Họa sĩ 7x quảng bá trang phục truyền thống Việt Nam qua búp bê
Hải Triều 02/07/2022 06:00 | Chuyện tuần này
![]() |
Những mẫu búp bê mang trang phục dân tộc của hoạ sĩ Hoàng Anh được chăm chút tỉ mỉ tới từng chi tiết và sống động như thật. |
Không phải người làm búp bê đầu tiên ở Việt Nam, nhưng họa sĩ Hoàng Anh (Hà Nội) được nhiều người biết tới, khi các cô búp bê nhỏ xinh mặc trang phục của đồng bào các dân tộc Việt Nam có mặt ở nhiều sân bay, shop lưu niệm ở phố cổ Hà thành…
Ý tưởng làm búp bê mặc trang phục dân tộc được Hoàng Anh ấp ủ khi nhiều lần thấy khách du lịch ngó lơ các sản phẩm búp bê bằng giấy, len trong quầy lưu niệm.
"Thế giới đều biết tới nghệ thuật búp bê man trang phục truyền thống của Nhật Bản, Hàn Quốc. Khi nhìn ngắm những cô búp bê đó mình đau đáu tại sao không thử đưa trang phục Việt Nam vào những cô búp bê để bạn bè quốc tế biết nhiều hơn đến văn hóa Việt. Từ đó, tôi quyết định thu nhỏ lại theo góc nhìn của bản thân để trang phục dân tộc tới nhiều người hơn”, họa sĩ Hoàng Anh chia sẻ.
![]() |
Hoạ sĩ Hoàng Anh giới thiệu một mẫu búp bê mang trang phục dân tộc. |
Để thực hiện kế hoạch của mình, anh Hoàng Anh dành hai năm đi khắp các bản làng vùng núi phía Bắc để tìm hiểu về truyền thống văn hóa, đặc điểm của từng dân tộc và bộ trang phục của họ. Nam họa sĩ cùng ăn ở, sinh hoạt với đồng bào, lắng nghe chia sẻ, xem cách họ may mặc, để lấy cảm hứng chế tác. Từ năm 2011, anh Hoàng Anh bắt tay vào "thu nhỏ" các trang phục dân tộc. Các công đoạn chọn vải, cắt may cho đến lên trang phục cho búp bê và đính trang sức đều do anh thực hiện.
Để chế tác một sản phẩm gồm nhiều công đoạn. Đầu tiên là nghiên cứu trang phục về kiểu dáng, chất liệu vải, sau tiến hành làm phôi bằng composite. Tiếp đến là tạo hình và vẽ mặt cho búp bê với yêu cầu khuôn mặt hồn hậu và xen chút mộc mạc, giản dị. Cuối cùng là may trang phục và gắn phụ kiện như gùi, chiêng, trống, khăn, mũ cho từng sản phẩm.
Họa sĩ Hoàng Anh tâm niệm, búp bê không đơn thuần là quà tặng mà còn là cầu nối văn hóa, phục trang đồng bào đến gần hơn với bạn bè quốc tế.
"Khách nước ngoài thường tìm hiểu hoa văn, chi tiết đặc trưng, chất liệu thổ cẩm… trên phục trang của búp bê mà họ định mua. Do đó, người nghệ sĩ phải nắm được cái hồn, cái cốt, cái cơ bản nhất của dân tộc mà búp bê đang mặc” – họa sĩ chia sẻ.
Theo họa sĩ Hoàng Anh, mỗi dân tộc có một trang phục riêng, gắn với từng hoa văn, họa tiết độc đáo. Đặc biệt, một số dân tộc có cách thiết kế trang phục của phụ nữ có chồng khác với những thiếu nữ tuổi đôi mươi. Nếu không tìm hiểu sâu từng nét văn hóa, truyền thống của từng dân tộc, sẽ không thể tạo ra cái hồn cho từng sản phẩm", anh nói.
![]() |
Mỗi mẫu búp bê là một tâm huyết của người họa sĩ, chứa đựng trong đó là kiến thức về văn hóa, trang phục của dân tộc Việt Nam. |
Với hàng nghìn sản phẩm trưng bày tại nhà, hoạ sĩ Hoàng Anh có thể giới thiệu cả ngày trang phục của từng đồng bào cùng các đặc trưng. Ví dụ, hoa văn trên trang phục Tà Ôi là thổ cẩm dệt cườm; của người Dao phải bôi sáp ong lên mặt vải rồi mới nhuộm màu, phần áo vạt dài, thêu đính cầu kỳ; trong khi trang phục người Mường thường là áo cõn, mở cúc ngực khoe mảnh thổ cẩm trong áo yếm còn phụ nữ H'Mông thường may váy nhiều tầng lớp và có kiểu thêu ngược đặc biệt...
Hiện tại, họa sĩ Hoàng Anh sở hữu khoảng 5.000 búp bê với hai kích cỡ là 25 cm và 35 cm của 45 trong số 54 dân tộc. Trong đó, mỗi dân tộc lại chia thành nhiều chi, nhánh khác nhau, nâng tổng số mẫu thiết kế lên 60 bộ.
Tùy vào độ khó mà mỗi mẫu búp bê có thể mất 4-6 tiếng cho việc trang trí. Anh Hoàng Anh đã thực hiện hàng nghìn bộ quần áo tinh xảo, giống hệt bản gốc của người dân tộc Dao, Mông, Thái, Tày, Hà Nhì, Lô Lô… Trừ những chi tiết không thể sao y bản chính thì tất cả đều giống và sống động như thật, chất liệu anh sử dụng cũng là chất liệu truyền thống từ chính trang phục của người dân đồng bào đang dùng.
“Khi những cô búp bê khoác trang phục dân tộc Việt theo chân du khách Quốc tế đi ra khắp năm châu, rồi sẽ có một ngày người Quốc tế sẽ nhìn và nhận ra đó là những búp bê của Việt Nam. Cũng là minh chứng sản phẩm búp bê của người Việt đặc sắc không kém những cô búp bê nước ngoài” – anh Hoàng Anh nói.
![]() |
Họa sĩ Hoàng Anh lựa chọn chất liệu thật từ chính trang phục của bà con đồng bào dân tộc để tạo nên những con búp bê sống động. |
![]() |
Mỗi mẫu búp bê có thể mất từ 4-6 tiếng chỉ cho việc trang trí hoàn thiện. |
![]() |
Từng chi tiết được làm cẩn thận tỉ mỉ như thật. |
![]() |
Mẫu áo dài của dân tộc Kinh đẹp và sống động như thật với chất liệu gấm kết hợp lụa. |
![]() |
Mẫu búp bê mang trang phục dân tộc đồng bào vùng cao. |
![]() |
Do được làm bằng tay thủ công hoàn toàn, sản phẩm có giá trị khá cao cho khoảng từ 3,5 triệu đồng/ mẫu. |
![]() |
Mẫu búp bê mang áo dài cưới được trang trí tỉ mỉ, kĩ lưỡng. |
![]() |
Nét mặt của các mẫu búp bê được tạo hình hồn hậu, giản dị, mộc mạc mang nét đẹp truyền thống khác với vẻ đài các, kiêu sa của các mẫu búp bê barbie hay bí ẩn, lạnh lùng của các mẫu búp bê Nhật Bản, Hàn Quốc. |
![]() |
Hoạ sĩ Hoàng Anh mong muốn lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam tới bạn bè Quốc tế thông qua các mẫu búp bê khi trưng bán bán tại các shop đồ lưu niệm, sân bay. |
Đáng chú ý
Gìn giữ sự bình yên ở các bản làng biên giới

