Giảm nghèo: Không hô khẩu hiệu, hướng tới sự bền vững, thiết thực
Người dân tại huyện Mộc Châu thu hoạch mận hậu (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN). |
Phát biểu tại lễ phát động "Cả nước chung tay vì người nghèo năm 2022” vào tối 17/10 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh đây không chỉ là khẩu hiệu mà là những hành động cụ thể, thiết thực.
"Chúng ta hãy ở bên cạnh, đặt mình vào hoàn cảnh của những người nghèo, của những số phận kém may mắn để giúp đỡ bằng tấm lòng, bằng trái tim, bằng sự thấu hiểu, bằng sự trân trọng và cảm thông" - Thủ tướng chia sẻ.
Những thách thức lớn
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhận định: “Kết quả giảm nghèo đa chiều chưa thực sự bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao.”
Hiện tại, nước ta vẫn còn gần 2,4 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo, chiếm hơn 9% số hộ trong cả nước; vẫn còn nhiều người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo gặp khó khăn, thiếu thốn.
Tiến sỹ Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (nay là Ủy ban Xã hội), cho rằng công tác giảm nghèo còn một số hạn chế, vướng mắc cần kịp thời giải quyết, tháo gỡ. Trước hết, kết quả giảm nghèo chưa bền vững, số hộ thoát nghèo chủ yếu chuyển sang hộ cận nghèo. Đây là nhóm dân cư có tốc độ giảm nghèo chậm, luôn đứng trước nguy cơ tái nghèo.
Bên cạnh đó, chuẩn nghèo mới theo phương pháp tiếp cận đa chiều vẫn có những hạn chế cần khắc phục. Trong số đó, mức chuẩn nghèo về thu nhập chưa đáp ứng được yêu cầu bảo đảm mức sống tối thiểu theo tinh thần của Nghị quyết số 76/2014/QH13, ngày 24/6/2014, của Quốc hội khóa XIII, “Đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020.” Có những chỉ số đo lường chưa phù hợp gây ảnh hưởng đến việc xác định hộ nghèo ở các địa phương.
Thêm vào đó, nguồn lực dành cho công tác giảm nghèo dàn trải trong nhiều chính sách, có chính sách khi bố trí được nguồn lực đầu tư thì thời gian đã bước vào năm cuối của giai đoạn thực hiện.
Việc huy động các nguồn lực từ doanh nghiệp, người dân còn hạn chế. Chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng là các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng, hỗ trợ thị trường phù hợp đặc điểm vùng, miền, nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh tại địa bàn khó khăn, địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số.
Bàn về nguyên nhân của những bất cập trong công tác xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Tiến sỹ Bùi Sỹ Lợi cho biết những vướng mắc hiện thời là do chuẩn nghèo chưa sát với thực tế; mặt bằng dân trí, trình độ sản xuất hạn chế; đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cơ sở thiếu ổn định.
Nguồn lực thực hiện chính sách giảm nghèo phụ thuộc phần lớn vào nguồn vốn trung ương và bị phân tán, dàn trải; việc lồng ghép nguồn lực còn khó khăn do mỗi chương trình, dự án có các mục tiêu, cơ chế quản lý khác nhau.
Ngân sách trung ương tuy bảo đảm nguồn lực đầu tư cho Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, song đối với 21 chương trình mục tiêu thực hiện theo Nghị quyết số 73/NQ-CP, ngày 26/8/2016, của Chính phủ “Phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020” thì chỉ bố trí được 53,61% tổng số vốn đầu tư phát triển trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được phê duyệt.
Hướng tới sự bền vững và “tự thoát nghèo”
Giảm nghèo bền vững là quá trình thực hiện sự cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có thu nhập thấp hướng tới việc nâng cao năng lực tự thoát nghèo và không rơi trở lại trạng thái nghèo.
