Đồng bào Khmer ở Sóc Trăng vươn lên thoát nghèo
Vùng đặc biệt "5 không" ở Lào Cai thoát nghèo trở thành điểm sáng biên giới Lào Cai có 3 huyện nghèo nhất cả nước theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và ... |
4.765 học sinh ở Tân Lạc, Kim Bôi (Hòa Bình) được chăm sóc sức khỏe học đường miễn phí Cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe học đường là ưu tiên của ngành giáo dục. Dự án “Khỏe mạnh cho một tương lai ... |
Vươn lên thoát nghèo bền vững
Đến với Vĩnh Tân - một trong những xã được tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) cuối năm 2019 vào những ngày cận lễ Sene Đôn Ta cổ truyền của đồng bào Khmer, chúng tôi cảm nhận được niềm vui và phấn khởi của bà con nơi đây.
Đặc biệt, khi thấy xóm ấp đổi mới, cơ sở hạ tầng xây dựng khang trang, sản xuất kinh doanh, nông nghiệp không ngừng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần người dân được nâng lên.
Ghé thăm gia đình anh Lý Hoàng Sơn, ngụ ấp Trà Vôn A (Vĩnh Tân), anh là một trong những hộ nông dân được Nhà nước hỗ trợ theo mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới. Anh Sơn phấn khởi cho biết trên báo Sóc Trăng: “Trước đây, do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất cho nên cái nghèo cứ đeo bám mãi. Nhờ Nhà nước hỗ trợ vốn, đầu tư xây dựng nhà lưới trồng rau an toàn, lại được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật trồng rau, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn”.
Vùng quê được khoác “áo mới”. Ảnh: Báo Sóc Trăng |
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tân - Phan Thanh Nhã, thời gian qua, xã đã thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội đối với bà con Khmer, nhất là về nhà ở, đất ở, chăm sóc sức khỏe, vốn sản xuất, dạy nghề và cơ sở hạ tầng giao thông kết hợp thủy lợi… tạo điều kiện cho bà con vươn lên thoát nghèo. Công tác phối hợp, lồng ghép các chương trình, dự án khác vào thực hiện chương trình giảm nghèo ngày càng phát huy hiệu quả, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người nghèo, hộ nghèo.
Tiếp tục đến thăm một số xã, phường có đông đồng bào Khmer của TX. Vĩnh Châu, chúng tôi nhận thấy, nhờ thụ hưởng những chính sách ưu đãi nên nhiều hộ đồng bào Khmer mở rộng sản xuất và áp dụng nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, cuộc sống của bà con được nâng lên rõ rệt.
Anh Huỳnh Văn Biên - một hộ dân ngụ ấp Huỳnh Kỳ, xã Vĩnh Hải (TX. Vĩnh Châu) được Nhà nước hỗ trợ căn nhà, xúc động chia sẻ: “Có được căn nhà mới, gia đình tôi an tâm lao động sản xuất. Tôi rất vui mừng và cảm ơn Nhà nước”.
Trần Đề là một trong những huyện có đông đồng bào Khmer sinh sống. Thời gian qua, chính quyền địa phương triển khai đồng bộ các chủ trương, chính sách cho đồng bào Khmer, tạo động lực để người dân phát triển kinh tế - xã hội. Những con đường lầy lội vùng sâu ngày trước giờ đây đã được thay bằng con đường nhựa nối liền giữa các ấp, thuận tiện cho việc đi lại, giao thương hàng hóa. Đặc biệt, những ngôi nhà kiên cố đã và đang mọc lên ngày càng nhiều, góp phần tạo điều kiện để người dân an cư.
Anh Dương Khương, ngụ ấp Hà Bô, xã Tài Văn (Trần Đề) chia sẻ: “Ngày trước đường sá đi lại rất khó khăn, nhờ được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng, nay mạng lưới giao thông gần như hoàn chỉnh. Các tuyến lộ trên địa bàn huyện rộng rãi nối liền các ấp, giúp bà con đi lại, vận chuyển hàng hóa tiêu thụ được dễ dàng, giá trị nông sản của người dân cũng từ đó được nâng lên. Mặt khác, nhiều chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho người dân tộc nên đời sống người dân tộc phát triển hơn trước rất nhiều”.
Diện mạo huyện Trần Đề ngày càng thay đổi. Ảnh: Sở tư pháp Sóc Trăng |
Nhờ chính sách của Nhà nước
Có thể khẳng định, trong giai đoạn 2016 - 2020, đồng bào Khmer TX. Vĩnh Châu tiếp tục có bước phát triển khởi sắc do được đầu tư từ nhiều chương trình, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là đẩy nhanh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi ngành nghề, cho vay vốn, chính sách hỗ trợ trực tiếp, kéo điện sinh hoạt được quan tâm thực hiện tốt.
Đồng thời, thị xã cũng đã nỗ lực thực hiện nhiều chương trình, dự án, chính sách lồng ghép khác làm chuyển biến và thay đổi sâu sắc diện mạo ở vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống. Từ đó, đời sống vật chất và tinh thần của bà con từng bước được nâng lên, giúp bà con yên tâm lao động sản xuất, ổn định cuộc sống.
TX. Vĩnh Châu đã hỗ trợ 26.885 hộ dân tộc thiểu số nghèo ở các xã, ấp, khóm đặc biệt khó khăn, trong đó hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt phân tán, tổng số hộ thụ hưởng có 1.512 hộ, với kinh phí gần 15,5 tỉ đồng; hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi cho 546 hộ, với nhu cầu vốn trên 16,4 tỉ đồng (theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ).
