Hàn Quốc gấp rút triệu Đại sứ Nhật Bản vì vụ xả nước nhiễm xạ ra biển
Cụ thể, Thứ trưởng Ngoại giao thứ hai của Hàn Quốc Choi Jong-moon đã gặp Đại sứ Nhật Bản Koichi Aiboshi vài giờ sau khi Tokyo chính thức hóa kế hoạch xả nước trong cuộc họp Nội các sáng cùng ngày. Ông Choi bày tỏ sự lấy làm tiếc và phản đối phía Nhật Bản trong cuộc gặp này.
Trong khi đó, Bộ Đại dương và Ngư nghiệp Hàn Quốc thông báo, nước này lên kế hoạch tăng cường các hoạt động thanh tra mức độ phóng xạ của các sản phẩm hải sản nhập khẩu Nhật Bản và nội địa trong bối cảnh Tokyo đã quyết định xả thải lượng lớn nước nhiễm phóng xạ ra biển.
Hàn Quốc triệu đại sứ Nhật Bản phản đối xả nước nhiễm xạ ra biển. Ảnh: AP |
Bộ này nêu rõ: "Với tôn chỉ đặt sức khỏe và sự an toàn của người dân lên hàng đầu, chúng tôi lên kế hoạch sử dụng mọi biện pháp cần thiết để đối phó với việc xả thải nước bị nhiễm độc của Nhật Bản".
Cũng theo kế hoạch này, Seoul sẽ tăng số lượng các cuộc điều tra mức độ phóng xạ tại các vùng nước địa phương từ 4 lên 6 trong năm nay.
Phía Trung Quốc cũng lên án kế hoạch xả nước ô nhiễm vì Tokyo không tham khảo ý kiến của Bắc Kinh về việc này. Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi hành động của Nhật Bản là "cực kỳ vô trách nhiệm", đồng thời cảnh báo chúng sẽ "gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe và an toàn cộng đồng quốc tế".
Trong khi đó, Mỹ thể hiện sự đồng cảm với Nhật Bản. Nêu rõ Washington biết Tokyo đã xem xét một số lựa chọn, Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng Nhật Bản đã "minh bạch về quyết định của mình" và "dường như đã thông qua một cách tiếp cận phù hợp với những tiêu chuẩn an toàn hạt nhân được toàn cầu chấp nhận".
Mỹ mong đợi sẽ "phối hợp và liên lạc liên tục của Nhật Bản vì nước này sẽ giám sát tính hiệu quả của lựa chọn này".
Trước đó, ngày 11/3/2011, trận động đất với cường độ 9,0 độ Richter, kích hoạt sóng thần đã làm bùng nổ cuộc khủng hoảng hạt nhân ở nhà máy Fukushima Daiichi, dẫn đến tình trạng mất điện ở các lò phản ứng từ số 1-4.
Hậu quả là các lò 1-3 bị nóng chảy, buộc phía nhà máy phải bơm nước làm nguội. Bên cạnh đó, nước ngầm tại khu vực cũng bị nhiễm phóng xạ.
Nhật Bản đã tiến hành xử lý nước nhiễm phóng xạ bằng hệ thống ALPS, và chứa trong các bồn của nhà máy. Hiện khối lượng nước tại đây đã hơn 1,25 triệu tấn và chuẩn bị hết chỗ chứa.
Theo kế hoạch được thông qua, việc xả nước sẽ được khởi động trong vòng 2 năm và toàn bộ quá trình sẽ kéo dài nhiều thập niên.