dọa ba chiếc thuyền ngoài khơi thị trấn Kanagawa (thành phố ngày nay của thành phố Yokohama, tỉnh Kanagawa), phía xa là hình ảnh của núi Phú Sỹ. Những đợt sóng hung dữ như giơ “móng vuốt” trắng xóa muốn nuốt trọn những con thuyền mỏng manh giữa đại dương. Tuy nhiên, giữa cơn biển động dữ dội, con thuyền mà Hokusai vẽ lại tạo ra cảm giác mềm mại, giống như chính nó đang cố gắng bám vào con sóng để khéo léo vượt qua cơn sinh tử. Nhiều nhà phân tích cho rằng cách dùng màu xanh trầm dịu và cách vẽ những bọt nước tròn màu trắng lưng chừng, đối lập với những hình dung thông thường về sự giận dữ của đại dương, thể hiện cái nhìn tích cực đối với những thử thách cuộc đời. Hay, đó chính là những chiêm nghiệm rất phương Đông của Hokusai về cuộc đời: đối diện với thách thức, sóng gió bằng thái độ bình tâm, bằng con mắt điềm tĩnh. Qua bàn tay của nghệ sĩ Katsushika Hokusai, cơn sóng tại Kanagawa đã trở thành một kiệt tác, một biểu tượng trong hội hoạ của xứ Phù tang. Bức tranh này đã truyền cảm hứng cho biết bao nghệ sĩ và người xem trong 200 năm qua, đặc biệt là ảnh hưởng đến những lĩnh vực khác và sự phổ biến của nó trong đời sống hàng ngày. Ngày nay, hình ảnh của con sóng này xuất hiện với những biến thể khác nhau trên áo thun, sổ tay, túi tote... |