Hà Nội sẽ tăng giá nước sinh hoạt vào cuối năm nay?
Ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội vừa ký văn bản giao nhiệm vụ cụ thể cho Sở Tài chính chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh giá nước sạch.
Cùng với đó, TP Hà Nội cũng đưa ra chính sách hỗ trợ về giá nước sạch cho người dân ở khu vực nông thôn, nhất là các xã xa trung tâm, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của thành phố.
Hiện giá nước sinh hoạt trên địa bàn TP Hà Nội được tính theo Quyết định 38 của TP, ban hành năm 2013. Thời điểm đó, TP Hà Nội quyết định tăng giá nước sinh hoạt trong 3 năm liên tiếp từ 2013-2015. Mỗi năm TP Hà Nội tăng giá nước một lần trong 3 năm liên tiếp.
Người dân Hà Nội xếp hàng chờ lấy nước sạch do sự cố nước nhiễm dầu vừa qua. Ảnh: Zing.vn |
Cụ thể, giá nước sinh hoạt (10 m3 đầu tiên) sau 3 năm tăng liên tiếp, đến năm 2015 có giá là 5.973 đồng/1m3. Giá nước sinh hoạt từ trên 10m3 đến 20m3, năm 2015 có giá là 7.052 đồng/1m3. Giá nước sinh hoạt từ 20 m3 đến 30m3, năm 2015 có giá là 8.669 đồng/1m3. Giá nước sinh hoạt trên 30m3, năm 2015 có giá là 15.929 đồng/1m3.
Theo quy định, sau khi liên ngành Thành phố Hà Nội xây dựng phương án điều chỉnh giá nước sạch trên địa bàn Hà Nội, trình UBND thành phố Hà Nội xem xét, UBND thành phố sẽ trình HĐND thành phố quyết nghị. Theo đó, dự kiến phương án điều chỉnh tăng giá bán nước sạch sinh hoạt trên địa bàn Hà Nội sẽ được trình HĐND thành phố xem xét trong kỳ họp cuối năm 2019.
Đề xuất này đưa ra đúng thời điểm vừa xảy ra sự cố nhà máy nước sạch sông Đà bị nhiễm dầu còn chưa kịp lắng xuống.
Tuy nhiên, trao đổi bên hành lang Quốc hội hôm 30/10, đại biểu Trần Văn Lâm (Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Phó đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) cho rằng sự cố nước sinh hoạt bị nhiễm dầu gây ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn người dân Hà Nội là sự cố hi hữu, không phải phổ biến và không ai muốn. "Chúng ta cũng đừng vì điều đó mà đánh giá cả một hệ thống cơ quan sản xuất nước sạch", ông Trần Văn Lâm nói.
ĐBQH tỉnh Bắc Giang cũng lý giải việc Hà Nội tăng giá nước nằm theo lộ trình, tăng để đáp ứng nhu cầu là điều bình thường. Việc tăng cũng đúng lộ trình, từ đó có kế hoạch để bù đắp chi phí và nâng cao chất lượng, tăng cường quản lý chất lượng an toàn nước cho người dân.