Hộ chiếu điện tử: Những điều cần biết
Hộ chiếu điện tử có hai lớp bảo vệ an ninh. Ảnh: Báo Du lịch |
Hộ chiếu điện tử là gì?
Hộ chiếu điện tử hay còn gọi là hộ chiếu sinh trắc học, hộ chiếu số, e-passport là loại hộ chiếu có gắn chip chứa thông tin cá nhân và các đặc điểm nhận dạng bên trong bìa lưng. Thiết kế công nghệ cao này nhằm mục đích tăng thêm giá trị cho hộ chiếu (do có độ bảo mật cao hơn), giảm nguy cơ làm giả hay sửa đổi thông tin, cũng như tương thích với các thiết bị kiểm tra hiện đại ở các cửa khẩu nước ngoài.
Con chip điện tử RFID này chứa các thông tin được số hóa của người mang hộ chiếu. Cụ thể là các thông tin cá nhân vốn in ở trang 2 của hộ chiếu, bao gồm cả ảnh kỹ thuật số, các dấu vân tay, chữ ký. Nếu cần thiết, chip này còn chứa các thông tin nhận dạng sinh trắc học như nhận dạng khuôn mặt, mống mắt,... tùy từng nước.
Đặc điểm nhận dạng của hộ chiếu điện tử là hình vẽ tương tự chiếc máy ảnh màu vàng ở bìa ngoài, theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế - ICAO. Tuy vậy, hộ chiếu một số nước phát hành trước khi tiêu chuẩn quốc tế ra đời không có logo này.
Ưu điểm vượt trội của hộ chiếu điện tử
So với hộ chiếu thường, hộ chiếu điện tử khó bị làm giả hơn nhiều, do thông tin lưu trên con chíp được bảo mật rất hiệu quả và phải đi kèm chi phí cao khi cơ chế bảo mật được thực hiện đúng và đầy đủ.
Một số nước hiện đại như Mỹ còn tích hợp kim loại dạng miếng mỏng hoặc lưới vào bìa quyển hộ chiếu để ngăn chặn việc con chíp khỏi bị sao chép dữ liệu từ xa.
Trong thực tế, hộ chiếu điện tử vừa có chip, vừa có thông tin dạng in truyền thống. Con chip điện tử vừa bổ sung cho trang dữ liệu được in trong hộ chiếu, vừa đóng vai trò tăng cường an ninh cho hộ chiếu, tạo nên lớp bảo vệ kép. Nhờ vậy, người dùng có thể yên tâm sử dụng hộ chiếu trong trường hợp con chip gặp sự cố, cũng như tại các cửa khẩu chưa được trang bị máy kiểm tra hiện đại.
Một lợi ích khác của hộ chiếu điện tử là sự nhanh chóng. Tại nhiều nước, chỉ cần thao tác đơn giản mở hộ chiếu đặt lên máy quét, máy sẽ tự động đối chiếu thông tin cá nhân, nhận diện khuôn mặt, và cho nhập cảnh nếu hợp lệ.
Vì ưu điểm này, tính tới tháng 6/2018, đã có 150 quốc gia sử dụng hộ chiếu điện tử
Khi nào hộ chiếu Việt Nam được gắn chip?
Ngày 4/4, đại diện Bộ Công an cho biết đề án sản xuất và phát hành hộ chiếu điện tử đã được Thủ tướng thông qua với kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng.
Hiện tại, Việt Nam đang đẩy nhanh tiến độ triển khai đề án này. Bộ Công an đang nghiên cứu, xây dựng đề án trên nguyên tắc, công nghệ nhận dạng vân tay phải tương thích với các công nghệ nhận dạng vân tay sử dụng trong hệ thống chứng minh nhân dân điện tử và hệ thống tàng thư tội phạm. Cơ sở dữ liệu quốc gia về hộ chiếu điện tử phải đảm bảo khả năng mở rộng và tích hợp để trao đổi, chia sẻ và sử dụng lại dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác về dân cư, về chứng minh nhân dân, về tội phạm.
Nếu được đưa vào sử dụng, hộ chiếu điện tử sẽ góp phần làm tăng giá trị và độ tin cậy cho hộ chiếu Việt Nam, đồng thời giúp công dân dễ dàng đi đến bất kỳ quốc gia nào mà mình muốn, đặc biệt là Mỹ bởi hộ chiếu điện tử là một điều kiện quan trọng trong hàng loạt tiêu chuẩn Mỹ đưa ra trong chính sách quản lý nhập cảnh đối với tất cả công dân đến từ các nước khác.
Xem hộ chiếu của khách, nhân viên hải quan không cho lên máy bay với lý do khiến ai cũng ngỡ ngàng Đây có lẽ là lần đầu tiên, nữ ca sĩ người Ukraina Natalia Dzenkiv lại cảm thấy vui khi nhân viên hải quan không cho ... |
Cơ trưởng mang nhầm hộ chiếu, hơn 150 hành khách phải dời chuyến bay tới ngày hôm sau Hơn 150 hành khách đã bị mắc kẹt tại một sân bay của Trung Quốc suốt 15 tiếng đồng hồ sau khi chuyến bay tới ... |
Chỉ 500 người trên thế giới được cấp loại hộ chiếu đặc biệt này Không chỉ là tấm vé thông hành giúp người sở hữu tự do đi lại ở nhiều quốc gia, loại hộ chiếu này còn đặc ... |