Tặng bò giống cho nông dân giúp giảm nghèo ở Quảng Ninh (Ảnh: Xuân Tùng/TTXVN). |
Về số lượng, giảm nghèo là con số tuyệt đối hộ nghèo giảm được trong một khoảng thời gian nhất định. Cần phân biệt số hộ nghèo giảm với số hộ thoát nghèo, hai khái niệm này chỉ đồng nhất với nhau khi không có các yếu tố khác tác động đến như sự dịch chuyển dân cư, tái nghèo…
Về chất lượng, giảm nghèo là khái niệm để chỉ thực chất của kết quả giảm nghèo, mà vấn đề cần đạt được là đời sống người nghèo được nâng lên sau khi có tác động hỗ trợ, khoảng cách thu nhập với các nhóm dân cư khác được rút ngắn về mặt tốc độ, khi gặp rủi ro hay bất trắc sẽ không bị rơi vào tình trạng nghèo đói, hay nói cách khác, chất lượng giảm nghèo suy cho cùng là phản ánh tính bền vững của quá trình giảm nghèo.
Giảm nghèo bền vững ngoài việc bảo đảm hoàn thành các mục tiêu giảm nghèo đã định trong từng giai đoạn, từng thời kỳ thì cần hướng đến việc khắc phục một cách có hiệu quả nhất những bất cập, hạn chế trong giảm nghèo để tránh tình trạng tái nghèo, cải thiện ở mức tốt nhất thu nhập và điều kiện sống của người nghèo. Người nghèo cần được giúp đỡ từng bước để có thể tự vươn lên một cách vững vàng thông qua việc sở hữu các điều kiện và cơ hội khai thác các nguồn lực xã hội cơ bản để phát triển.
Có thể cụ thể hóa quan niệm giảm nghèo bền vững trên các khía cạnh sau: Thu nhập bình quân đầu người của các hộ nghèo tăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm theo từng năm, từng giai đoạn. Điều kiện sống của người nghèo được cải thiện rõ rệt, trước hết là các điều kiện sống cơ bản về y tế, giáo dục, văn hóa, nước sinh hoạt, nhà ở. Người nghèo cũng được tiếp cận ngày càng thuận lợi hơn các dịch vụ xã hội cơ bản.
Người nghèo có được nhiều hơn các cơ hội để vươn lên tự thoát nghèo và phát triển thông qua hệ thống các chủ trương, chính sách giảm nghèo đồng bộ và có tính khả thi của Đảng và Nhà nước.
Giảm nghèo bền vững là việc tạo điều kiện cho người nghèo có khả năng tiếp cận với 5 nội dung cơ bản là: y tế, giáo dục, điều kiện sống, việc làm và tiếp cận thông tin.
Giảm nghèo và giảm nghèo bền vững là một trong những nội dung của quá trình phát triển bền vững. Bởi vậy, giảm nghèo bền vững thực sự cần thiết và có ảnh hưởng nhiều mặt đối với sự phát triển kinh tế-xã hội.
Có thể khái quát sự cần thiết của giảm nghèo bền vững trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội trên các phương diện như sự đóng góp của giảm nghèo bền vững đối với sự tăng trưởng kinh tế và tiến bộ-công bằng xã hội; với sự ổn định chính trị, phát triển xã hội, là điều kiện cho phát triển kinh tế.
Theo các chuyên gia, để giảm nghèo bền vững cần đảm bảo những yếu tố sau:
Thứ nhất là năng lực, bao gồm năng lực của người dân, năng lực cộng đồng và năng lực của chính quyền. Có những địa phương từng đạt được kết quả giảm nghèo ấn tượng nhưng do chỉ dựa vào nguồn trợ giúp nên khi nguồn này không còn thì người dân lại tái nghèo. Ngược lại, khi năng lực của người dân, năng lực cộng đồng cùng năng lực chính quyền ở mức tốt thì người dân có thể chủ động vươn lên thoát nghèo bằng chính nỗ lực của họ cùng với năng lực hỗ trợ của chính quyền, đồng thời một cộng đồng tốt thì hiệu quả của việc đối phó với rủi ro cũng cao hơn. Điều này sẽ tạo điều kiện cho việc giảm nghèo bền vững.
