Đổi giờ làm: Không phải tự nhiên mà thay đổi được
Chiều 1/11, bên hành lang Quốc hội, trả lời báo chí đánh giá thế nào về đề xuất thay đổi giờ làm của ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) nêu trong ngày 31/10, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, vấn đề này phải đánh giá xem tác động cụ thể như thế nào. Phải đánh giá được phương án đó sẽ tác động về mặt xã hội như: giao thông, hiệu quả công việc thế nào.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung
Bởi vì giờ làm việc và giờ nghỉ trưa thì phải xem xét cụ thể. “Ví dụ đối tượng lao động khối hành chính khác, người lao động trực tiếp lại khác. Cũng là lao động đấy nhưng thời điểm lao động khác nhau, ví dụ khối sản xuất thủy sản chẳng hạn nếu kéo dài thời gian làm việc quá thì không cho phép. Do đó, nếu sửa đổi Luật Lao động thì cũng phải sửa theo hướng quy định khung, còn cụ thể những trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định”, Bộ trưởng cho biết.
“Còn giờ lao động trong ngày phải đánh giá cụ thể chứ không tự nhiên chúng ta nghĩ ra nên thay đổi thế này, nên thay đổi thế kia. Phải nghiên cứu bài bản, khoa học và đánh giá tác động cả về kinh tế - xã hội và yếu tố tác động đến năng suất lao động”, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nói.
ĐBQH đề xuất lùi giờ làm việc để giảm bớt áp lực kẹt xe
Cũng về vấn đề này, bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội cho biết, tất cả các ĐBQH khi có ý kiến đề xuất mà ĐB đã có nghiên cứu, đánh giá thì các cơ quan quản lý Nhà nước nên nghiên cứu. Vì ngay cả các ý kiến cử tri cũng được chuyển đến các cơ quan quản lý Nhà nước và được trả lời rất đầy đủ sau 60 ngày.
Đây là một hiến kế của ĐBQH thì các cơ quan quản lý Nhà nước nên xem xét, nghiên cứu và trả lời cho ĐBQH là đề xuất đó có khả thi hay không, thực hiện hay không thực hiện, lý do vì sao. “Với quan điểm của tôi, tôi cho rằng việc lùi thời gian có thể theo phân cấp, theo bậc thang, theo xen kẽ”, bà Hải nói.
Theo Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội, phương án lùi thời gian làm việc đến 8 giờ 30 cũng có thể có tác động tích cực lẫn tiêu cực lên đời sống xã hội.
“Ví dụ trước đây tất cả các cơ quan đều làm việc 8 giờ thì bố mẹ sẽ kết hợp đưa con đi học từ lúc 7 giờ, sau đó mới đi làm. Nay nếu thay đổi giờ làm thì có thể gây xáo trộn đối với người dân, bởi nó liên quan đến các dịch vụ xã hội khác từ đi chợ, giao dịch ngân hàng, khám chữa bệnh… Vì thế, với đề xuất này không thể trả lời ngay lập tức trước mà phải có những nghiên cứu, đánh giá cụ thể”, bà Hải nêu quan điểm.
Theo bà Nguyễn Thanh Hải, việc ùn tắc giao thông, ảnh hưởng đến thời gian đi lại là vấn đề nóng và cần có sự góp ý, hiến kể của rất nhiều người, từ cử tri, ĐBQH, các chuyên gia, nhà khoa học.. để nghiên cứu và tìm ra các giải pháp.
“Để chống ùn tắc giao thông, không chỉ có giải pháp điều chỉnh giờ làm. Bởi thực tế hiện nay, nhiều cơ quan cũng đã có giờ làm việc lệch nhau, nơi 7 giờ 30, nơi 8 giờ. Buổi chiều nơi thì làm lúc 13 giờ 30, nơi thì 14 giờ. Vì thế các giải pháp phải mang tính tổng thể, hài hòa”, bà Hải chốt lại.
ĐB Nguyễn Văn Cảnh cho rằng giờ làm việc muộn hơn 1 tiếng so với hiện nay có nhiều cái lợi
Như đã thông tin, trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội sáng 31/10, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đã đề xuất Chính phủ cần nghiên cứu giờ làm của Việt Nam đã tối ưu chưa, cần sửa đổi những gì. Hiện nay, giờ làm việc trên cả nước từ 7 giờ 30 đến 17 giờ, thời gian nghỉ trưa từ 1,5 - 2 giờ. Qua tính toán các khung giờ, điều kiện Việt Nam cũng như so sánh kinh nghiệm thế giới, ĐB Nguyễn Văn Cảnh đề xuất Chính phủ cho nghiên cứu đánh giá tính hiệu quả việc thay đổi khung giờ làm việc đối với khối hành chính dịch vụ công và khối giáo dục công lập ở các đô thị. Cụ thể, ĐB Nguyễn Văn Cảnh đề nghị đổi giờ làm việc bắt đầu từ 8 giờ 30, kết thúc lúc 17 giờ, thời gian nghỉ trưa chỉ nên kéo dài 1 giờ. Riêng khối sản xuất, doanh nghiệp ngoài nhà nước sẽ tự quyết định giờ làm cho phù hợp với điều kiện kinh doanh của từng đơn vị. Nếu đổi theo giờ làm việc này, ĐB Nguyễn Văn Cảnh cho biết sẽ không cần phải bố trí làm việc lệch giờ để giải quyết vấn đề giao thông. Mọi người trong gia đình có đủ thời gian để đi học, đi làm mà không gây ùn tắc, tiết kiệm thời gian và chi phí. |
Theo Sài Gòn Giải Phóng