Đưa áo dài Việt Nam đến gần hơn với công chúng trong và ngoài nước
Cuối tháng 11/2023, hơn 80 học sinh Nhật thuộc Trường trung học Namiki (Nhật Bản) đã tham quan, tìm hiểu văn hóa Việt Nam tại Bảo tàng Áo dài. Đây là một trong những hoạt động thuộc chuyến du lịch học tập phối hợp giữa hai nước Việt - Nhật.
Ngay khi bước vào bảo tàng, đoàn khách Nhật được đón tiếp bằng tiếng trống lân, chũm chọe, thanh la đồng của đội lân sư rồng. Sau đó, các học sinh được chia làm ba nhóm, lần lượt đi tìm hiểu, trải nghiệm áo dài, âm nhạc dân tộc và võ cổ truyền.
Họa sĩ Nhật Bản hướng dẫn các em học sinh Việt Nam vẽ tranh trên áo dài giấy tại Bảo tàng Áo dài vào tháng 9/2023. (Ảnh: Bảo tàng Áo dài) |
Em Yuki (17 tuổi) thích thú khi khoác lên mình trang phục truyền thống của người Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Yuki mặc áo dài. Em cho biết: Áo dài dễ mặc, không quá cầu kỳ như kimono. Ở Nhật cũng có tiệm bán áo dài nhưng em chưa bao giờ vào, sau hôm nay chắc chắn em sẽ cần một bộ áo dài trong tủ quần áo.
Vào năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Bảo tàng Áo dài tổ chức triển lãm online những chiếc áo dài của những người phụ nữ Việt Nam từng góp phần gìn giữ hòa bình và tình hữu nghị các nước. Mỗi chiếc áo dài gắn liền với một câu chuyện ý nghĩa. Đó là áo dài của nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình; Chủ tịch Ủy ban Hòa bình, Quỹ Hòa bình và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh Tôn Nữ Thị Ninh; nguyên Vụ trưởng, Tổng thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Nguyễn Thị Hồi và áo dài của bà Nguyễn Phương Nga, khi ấy là Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.
Đây là hai trong rất nhiều các hoạt động được Bảo tàng Áo dài phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức nhằm giới thiệu, lan tỏa các di sản văn hóa Việt Nam đến với nhân dân trong nước và du khách quốc tế.
Chương trình “Gia đình Việt với sinh viên Lào, Campuchia đang học tập tại Thành phố Hồ Chí Minh” tổ chức tại Bảo tàng Áo dài Việt Nam hồi tháng 5/2022. 30 bộ áo dài đã được tặng cho các nữ sinh viên Lào, Campuchia. (Ảnh: Bảo tàng Áo dài) |
Đi vào hoạt động từ tháng 1/2014, Bảo tàng Áo dài là nơi lưu giữ và vinh danh những câu chuyện về chiếc áo dài Việt Nam suốt chiều dài lịch sử đất nước. Đây không chỉ là không gian trưng bày những hiện vật, tư liệu quý về áo dài mà còn phát huy các giá trị cốt lõi của trang phục dân tộc vào đời sống thực tế, góp phần vào sự đa dạng văn minh với các nền văn hóa thế giới, đưa áo dài đến gần hơn với công chúng trong và ngoài nước.
Đặc biệt, Bảo tàng chú trọng giới thiệu áo dài gắn với các di sản văn hóa phi vật thể độc đáo của Việt Nam đã được UNESCO vinh danh gồm: quan họ, hát xoan, ca trù, ví giặm, nhã nhạc cung đình Huế, thực hành tín ngưỡng thờ mẫu, đờn ca tài tử...
Những năm qua, Bảo tàng Áo dài không ngừng chủ động mở rộng quan hệ với các hội hữu nghị, tổ chức quốc tế, lãnh sự quán các nước như Nhật, Ấn Độ, Indonesia, Lào, Campuchia... qua đó tổ chức nhiều hoạt động đa dạng, giao lưu văn hóa thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng.
Tại lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Bảo tàng vào ngày 19/1, ông Furudate Seiki, Phó Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM cho biết có nhiều nét tương đồng trong văn hóa hai nước Việt Nam – Nhật Bản nói chung và nét đẹp tà áo dài nói riêng. Từ dấu mốc kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao và hai nước đã nâng cấp quan hệ ngoại giao lên cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện trong năm 2023, ông hy vọng năm nay và tới đây quan hệ giữa hai nước phát triển hơn nữa. Dịp này, ông Furudate Seiki tặng Bảo tàng chiếc áo dài kết hoa vải Tsumami.