Hải Dương 8 - "Mũi tấn công mềm" của Trung Quốc trên Biển Đông
Toàn cảnh hành động gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông Bãi Tư Chính và tầm nhìn chiến lược xây dựng nhà giàn DK1 Mưa "vàng" trên quần đảo Trường Sa |
TS Trần Công Trục - Nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ nhận định về hoạt động của Trung Quốc thời gian qua tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. |
"Mềm" nhưng "độc"
Theo tôi, nếu xâu chuỗi tất cả các động thái đã được triển khai tại khu vực này trong thời gian trước đây, nhất là giai đoạn sau khi đã huy động sức mạnh để đánh chiếm 6 thực thể ở phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988, có thể thấy Trung Quốc đã vận dụng “sức mạnh mềm” để triển khai một loại "mũi tấn công" chủ lực xuống Biển Đông.
Tàu Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc. (Ảnh: Schottel) |
“Sức mạnh mềm” mà Trung Quốc sử dụng trong "mũi tấn công chủ lực" chính là sức mạnh về kinh tế, khoa học kỹ thuật, truyền thông, ngoại giao, pháp lý. Dù không có tiếng súng, tiếng bom đạn; không thấy cảnh khói lửa binh đao, đây vẫn là "mũi tấn công chủ lực" kiểu mới hết sức nguy hiểm, đáng sợ.
Bởi vì, kẻ gây chiến sẽ “không đánh mà thắng”, nhất là trên lĩnh vực kinh tế, chính trị, pháp lý, trong bối cảnh đang diễn ra những tranh chấp địa - chính trị, địa - kinh tế…hết sức căng thẳng giữa các siêu cường, khiến cho nhân loại lo ngại về một cuộc chiến tranh hủy diệt có thể xảy ra bất cứ lúc nào tại một số khu vực trọng yếu, như khu vực Trung Đông, Biển Đông.
Với Việt Nam, Trung Quốc dùng mọi biện pháp buộc Việt Nam phải đối phó trên nhiều mặt trận. Năm 2014, hạ đặt giàn khoan HD981 trái phép, xây dựng đường băng ở đảo Gạc Ma, điều giàn khoan Nam Hải 09 đến cửa vịnh Bắc Bộ…
Chúng ta cần nhớ lại là tại khu vực bãi Tư Chính, ngày 8/5/1992, một công ty nhỏ của Mỹ, Crestone Energy Corporation, được Trung Quốc cấp quyền thăm dò dầu khí trên một phạm vi biển rộng đến 25.155 km² mà Trung Quốc gọi là Vạn An Bắc, cạnh khu vực bãi ngầm Tư Chính. Đến năm 1994, Crestone lại có kế hoạch thăm dò lô Vạn An Bắc 21 (theo cách gọi của Trung Quốc).
Chiến thuật "cháo nóng húp quanh"TS Trần Công Trục nhận định: Có thể thấy rằng, sau khi gây chiến bằng vũ lực các thực thể địa lý thuộc quần đảo Hoàng Sa năm 1956, 1974 và quần đảo Trường Sa năm 1988, Trung Quốc đang tận dụng mọi lợi thế về tài chính, quân sự, kĩ thuật, kinh tế để triển khai mũi "tấn công mềm", bằng chiến thuật “gặm nhấm”, “cháo nóng húp vòng quanh” đối với các bãi cạn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hợp pháp của các quốc gia ven Biển Đông, như những gì đã xảy ra ở Đá Vành Khăn năm 1995, bãi cạn Scarborough 2012 , Bãi Cỏ Mây,…với nhiều thủ đoạn khác nhau để tăng cường sự hiện diện trên thực tế trong phạm vi yêu sách “đường lưỡi bò”. |
Thậm chí, Bắc Kinh còn tìm cách mở rộng hoạt động phi pháp này bằng cách huy động lực lượng tàu thuyền đến hoạt động tại khu vực bãi cạn James cách bờ biển Malaysia chỉ 80 km, Bãi Cỏ Rong ở phía Đông quần đảo Trường Sa, cách Philippines dưới 200 hải lý và gần đây, tiếp tục điều động các phương tiện, cùng với lực lượng tàu quân sự làm nhiệm vụ bảo vệ, tiến hành thăm dò địa chấn tại khu vực bãi cạn Tư Chính, Vũng Mây, Quế Đường, Huyền Trân…ở cách bờ biển Việt Nam dưới 200 hải lý, hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.
Tất cả những hoạt động nói trên được Trung Quốc tính toán để triển khai "mũi tấn công mềm" cực kỳ nguy hiểm trong bối cảnh khu vực và quốc tế hiện nay. Có thể nói Trung Quốc đang triển khai “mũi tấn công chủ lực” để tiến vào “tử huyệt” của những quốc gia mà họ coi là những “đối thủ đáng gờm” có khả năng cản trở bước tiến của họ xuống Biển Đông.
