Du lịch giúp người dân thoát nghèo
Vùng đặc biệt "5 không" ở Lào Cai thoát nghèo trở thành điểm sáng biên giới Lào Cai có 3 huyện nghèo nhất cả nước theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo. Những năm qua, các cấp chính quyền địa phương tỉnh Lào Cai đã tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương. |
Sin Suối Hồ (Lai Châu): Từ “bản nghiện” vươn lên thoát nghèo nhờ làm du lịch, trồng địa lan, thảo quả Chúng tôi đến Sin Suối Hồ vào những ngày đầu thu. Sin Suối Hồ đổi thay rất nhiều với con đường nông thôn mới, nhà nhà xây dựng khang trang và từng đám trẻ bụ bẫm, khỏe mạnh nô đùa bên khoảng sân trống hay ven đường. Từ thánh địa của cây thuốc phiện, bản Sin Suối Hồ đã khoác lên mình tấm áo mới. |
Y Tý (Lào Cai): giảm được trên 12% tỷ lệ hộ nghèo nhờ du lịch
Y Tý là một vùng đất nghèo ven biên giới, đặc biệt khó khăn. Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn trong phát triển lâu dài, nên tỉnh Lào Cai đang ưu tiên dành nhiều nguồn lực để phát triển du lịch nơi đây. Trong thời gian qua, nhiều hộ dân đã bắt đầu kinh doanh dịch vụ homestay. Để hỗ trợ bà con, các cơ quan, đoàn thể chính quyền địa phương đã giúp người dân kiến thức cơ bản về du lịch cộng đồng, tập huấn kỹ năng cách tiếp đón, phục vụ khách du lịch, văn hóa giao tiếp ứng xử, phát triển du lịch cộng đồng bền vững, có trách nhiệm với môi trường tự nhiên.
Cảnh đẹp Y Tý. |
Đề án Phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc huyện Bát Xát được xây dựng vài năm qua. Từ khi triển khai đến nay, huyện đón khoảng 69.000 lượt khách du lịch, đạt 69% mục tiêu của đề án, doanh thu từ du lịch ước đạt gần 20 tỷ đồng.
Ông Phạm Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Y Tý cho biết, homestay là một sản phẩm du lịch đặc thù, không đơn giản chỉ là điểm lưu trú, mà du khách mong muốn có sự trải nghiệm văn hóa, được khám phá thiên nhiên và phong tục tập quán của người dân địa phương. Chính quyền đã mở nhiều lớp tập huấn cho bà con làm du lịch cộng đồng. “Năm 2019 lượng khách khoảng trên 15.000 người, hơn 100 khách nước ngoài. Đây là tín hiệu tích cực trong chuyển dịch kinh tế địa phương. Trong năm qua, công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương cũng giảm được trên 12% tỷ lệ hộ nghèo”.
Lao Chải 1 (Lai Châu): nâng cao đời sống và đẩy lùi tập tục lạc hậu khi phát triển du lịch cộng đồng
Bản vùng cao Lao Chải 1, xã Khun Há, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu nằm vắt vẻo trên sườn núi. Đây là bản thuần dân tộc Mông sinh sống. Do nhiều khó khăn khách quan nên nhiều năm qua đời sống của bà con luôn ở mức thấp, nhiều hộ vẫn thiếu đói mỗi mùa giáp hạt. Từ chủ trương khai thác tiềm năng có sẵn của huyện, người dân đã phát triển du lịch cộng đồng. Theo đó, bà con trong bản đã họp bàn và thống nhất góp ngày công, hiến đất để xây dựng đường giao thông nội bản, góp tiền mua hoa, cây cảnh về trồng để tạo cảnh quan, đồng thời xây dựng nhà vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn. Bản làng sạch đẹp đã thu hút nhiều khách thăm quan, giúp bà con có thêm thu nhập góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Nhờ lợi ích từ hoạt động du lịch mang lại, người dân bản Lao Chải 1 đã chủ động góp công, góp của để đầu tư chỉnh trang thêm cho bản làng đẹp hơn. Từ đó nâng cao đời sống và đẩy lùi tập tục lạc hậu.
Anh Cứ A Vàng, Trưởng bản Lao Chải 1, xã Khun Há, huyện Tam Đường cho biết: Trước đây tiêu thụ lợn, gà và một số sản phẩm bà con tạo ra rất khó khăn. Đường đi không có nên người vào mua không dễ dàng. Từ lúc xây dựng được bản xanh, sạch, đẹp thì có rất nhiều khách du lịch vào đây. Bà con bán thóc lúa, lợn, gà rất thuận lợi và đời sống bà con cũng phát triển lên rất nhiều.
Tam Đường là huyện đầu tiên được tỉnh Lai Châu lựa chọn để triển khai xây dựng bản nông thôn kiểu mẫu kết hợp với phát triển du lịch. Để có kết quả này, địa phương đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để tuyên truyền, hướng dẫn bà con thực hiện. Trong đó đi sâu vào phong trào điện sáng nông thôn, thực hiện các tiêu chí về môi trường bảo đảm xanh, sạch, đẹp. Hiện toàn huyện có gần 120 bản có điện sáng nông thôn đến tận ngõ bản, trục bản; hơn 40 bản đạt tiêu chí nông thôn xanh, sạch, đẹp.
Làng đá Khuổi Ky (Cao Bằng): thu tiền tỉ từ đặc trưng văn hóa
Làng Khuổi Kỵ. |
Làng Khuổi Kỵ hiện có 100% dân số là dân tộc Tày, ngôi làng rộng khoảng 1ha gồm 14 nóc nhà trong thế lưng tựa vào núi, mặt hướng về dòng suối Khuổi Ky. Người dân trong làng cho biết, nhà ở của họ chọn vật liệu đá để làm từ tục thờ thần đá, đối với họ đá chính là khởi nguồn sự sống và trong tâm thức của người Tày, đá vô cùng thiêng liêng. Đây cũng chính là nét văn hóa mang đặc trưng riêng của dân tộc người Tày ở Trùng Khánh.
Tận dụng lợi thế về cảnh sắc thiên nhiên và nét văn hóa đặc trưng vốn có, việc phát triển loại hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc đang được địa phương đặc biệt chú trọng. Mô hình trải nghiệm “homestay” tại ngôi làng đang nhận được nhiều sự quan tâm của du khách trong nước và quốc tế, khách du lịch khi tới đây sẽ được khám phá, sinh hoạt theo văn hóa người Tày trong nhà sàn đá cùng nhiều hoạt động hấp dẫn khác.
Từ năm 2017, mô hình homestay bắt đầu đi vào hoạt động và đem lại hiệu quả, mỗi năm đều thu hút hơn 5.000 lượt khách lưu trú, đặc biệt là khách nước ngoài. Đến năm 2018, Nhà nước chi hơn 8 tỉ đồng để tu sửa lại nhà và đường đi lại thuận tiện tạo điều kiện cho bà con phát triển du lịch.
Làng Khuổi Ky hiện có 7 gia đình cung cấp dịch vụ homestay, có đủ các điều kiện vật chất thiết yếu để phục vụ như: buồng ngủ, nhà vệ sinh khép kín, bình nóng lạnh. Ngoài ra, nhà đá cộng đồng cũng được sử dụng để đón khách với sức chứa lên đến 100 người.
Mô hình du lịch homestay phát triển góp phần quảng bá nét văn hóa đặc trưng của người Tày đến với đông đảo du khách. Thời gian qua, nhờ phát triển đúng hướng, nguồn thu từ dịch vụ du lịch giúp người dân có thêm thu nhập, từ một xã nghèo của tỉnh Cao Bằng vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.