Độc đáo phong tục ăn Tết của dân tộc Si La ở Lai Châu
Các gia đình mang lễ vật đến nhà trưởng họ để cúng tổ tiên và thần linh trong dịp tết. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN).
Lai Châu là tỉnh vùng cao biên giới với 20 dân tộc sinh sống, trong đó có dân tộc Si La. Dân tộc Si La ở Lai Châu có lịch sử cư trú lâu đời ven sông Đà thuộc xã Can Hồ, huyện Mường Tè.
Mặc dù là một tộc người có ít nhân khẩu nhất trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, nhưng đồng bào Si La lại có nền văn hóa khá phong phú, mang tính đặc trưng riêng, nổi bật là Tết cổ truyền.
Hiện nay, người Si La tỉnh Lai Châu sinh sống chủ yếu ở huyện Mường Tè với gần 150 hộ, hơn 580 nhân khẩu, chiếm 0,13% dân số toàn tỉnh. Xưa nay, tục ăn Tết sớm thường được biết đến ở cộng đồng dân tộc Mông, nhưng ở Lai Châu còn có một tộc người đón Tết sớm hàng năm, đó là dân tộc Si La ở xã Can Hồ, huyện Mường Tè.
Hàng năm, cứ đến khi hoa đào (kỳ khà vẹ) nở rộ trên khắp các triền núi, người Si La lại tưng bừng đón Tết cổ truyền của dân tộc mình, tiếng Si La gọi là “cô tô cơ ồ xị.”
Tết của đồng bào Si La có nhiều đặc biệt. Người Kinh cùng với các dân tộc khác lấy thời điểm giao thừa làm mốc chuyển năm, nhưng người Si La lại lấy thời điểm kết thúc mùa thu hoạch để ăn Tết. Chính vì vậy, tùy thuộc từng nơi mùa vụ thu hoạch sớm hay muộn để tổ chức Tết, không nhất thiết phải trùng nhau.
Người Si La ăn Tết theo dòng họ. Ngày đầu tiên của Tết phải là ngày không trùng vào ngày chết (ngày hạ huyệt) của tổ tiên một đời (bố mẹ) của bất kỳ gia đình nào trong dòng họ, cũng không trùng với các ngày con hổ, con khỉ. Người Si La ăn Tết trong 3 ngày. Ngày thứ nhất được gọi là “vạ sị nhi” (ngày mổ lợn), ngày thứ hai gọi là “chí xi tố nhi” (ngày uống rượu) và ngày thứ ba gọi là “chè chớ nhi” (ngày kết thúc).
Ngày trước Tết, người Si La gọi là “cù phạ há nhi” (ngày chuẩn bị rau). Mọi người sẽ dọn dẹp nhà cửa, rửa sạch dụng cụ nấu nướng và chuẩn bị đồ ăn thức uống mấy hôm Tết. Phụ nữ trong nhà tranh thủ đi kiếm cua, cá và chuẩn bị một nhành lúa nếp để cúng tổ tiên.
Ngày Tết, các gia đình dậy từ gà gáy canh một. Ông chủ nhà mang súng kíp ra cửa bắn một phát chỉ thiên báo hiệu đã đến Tết. Phụ nữ các gia đình giã vừng, đồ cơm nếp. Đến khoảng 4 giờ sáng, vừng đã giã nhuyễn, cơm nếp đồ đã tãi nguội cũng là lúc tiếng giã bánh giày vang khắp các gia đình.
Ngày đầu tiên của Tết năm mới, nhà nào cũng mổ lợn. Trước khi con lợn bị chọc tiết sẽ được “ăn Tết” bằng bánh trôi và rượu. Lợn được đặt lên ghế băng, hiên nhà hay phiến đá cao ở sân nhà. Chủ nhà đặt 3 hòn bánh trôi lên mép lợn, rót chén rượu vào mồm lợn 3 lần.
Sau đó, tay đập nhẹ vào đầu lợn, miệng khấn: “Năm nay 1 tạ, sang năm 2 tạ, sang năm nữa 3 tạ.” Theo quan niệm, làm lý như vậy sẽ giúp cho lứa lợn tới sẽ đầy đàn, mau ăn, chóng lớn, mạnh khỏe, không bị dịch bệnh.
