Vụ nước sạch sông Đà nhiễm dầu: Bí thư nói có thể "cắt hợp đồng", Bộ trưởng khẳng định NĐT "vô trách nhiệm"
"Chủ đầu tư vụ nước sạch sông Đà nhiễm dầu thải vô trách nhiệm"
Liên quan đến sự cố nước sạch sông Đà nhiễm dầu, trao đổi với báo chí bên lề hành lang Quốc hội chiều 22/10, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, bản thân ông cũng phải dùng nước bẩn 3 ngày.
Về trách nhiệm của chủ đầu tư sau khi xảy ra vụ việc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhìn nhận: "Thực tế, họ đã không đưa ra giải pháp đúng đắn, kịp thời và không chú ý đến sức khỏe, không lường được hết các tác hại có thể gây cho mọi người. Có thể dùng từ hết sức vô trách nhiệm và thiếu hiểu biết".
Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà. Ảnh: Vietnamnet |
Người đứng đầu TN&MT cũng cho rằng, việc nguồn nước sạch sông Đà bị nhiễm dầu thải còn là điển hình cho việc thiếu bảo vệ nguồn nước, bởi các cơ quan chức năng đã thiếu chủ động ban hành những cơ chế chính sách, quy phạm liên quan đến việc bảo vệ nguồn nước, thứ hai là việc thực thi chính sách pháp luật của doanh nghiệp.
Thứ ba là chuyển từ việc Nhà nước đảm bảo nguồn nước sạch sang tư nhân có những mặt tích cực nhưng bên cạnh đó, sự phối hợp giữa cơ quan nhà nước địa phương và doanh nghiệp tư nhân trong vấn đề bảo vệ an toàn nguồn nước chưa có quy định và quy trách nhiệm cho ai.
Nói về trách nhiệm với những người có liên quan, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay, hiện có đầy đủ quy định pháp luật, các cơ quan thi hành pháp luật sẽ có biện pháp để xử lý: "Đối với một doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm bẩn mà ảnh hưởng tới sức khỏe người dân và trong trường hợp này là thương mại về nước, kinh doanh nước, cung cấp dịch vụ sản phẩm là nước mà biết nước ô nhiễm vẫn cung cấp thì đối với các hộ sử dụng nước là một bên hợp đồng, có những thỏa thuận và có thể kiện.
Về góc độ sức khỏe của người dân, khi cung cấp sản phẩm ra thị trường mà sản phẩm đó bẩn thì rõ ràng quy định của pháp luật đều có thể xem xét xử lý. Chẳng hạn thuốc giả thì đi tù và với nước bẩn cung cấp cũng có thể đi tù. Tuy nhiên, việc này phải chờ cơ quan pháp luật xem xét cụ thể.
Trước mắt, tôi cho rằng, những người tham gia vào việc đổ trộm dầu, cung cấp nước bẩn là người theo pháp luật chúng ta sẽ xử lý hết sức nghiêm khắc", Bộ trưởng Bộ TN&MT khẳng định.
Hà Nội có quyền cắt hợp đồng, chọn doanh nghiệp khác
Cũng trả lời báo chí tại hành lang Quốc hội chiều nay về sự cố nước sạch sông Đà bị nhiễm chất styren gây ảnh hưởng đến hàng triệu người dân Thủ đô, Bí thư TP Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng, trước hết doanh nghiệp là người chịu trách nhiệm đầu tiên. Theo đó, chủ đầu tư, doanh nghiệp khi kinh doanh nguồn nước phải có trách nhiệm bảo vệ nguồn nước.
Ngoài ra, trách nhiệm thứ 2 thuộc về công an các địa phương. “Thực tế, nước hồ đấy không phải là nước sạch, cứ thế đưa về mà dùng. Chính vì thế, phải xem lại toàn bộ hệ thống quan trắc. Hiện tại, hệ thống đó rất thiếu. Thêm nữa, dù bất cứ ở đâu, kể cả được đảm bảo an ninh, thì cũng có thể xảy ra chuyện mất an ninh, an toàn. Vậy khi có sự cố, hệ thống nào sẽ phát hiện ra?”, ông Hải bày tỏ quan điểm.
Bí thư TP Hà Nội Hoàng Trung Hải. Ảnh: Infonet.vn |
Bí thư Hà Nội cũng cho hay, trong tương lai cần quy trình, quy phạm hóa rõ công nghệ cho mỗi doanh nghiệp kinh doanh nước sạch: "Khi cấp nước, doanh nghiệp phải đảm bảo chất lượng nước cho người dân. Vậy anh chịu trách nhiệm bằng cách nào? anh phải giải trình với cơ quan Nhà nước. Thứ nhất, doanh nghiệp quan trắc tự động về chất lượng nước thế nào, qua mấy khúc, đến người dân là qua mấy hàng rào? Thứ hai, doanh nghiệp phải lấy mẫu thủ công, vì nếu quan trắc tự động hỏng thì sao… Phải rà soát lại hết, quy trình hóa, quy phạm hóa ra.
Hà Nội có 10 triệu dân. Để xảy ra sự việc này là rất đáng tiếc. Thành phố rút kinh nghiệm và chỉ đạo khắc phục. Phải rà soát để không xảy ra nữa".
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng khẳng định, nếu doanh nghiệp cung cấp nước không đáp ứng được yêu cầu, "lúc nào Thành phố cũng có quyền cắt hợp đồng, chọn doanh nghiệp khác. Và có quyền bắt họ phải thực hiện đúng, không có chuyện thích thì làm, không thích thì thôi...".