Hạm đội Biển Đen nhận thêm 7 tàu mang tên lửa Kalibr
Hải quân Nga quyết định trang bị cho Hạm đội Biển Đen 7 tàu các loại giúp tăng cường khả năng đối phó với tình hình mới.
Cụ thể, Phó Đô đốc Igor Osipov, Tư lệnh Hạm đội Biển Đen của Nga cho biết, những chiếc tàu này dự kiến sẽ được chuyển giao trước khi kết thúc năm 2021. "Các tàu chiến mới liên tục cập bến. Năm nay, chúng tôi có kế hoạch tiếp nhận thêm 7 tàu chiến các loại để phục vụ trong hạm đội", vị chỉ huy này nói.
Theo vị chỉ huy này, dù không cùng chủng loại nhưng điểm chung là chúng đều được thiết kế để mang theo tên lửa tầm xa Kalibr. Như vậy, Nga đang biến Hạm đội Biển Đen thành nơi được trang bị nhiều tên lửa hành trình tầm xa bậc nhất của mình.
Chiến hạm Nga phóng Kalibr. Nguồn: Internet |
Việc Nga tăng thêm tàu chiến mang tên lửa hành trình tầm xa đang khiến phương Tây và Ukraine cảm thấy lo lắng khi mới đây, Tư lệnh Hải quân Ukraine Đô đốc Igor Voronchenko, phàn nàn rằng Nga đã tăng khả năng chiến đấu của Hạm đội Biển Đen bằng tên lửa Kalibr khiến những quốc gia trong khu vực gặp nguy hiểm.
Ông Voronchenko cho biết, kể từ khi sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ liên bang, Nga đã tăng cường mạnh tiềm lực của Hạm đội Biển Đen. "Thực tế là trong sáu năm nay Nga đã tái vũ trang toàn bộ đội tàu chiến của Hạm đội Biển Đen.
Thay vì 29 tàu thì bây giờ đã có gần 50 tàu, trong đó khoảng 1/2 tàu mang vũ khí tên lửa. Tổng hỏa lực tên lửa hành trình, đáng kể nhất là Kalibr của Nga tăng lên rất đáng sợ, bao gồm các tổ hợp Bastion và Bal", ông Voronchenko nói.
Được biết, cho tới nay,Nga đã tạo ra một hệ thống phòng thủ hàng đầu khu vực với những hệ thống phòng không S-400 liên tiếp được tăng cường. Cùng với đó, sức mạnh của biên đội tàu chiến và Không quân cũng không ngừng được tăng lên.
Chuyên gia quân sự Viktor Murakhovsky cho biết, thời Liên Xô, lực lượng hải quân ở Địa Trung Hải hoàn toàn không có căn cứ thường trực. Đạn dược, tên lửa, phụ tùng thay thế, thực phẩm… tất cả những thứ này cần được bổ sung và trong trường hợp này chỉ có tàu hỗ trợ mới có thể vận chuyển được chúng.
Nhưng với tàu hỗ trợ này, không chỉ cung cấp cho các tàu chiến của Hạm đội Biển Đen khả năng hoạt động dài ngày ở Địa Trung Hải, mà trong tương lai còn các khu vực khác trên thế giới. Ví dụ, Nga cần hoạt động ở Ấn Độ Dương nhưng Nga không có căn cứ ở đó.
Vì vậy, việc trang bị các tàu hỗ trợ là rất cần thiết, chúng giống như những căn cứ nổi để giúp Nga tiếp tục hoạt động trên biển mà không cần phải cập bờ.