Các thành viên trong gia đình đồ xôi để giã bánh giầy. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN).
Theo phong tục, gia đình trưởng họ sẽ khởi sự mổ lợn trước rồi các gia đình trong dòng họ mới được mổ lợn ở nhà mình. Đó cũng là lúc cả bản sôi động bởi tiếng lợn kêu, tiếng dao thớt và tiếng cười đùa của các nhà trong dòng họ hò reo thi thố xem nhà nào mổ lợn xong sớm hơn, bởi người Si La tin rằng nếu nhà nào mổ lợn xong sớm thì năm đó làm ăn sẽ gặp nhiều may mắn.
Tuy nhiên, căn cứ điều kiện của mỗi gia đình có thể mổ lợn to hay nhỏ. Nhưng quy định chung phải là lợn đực và lợn đen truyền thống.
Lợn sau khi mổ, bà con Si La lấy gan để người đàn ông lớn tuổi nhất trong nhà xem vận mệnh của gia đình trong năm đó. 2 chân trước cùng một ít lòng, thịt nạc giao cho chủ nhà làm lễ cúng tổ tiên. Đồ cúng được nấu ở bếp nhỏ trong gian buồng thờ - cũng là nơi ngủ của vợ chồng gia chủ. Nghi lễ cúng được thực hiện ngay sau khi đồ cúng được chế biến xong.
Sáng hôm ấy, các gia đình ăn uống vui vầy tại gia. Khi mặt trời ngả về chiều, đại diện các gia đình cùng chuẩn bị các điều kiện cho lễ cúng theo đúng quy trình và cách thức của dân tộc. Anh Hù Chà Hai, Bản Sì Thâu Chải, xã Can Hồ, huyện Mường Tè, chia sẻ: Lễ vật cúng ngoài lợn còn có 2 con sóc (tượng trưng cho sự nhanh nhẹn), 2 con cua, 2 con cá (cầu mong dân tộc Si La đi đâu cũng có nước để sinh sống) và 2 cái bánh giày (ba pa) mang đến nhà trưởng họ để cúng tổ tiên.
Đại diện các gia đình trong dòng họ ngồi quây quần sau lưng trưởng họ, rồi trưởng họ cúng khấn tổ tiên với đại ý là: “Năm cũ đã qua năm mới đến, anh em con cháu tề tựu đông đủ dâng lễ cúng ông bà tổ tiên. Xin ông bà tổ tiên phù hộ cho một năm mới đủ đầy, ấm no, ăn không hết, uống không cạn...” Sau lễ cúng, đại diện các gia đình có thể cùng tham dự bữa ăn tại nhà trưởng họ hoặc có thể mang lễ vật về nhà.
Ngày thứ hai là ngày uống rượu, các cặp vợ chồng mang theo một chai rượu và một con sóc khô sang nhà bố mẹ nuôi và bố mẹ vợ chúc Tết, thăm hỏi và ăn uống cả ngày ở đó.
Ngày thứ ba là ngày kết thúc Tết, sáng hôm ấy, các gia đình gói bánh chưng. Bánh chưng của người Si La là bánh chưng đôi - mỗi chiếc bánh là một cặp đôi gói nhỏ, hình trụ. Khi bánh đã luộc chín, chủ nhà chọn 1-2 cái dâng lên ban thờ để cúng tổ tiên và báo với tổ tiên rằng Tết đã hết.
Trong gia đình người Si La, sau khi ăn Tết xong mới được sắp xếp lại bàn thờ tổ tiên. Bố mẹ là người thực hiện, trong trường hợp ốm yếu, con dâu trưởng sẽ làm thay. Bởi theo quan niệm, dâu trưởng sau này sẽ là chủ gia đình. Bàn thờ tổ tiên được đặt góc nhà phía mặt trời lặn, nơi bố mẹ, người chủ gia đình ngủ.
Trước đây, người Si La không tổ chức vui chơi do cuộc sống di cư. Được sự quan tâm hỗ trợ, đầu tư và khuyến khích của Nhà nước, của huyện Mường Tè, giờ đây trong Tết năm mới của đồng bào Si La, các hoạt động thi giao lưu văn nghệ, thể thao đã được tổ chức thường xuyên và sôi nổi.