Bài viết mới
Tham vấn chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao giữa Việt Nam và Qatar

Việt Nam - Nhân tố quan trọng trong sự phát triển của ASEAN

Chuyên đề

Những người lính Mỹ năm xưa nã đạn vào Việt Nam, hôm nay trở lại. Họ quay lại như một sự trở về với tiếng gọi của lương tri. Người Việt Nam đã mở vòng tay chào đón. Hai bên cùng lấp những hố bom bằng màu xanh cây lá, thắp lên ngọn lửa yêu đời và hi vọng cho những nạn nhân chiến tranh. Rồi từ đây, những hạt giống hữu nghị, hoà bình đâm chồi, nảy lộc.

50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ: Hương sen tỏa ngát bao gồm tất cả những bài viết về quan hệ của hai nước một cách toàn diện, sâu sắc và độc đáo nhất.

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đã đồng hành hàng trăm năm với lịch sử văn hóa và đời sống dân tộc Việt. Một trong những giá trị quan trọng nhất của hoạt động tín ngưỡng này chính là âm nhạc. Sự hòa trộn của yếu tố bác học với dân gian; sự giao thoa văn hóa các vùng miền, các dân tộc; sự tiếp biến của văn hóa các giai đoạn lịch sử… đạt đến độ hoàn hảo. Đặc biệt nhất là tính thống nhất cực kỳ cao độ giữa cảm xúc, tâm tưởng của những thành phần tham dự là chủ sự, nghệ nhân, khán thính giả; của đời sống hiện thực với đời sống tâm linh thiêng liêng đã được âm nhạc, diễn xướng ở đây tạo nên một giá trị hiếm có. |