Giải mã Gurkha - lực lượng đánh thuê thiện chiến nhất thế giới
Cái tên Gurkha bắt nguồn từ thị trấn Gorkha của Nepal, vùng đất anh hùng chống lại sự xâm lược của Công ty Đông Ấn (Anh) khi thực dân Anh tiến hành mở rộng thuộc địa tại bán đảo Ấn Độ vào đầu thế kỷ XIX. Hai bên đã nổ ra hàng loạt giao tranh ác liệt trong thời Chiến tranh Gurkha 1814–1816, đến mức buộc phải ký hiệp ước hòa hoãn để chấm dứt căng thẳng kéo dài.
Theo các điều khoản của hiệp ước hòa bình giữa Nepal và Anh, người Gurkha có quyền gia nhập hàng ngũ quân đội của Công ty Đông Ấn, thực chất làm việc với vai trò lính đánh thuê. Dưới thời trị vì của nữ hoàng Victoria, các chiến binh Nepal được coi là “chiến binh thượng võ", gây chú ý bởi những phẩm chất nam tính và sự dẻo dai của họ.
Gurkha - lực lượng đánh thuê thiện chiến nhất thế giới. Nguồn: National Interest |
Trong hơn 200 năm qua, các thanh niên trai tráng được tuyển chọn độc quyền từ ở phần lớn đến từ các ngôi làng vùng đồi núi ở Nepal. Tổng cộng, hơn 200.000 thanh niên Gurkha đã chiến đấu cùng với quân đội Anh ở khắp các mặt trận trên thế giới.
Họ đã tham gia vào các cuộc chiến tranh ở biên giới Ấn Độ, cuộc chiến tranh thuộc địa ở châu Phi, Chiến tranh Falklands năm 1982 và thậm chí là trải qua hai cuộc thế chiến dữ dội nhất của lịch sử nhân loại. Cho đến nay, hơn 46.000 binh sĩ Gurkha đã hy sinh khi chiến đấu sát cánh cùng quân đội Vương quốc Anh.
Sau khi Anh trao trả độc lập cho Ấn Độ, 4 trung đoàn Gurkha đã được chuyển giao cho quân đội Anh và trở thành Lữ đoàn Gurkha cho đến ngày nay.
Những năm gần đây, quân đội Anh thực hiện chính sách cắt giảm biên chế quân đội, Do vậy, số lượng binh sĩ Gurkha trong hàng ngũ cũng giảm mạnh từ 13.000 quân vào năm 1995 xuống chỉ còn 3.000 quân hiện nay.
Quá trình tuyển chọn diễn ra gắt gao và nghiêm ngặt. Các bài kiểm tra bao gồm một cuộc đua leo dốc dài ba dặm trong khi đeo đá và cát sau lưng, thực hiện 75 lần bật nhảy từ băng ghế trong 1 phút và 70 bài gập bụng trong 2 phút.
Tuy nhiên, ngay cả khi những binh sĩ Gukha phục vụ trong Quân đội Anh, họ không được coi đối tượng thuộc biên chế của Anh. Thậm chí, một số quan chức Vương quốc Anh còn tuyên bố, việc cho phép tất cả các cựu binh Gurkha ở lại Anh có thể tạo ra áp lực lớn cho nhập cư và các dịch vụ xã hội.
Ngày nay, mặc dù những khó khăn và các bất công, nhiều thanh niên Nepal vẫn nuôi mộng gia nhập đơn vị đánh thuê huyền thoại này.