Bà Hù Cố Xuân, bản Seo Hai, xã Can Hồ, huyện Mường Tè hào hứng nói, người Si La rất yêu thích văn nghệ, chơi và nghe các loại nhạc cụ như món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống. Vì thế, đồng bào đã chế tác được nhiều loại nhạc cụ riêng của dân tộc mình như sáo, đàn tre.
Ông Kiều Hải Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Tè cho biết, đối với dân tộc Si La ở huyện Mường Tè ngoài phong tục ăn Tết cổ truyền, đồng bào Si La hiện nay vẫn còn gìn giữ và duy trì tổ chức lễ mừng lúa mới, lễ cúng bản, lễ cúng ma suối, các bài hát, điệu múa mang đậm bản sắc dân tộc.
Tuy nhiên, một số giá trị văn hóa truyền thống, các món ăn và một số làn điệu dân ca, dân vũ của người Si La đang dần mai một. Vì vậy, thời gian tới huyện Mường Tè tiếp tục quan tâm và có những chính sách, giải pháp nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa của người Si La.
Cùng đó, huyện khuyến khích người dân thường xuyên duy trì tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, văn hóa văn nghệ; thành lập các đội văn nghệ nhằm gìn giữ, bảo tồn nét văn hóa dân tộc.
Bà con dân tộc Si La thu hoạch lúa nếp nương để giã bánh giầy. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN).
Phụ nữ dân tộc Si La giã bánh giầy. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)
Các gia đình mang lễ vật đến nhà trưởng họ để cúng tổ tiên và thần linh trong dịp Tết. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN).
Trang trí bàn thờ tổ tiên. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN).
Các thành viên trong gia đình đồ xôi để giã bánh giầy. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN).
Bánh giầy được làm từ những bàn tay khéo léo của phụ nữ dân tộc Si La. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN).
Đồ thờ cúng tổ tiên gồm có 2 con cua, 2 con sóc, 2 con cá, 2 chiếc bánh giầy (ba pa) được gói hấp chín. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN).
Phụ nữ dân tộc Si La chuẩn bị các lễ vật để cúng tổ tiên và thần linh. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN).
Thầy mo làm lễ cúng tổ tiên và thần linh. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN).
Tất cả các thành viên tại lễ cúng tổ tiên đều được thưởng thức những lễ vật đã cúng tổ tiên với thần linh để lấy may. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN).
Múa hát vòng xòe thể hiện tình đoàn kết trong cộng đồng dân tộc Si La. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN).
Thi đấu môn đẩy gậy trong Tết cổ truyền của người dân tộc Si La. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)
Thi đấu kéo co trong Tết cổ truyền của người dân tộc Si La. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)
Nơi sinh sống của đồng bào Dân tộc Si La tại xã Can Hồ, huyện Mường Tè (Lai Châu). (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)
Đàn ông trong dòng họ tập trung mổ lợn để ăn Tết. (Ảnh: Quý Trung/TTXV
Sau khi cúng tổ tiên xong, thầy mo phát cho những thành viên mỗi người một miếng để ăn lấy may. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN).
Đại diện hai tỉnh của Campuchia chúc Tết lãnh đạo và nhân dân tỉnh Gia Lai
Nhân dịp Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam, từ ngày 16-17/1, Đoàn công tác của tỉnh Stung Treng và Kampong Thom (Campuchia) đã đến thăm, chúc Tết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Gia Lai nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Đây là dịp để khẳng định về tình cảm gắn bó hữu nghị giữa tỉnh Gia Lai và hai tỉnh Stung Treng và Kampong Thom nói riêng và 2 đất nước Việt Nam - Campuchia nói chung.
|
Phong tục Tết của những gia đình Lào-Việt
Với các gia đình có thành viên mang dòng máu Việt-Lào anh em, việc gìn giữ nét đẹp truyền thống quê hương, nhất là ngày Tết cổ truyền mang ý nghĩa quan trọng và thiêng liêng mỗi dịp Xuân về.
|