Hàng năm thực hiện cấp phát hơn 100.000 thẻ bảo hiểm y tế cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số, cấp các loại báo, tạp chí cho các chùa Khmer và người có uy tín trên địa bàn thị xã... Đầu tư Chương trình 135 với tổng kinh phí trên 36 tỉ đồng, đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp các hộ nghèo và cận nghèo có điều kiện vươn lên trong cuộc sống.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Sơn Ngọc Thạch - Phó Chủ tịch UBND TX. Vĩnh Châu cho biết: “Cùng với việc triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước trong vùng đồng bào dân tộc Khmer, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đến nay, đã có 4 xã được công nhận xã NTM (Hòa Đông, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Tân và Vĩnh Hải) và giảm nghèo bền vững; Chương trình 135 và các chính sách an sinh xã hội, chăm lo sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào...
Diện mạo của vùng đồng bào Khmer ngày càng đổi mới; đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện; trình độ dân trí được nâng cao; bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát huy; hệ thống chính trị trong vùng dân tộc Khmer không ngừng được củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động; đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc Khmer tăng dần hàng năm cả về số lượng và chất lượng; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản được đảm bảo”.
Hiện nay, mức sống của người dân tại các xã, ấp đặc biệt khó khăn trên địa bàn thị xã cơ bản ổn định và có bước phát triển, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 9,56%. 100% số xã, phường có đường ôtô đến trung tâm xã và 60% số ấp, khóm có đường trục giao thông được cứng hóa theo tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ Giao thông Vận tải; 100% các xã có trường, lớp học kiên cố; trên 80% diện tích đất nông nghiệp có hệ thống thủy lợi được cải tạo, bảo đảm tưới tiêu phục vụ tốt trong sản xuất; 100% số xã có mạng lưới điện quốc gia; các thiết chế văn hóa, giáo dục, y tế cơ bản hoàn thiện; an ninh, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, ổn định.
Từ năm 2016 - 2019, tổng nguồn vốn Chương trình 135 được đầu tư trên địa bàn huyện Trần Đề trên 29 tỷ đồng. Kết quả thực hiện trên 27,8 tỷ đồng, trong đó đầu tư cơ sở hạ tầng hơn 20,5 tỷ đồng; duy tu bảo dưỡng trên 1,3 tỷ đồng; hỗ trợ phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo gần 6 tỷ đồng.
Ngoài ra, được sự quan tâm của của các cấp, các ngành, huyện Trần Đề có 32.605 hộ có điện sinh hoạt, riêng đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu là 15.708, đạt tỷ lệ 98,91%; có 224.281 người dân tộc thiểu số được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Phối hợp với các đoàn công tác thiện nguyện tổ chức nhiều đoàn khám, chữa bệnh miễn phí ở các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các chương trình, chính sách dân tộc tiếp tục khẳng định đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước đối với vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Những năm qua, hiệu quả từ các chương trình, chính sách dân tộc đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, mang lại hiệu quả kinh tế to lớn, làm cho đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện rõ rệt. Kết cấu hạ tầng trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, giao thông nông thôn… được quan tâm xây dựng, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, thủy sản, góp phần nâng cao chất lượng và sản lượng các mặt hàng nông sản của địa phương, thực hiện đúng lộ trình kế hoạch tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp; công tác giảm nghèo bền vững, đào tạo nghề, giải quyết việc làm đạt được những kết quả khả quan; mặt bằng dân trí được nâng lên, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân có nhiều chuyển biến; văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số được giữ gìn và phát huy.
Ông Danh Tấn Quyền - Phó phòng Dân Tộc huyện Trần Đề cho biết: "Những năm gần đây, thực hiện các chương trình của Trung ương và một số chính sách đặc thù của địa phương, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào Khmer của huyện Trần Đề đã thay đổi rõ nét.
Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào Khmer giảm, nhà ở ngày càng khang trang. Tại các địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống đã được đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và sinh hoạt, nhiều công trình phúc lợi được quan tâm xây dựng.
Trong sản xuất nông nghiệp đã có những bước tiến bộ mới. Đồng bào Khmer quan tâm đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi theo hướng phát triển nông nghiệp toàn diện.Trong thời gian tới, huyện Trần Đề tập trung phát triển kinh tế xã hội, triển khai và tổ chức thực hiện tốt kế hoạch chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng cường công tác khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư, vận dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu kinh tế đã đề ra.
Phát huy mọi nguồn lực, tinh thần tự lực tự cường, khai thác mọi tiềm năng trong nhân dân; tranh thủ các nguồn, các chính sách của Trung ương, của tỉnh đối với đồng bào dân tộc thiểu số, các chính sách tín dụng ưu đãi đối với các hộ nghèo, đối tượng chính sách, các hộ sản xuất kinh doanh…”.
Sóc Trăng: Vận động được hơn 8,5 tỷ hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng dịch Covid-19 và hạn mặn Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng, tính đến nay, đơn vị đã vận động và tiếp nhận được hơn 8,5 tỷ đồng ... |
Sóc Trăng và những đặc sản làm "say lòng" lữ khách Sóc Trăng luôn có nét hấp dẫn riêng biệt thu hút khách thập phương đến với mảnh đất miền Nam này. Ai đã một lần ... |