Thứ hai là cơ hội phát triển. Nếu thiếu cơ hội để phát triển thì không sử dụng được năng lực để giảm nghèo. Cơ hội phát triển luôn là vô tận và ngày càng phong phú. Tuy nhiên, người nghèo không dễ để có thể tiếp cận và khai thác các cơ hội bởi những bất lợi so với những nhóm giàu hay khá giả hơn. Do đó, cần tăng tính mở của các cơ hội cho người nghèo thông qua độ mở các kênh tiếp cận.
Thứ ba là sự an toàn. Nếu như cùng với sự nỗ lực để giảm nghèo là những biện pháp chủ động phòng ngừa, giảm nhẹ và khắc phục rủi ro thì tính bền vững sẽ cao. Tính an toàn gắn với khả năng chống chịu rủi ro. Chủ động phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro chính là nền tảng của giảm nghèo bền vững. Thước đo đánh giá giảm nghèo bền vững theo góc độ tính an toàn là xem xét mức độ và cách thức người dân, cộng đồng và chính quyền địa phương dự phòng, giải quyết vấn đề rủi ro.
Thứ tư là dịch vụ công (dịch vụ xã hội cơ bản) bao gồm cả việc cung cấp dịch vụ của cơ quan chức năng cũng như khả năng tiếp cận của người dân đến dịch vụ công. Nếu dịch vụ công tốt sẽ mang lại cho người dân nhiều lợi ích thiết thực, qua đó sẽ là điều kiện quan trọng bảo đảm cho giảm nghèo nhanh và bền vững. Dịch vụ công được đánh giá thông qua các tiêu chí như: tính minh bạch, rõ ràng, tính linh hoạt, số lượng dịch vụ cung ứng, chất lượng dịch vụ, tính hiệu quả và tính kịp thời của dịch vụ…
Thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững được coi là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay. Xóa đói giảm nghèo là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng, miền và giữa các dân tộc, nhóm dân cư.
Giảm nghèo bền vững là điều kiện đảm bảo sự ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng và phát triển kinh tế. Ở chiều ngược lại, sự tăng trưởng kinh tế là điều kiện quan trọng để giảm nghèo bền vững trên quy mô rộng. Không có tăng trưởng mà chỉ thực hiện các chương trình tái phân phối hoặc các biện pháp giảm nghèo truyền thống thì tác dụng không lớn và giảm nghèo chỉ là hành động xử lý tình thế không mang tính lâu dài, bền vững.
Xóa đói giảm nghèo là vấn đề toàn dân và của cả nước, cần phải có cách tiếp cận toàn dân và trên bình diện quốc gia. Đó là sự tham gia tích cực của cộng đồng và sự phối hợp, hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp, các ngành và bạn bè, đối tác quốc tế.
Trên tinh thần đó, tại lễ phát động "Cả nước chung tay vì người nghèo năm 2022,” Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kêu gọi các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, chính sách về giảm nghèo, nhất là 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh; tăng cường kiến thức, kỹ năng sản xuất, tạo thêm công ăn việc làm cho người nghèo.
Các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước cần tiếp tục đồng hành, chung tay, có các hoạt động thiết thực, đóng góp nhiều hơn nữa cho công cuộc giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội. Đồng thời, những người nghèo, cận nghèo cần phát huy hơn nữa ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên thoát nghèo bền vững.
Ninh Thuận hướng tới phát triển du lịch xanh bền vững Đây là khẳng định của ông Trần Quốc Nam - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận tại ‘Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Ninh Thuận tại Hà Nội’ diễn ra ngày 30/9. |
Những lưu ý cần thiết khi bỏ sổ hộ khẩu giấy Theo quy định tại Luật Cư trú 2020 thì từ ngày 01/01/2023, toàn bộ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng giấy sẽ không còn giá trị sử dụng. Cơ quan chức năng sẽ quản lý thông tin cư trú của người dân bằng phương thức điện tử. |