Giáo dục, đào tạo đóng vai trò nền tảng trong quan hệ đối ngoại nhân dân Việt Nam - Hoa Kỳ
Đại sứ Marc Knapper cho biết: Việt Nam hiện đang đứng thứ 5 trong số các nước có đông sinh viên quốc tế nhất ở Hoa Kỳ. Ông coi đây là một tín hiệu đáng mừng của hiệu quả trong hợp tác trao đổi kiến thức và kỹ năng cho thế hệ trẻ mà hai nước đã thực hiện trong suốt 28 năm qua.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper (Ảnh: Phái đoàn Hoa Kỳ tại Việt Nam) |
"Khi được sống, học tập ở môi trường giáo dục ở nước ngoài, người trẻ có thể khám phá nhiều điều mới mẻ trên thế giới, Từ đó có được sự cởi mở về nhận thức và thái độ khi tiếp cận các nền văn hóa khác nhau. Đó là cơ hội để xây dựng tình bạn đa dân tộc, đa văn hoá trong khi học tập và làm việc," Đại sứ chia sẻ.
Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đa dạng trong hợp tác giáo dục giữa hai nước. Ông cho biết: Chính những kết nối cá nhân, được xây dựng thông qua các chương trình đa dạng như học bổng, trao đổi sinh viên, trại hè, là cách thiết thực và hiệu quả giúp cho người dân Việt Nam và Hoa Kỳ tăng cường giao lưu. Qua đó, củng cố tình hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước.
Tham dự khai mạc chương trình Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI) vừa diễn ra tại Hà Nội, một chương trình do Phái đoàn Hoa Kỳ tại Việt Nam phối hợp tổ chức với trường Đại học Kinh tế quốc dân (Hà Nội), Đại sứ đề cao vai trò "cầu nối" giữa thế hệ trẻ các nước trong khu vực của hợp tác giáo dục.
Đào tạo thủ lĩnh trẻ hướng tới kết nối nhân dân toàn cầuNgày 12-13/5/2022, đại diện các quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Hoa Kỳ tại Hội nghị cấp cao đặc biệt lần thứ nhất ASEAN-Hoa Kỳ tại Washington, D.C., đã đưa ra các cam kết về kết nối nhân dân quan trọng, phải kể đến: - Các bên đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực, trao quyền cho thanh niên và các nhóm dễ bị tổn thương hoặc thiệt thòi, và tăng cường kết nối giữa các dân tộc, hỗ trợ khả năng sử dụng tiếng Anh, kỹ năng kỹ thuật số, đào tạo Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM) trong khu vực. - Các bên tăng khả năng tiếp cận giáo dục đồng thời thúc đẩy sự hợp tác và trao đổi giữa sinh viên và người lao động, thông qua các doanh nghiệp, tổ chức và trường đại học. |
Theo Đại sứ, những hội thảo thúc đẩy đối mới trong giáo dục như chương trình Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI) hay học bổng Fulbright của Hoa Kỳ là những ví dụ cho vai trò quan trọng của việc đào tạo và trang bị kiến thức cho những nhà lãnh đạo trẻ tương lai trong khu vực Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung.
Trong bối cảnh phức tạp của tình hình chính trị, xã hội toàn cầu cũng như sự phát triển nhanh chóng của công nghệ - thông tin, Đại sứ chỉ ra rằng các chương trình hợp tác giáo dục của hai nước cần tập trung khai thác những công cụ, tiện ích mà công nghệ mang lại. Đây là cách để vượt qua những thách thức như kinh phí, khoảng cách địa lý, khác biệt về văn hoá và ngôn ngữ, qua đó tạo ra những giá trị hữu ích cho đối tượng tham gia chương trình nói riêng và cộng đồng nói chung.
"Có 75 người tham dự hội thảo YSEALI tại Hà Nội lần này và họ đại diện cho một thế hệ năng động, nhiệt huyết. Tôi tin tưởng qua chương trình, họ sẽ có những sáng kiến tích cực, có tầm ảnh hưởng để cải thiện và thay đổi giáo dục đại học. Hoa Kỳ cam kết sẽ ủng hộ và tiếp tục đồng hành cùng họ trong tương lai. Chúng tôi tin rằng đó là những nhà lãnh đạo trẻ có thể tạo hiệu ứng nhân rộng cho 10, 100 người khác tại quốc gia của mình, dù ở lĩnh vực nào," Đại sứ cho biết.
Trần Thị Khánh Linh (từng nhận học bổng YSEALI của Hoa Kỳ) trong vai trò MC tại chương trình Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI) diễn ra tại Hà Nội (Ảnh: Nhung Nguyễn). |
Trả lời phỏng vấn về những giá trị mà YSEALI mang lại, chị Trần Thị Khánh Linh (23 tuổi, Hà Nội) cho biết mình đã học được những kiến thức và trải nghiệm vô giá sau khi kết thúc 5 tuần tại Hoa Kỳ với học bổng YSEALI Academic Fellowships.
"Tôi cảm thấy trải nghiệm của YSEALI đã thay đổi bản thân tôi, không chỉ đem lại cho tôi nhiều kiến thức về môi trường qua gặp gỡ các giáo sư, chuyên gia, mà còn được đi trải nghiệm thực địa tại nhiều địa điểm ở các bang Hoa Kỳ. Kết quả của chương trình mang lại giúp tôi có thêm nhiều ý tưởng cho những dự án trong tương lai của mình về sự phát triển bền vững của các dân tộc thiểu số ở vùng đệm của rừng quốc gia," Khánh Linh chia sẻ.
Sau thành công với học bổng YSEALI, Khánh Linh đã có được thêm những tin vui lĩnh vực học thuật, tiếp tục vận dụng những điều đã học được trong môi trường giáo dục quốc tế để giành học bổng cho chương trình cao học tại nước ngoài. Chị sẽ bắt đầu theo học ngành Thạc sĩ Báo chí tại hai nước Đan Mạch và Hà Lan với thời gian 2 năm với học bổng toàn phần.