Bởi vì, suy cho cùng, trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, nguồn tài nguyên sinh vật và không sinh vật, chứa đựng trong đó mới là “miếng bánh” ngon lành, hấp dẫn cần phải tranh giành, chứ không phải phạm vi là không gian của chúng.
Vì vậy, những hoạt động của Trung Quốc đã đe dọa trực tiếp tới những quyền và lợi ích chính đáng không chỉ của Việt Nam, mà còn của các nước khác trong khu vực, trong đó vấn đề được nhiều nước quan tâm nhất là quyền tự do hàng hải, hàng không quốc tế.
Nhà giàn DK1 - cột mốc vững chắc canh giữ thềm lục địa phía nam của Tổ quốc. (Ảnh: Nhân dân) |
Thủ đoạn gần và âm mưu xa
Khi triển khai bất kỳ động thái nào trong Biển Đông, Trung Quốc thường tính toán nhằm vào nhiều mục đích khác nhau: mục đích ngắn hạn - mang tính chiến thuật; mục đích lâu dài - mang tính chiến lược. Tuy nhiên, khác với những động thái trước đây, lần này, hoạt động của nhóm tàu thăm dò địa lý Hải Dương 8 ở khu vực bãi Tư Chính, theo tôi, mục đích chính của Trung Quốc là:
Về pháp lý: Tìm cách tạo ra vào tình huống “sự đã rồi”, với sự hiện diện thường xuyên của các phương tiện thăm dò khai thác tài nguyên dầu khí tại khu vực này để buộc Việt Nam, quốc gia luôn luôn chủ trương giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tránh đối đầu, xung đột, buộc phải chấp nhận chủ trương “cùng khai thác” với Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam chấp nhận đây là “khu vực tranh chấp”, hoàn toàn có lợi cho Trung Quốc.
Về kinh tế: Trung Quốc đang gây sức ép để buộc mọi hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam ở khu vực này bị đình đốn. Các công ty của nước ngoài đang khai thác dầu khí ở đây sẽ phải rút lui để tránh những rủi ro do có thể xảy ra xung đột, chiến tranh. Rõ ràng, có thể thấy được mục đích đích kinh tế của Trung Quốc trong bối cảnh này. Họ muốn khai thác dầu khí, tài nguyên khoáng sản và thậm chí làm giảm sức phát triển kinh tế của các quốc gia trong khu vực để họ dễ bề thao túng, điều khiển.
Hơn nữa, với “mũi tấn công mềm” này, Trung Quốc đã vi phạm không chỉ các quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia ven Biển Đông, mà còn của các quốc gia liên quan khác ngoài khu vực được Luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 đã quy định rõ ràng, đang có hiệu lực.
Với động thái này, nếu không kịp thời lên án và ngăn chặn sẽ tạo ra tiền lệ xấu về cách ứng xử dựa vào sức mạnh, bất chấp công lý và đạo lý trong quan hệ quốc tế ở thời đại văn minh, tiến bộ hiện nay; gây bất ổn về chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng, có tác động tiêu cực đến sự tăng trưởng kinh tế quốc gia, khu vực và quốc tế. Điều nghiêm trọng hơn, nếu không kiểm soát được sẽ đẩy nhân loại vào những cuộc xung đột và chiến tranh.
Xem thêm:
Reuters: Tàu Hải Dương 8 Trung Quốc rời bãi Tư Chính tới đá Chữ Thập? Tàu khảo sát Hải Dương 8 (HD-08) của Trung Quốc đã rời khỏi bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ... |
Bãi Tư Chính và tầm nhìn chiến lược xây dựng nhà giàn DK1 Nằm trong DK1, bãi ngầm Tư Chính có diện tích 700km2, chiều dài 52km (có tài liệu nói 61km), chiều rộng 11km (có chỗ phình ra hơn ... |
Mỹ chuyển hướng tập trận sang Biển Đông, đối phó Trung Quốc Quân đội Mỹ đang lên kế hoạch chuyển hướng, tăng cường tập trận tại Thái Bình Dương - Ấn Độ dương trong năm 2020, trong ... |
"Gậy to, gậy nhỏ" của Trung Quốc tại bãi Tư Chính, Biển Đông Trên tờ The Hill, Giáo sư James Holmes, Trưởng khoa Chiến lược Hàng hải tại Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ, đã có bài ... |
Việt Nam thực hiện nhiều hình thức phản đối Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam đã có nhiều hình thức giao thiệp ngoại giao ... |
Bãi Tư Chính hoàn toàn thuộc về Việt Nam, Trung Quốc không có bất kỳ quyền gì Khu vực nhà giàn DK1, trong đó có Bãi Tư Chính, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ ... |