Doanh nghiệp FDI thành công áp dụng '3 tại chỗ' trong mùa dịch
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, "3 tại chỗ" là một trong những giải pháp được nhiều doanh nghiệp FDI lựa chọn áp dụng. Doanh nghiệp bố trí riêng từng nhóm lao động làm việc, ăn uống, nghỉ ngơi và theo những ca khác nhau, đồng thời bố trí khu vực lưu trú tập trung, khu vực làm việc riêng biệt.
Trong trường hợp xấu có F0, doanh nghiệp có thể khoanh vùng đưa người nhiễm bệnh và các trường hợp tiếp xúc gần đi cách ly kịp thời. Sau thời gian khử khuẩn 3-4 ngày, công ty có nhóm lao động khác thay thế để tiếp tục sản xuất.
Là một trong những doanh nghiệp đang triển khai "3 tại chỗ" ở Đồng Nai, ông Trần Anh Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Dịch vụ Sonadezi cho biết, công ty đã bố trí cho hơn 200 lao động lưu trú tại nhà máy, chuẩn bị đầy đủ lương thực, nhu yếu phẩm cho người lao động ở lại. Đồng thời, chuẩn bị nguồn nguyên liệu, công cụ, vật tư để có thể duy trì sản xuất ổn định trong một thời gian.
Người lao động lưu trú tại công ty sẽ được chia nhóm để làm việc riêng biệt và nhóm làm, nhóm nghỉ. Mục tiêu phòng trường hợp có ca nhiễm bệnh COVID-19, cả nhóm làm việc chung phải cách ly sẽ có nhóm khác thế vào, sản xuất không bị đình trệ, ông Dũng nói thêm.
Công nhân Công ty TNHH khoa học kỹ thuật Evergreen Việt Nam giờ ăn trưa |
Tương tự, bà Magdalena Krakowiak, Trưởng phòng Quan hệ công chúng và CSR của Công ty Adamed (Ba Lan), đơn vị sở hữu Davipharm, cho hay Nhà máy sản xuất dược phẩm Davipharm tại Bình Dương đã áp dụng mô hình "3 tại chỗ" từ tháng 7 năm nay để có thể tiếp tục duy trì sản xuất, cung cấp thuốc cho bệnh nhân cũng như bảo vệ đội ngũ và hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Cũng tại Bình Dương, Công ty TNHH Earth Corporation Việt Nam (Khu công nghiệp Nam Tân Uyên) bắt đầu thực hiện "3 tại chỗ" từ ngày 19/6, ngay khi có các ca F0 xuất hiện trong doanh nghiệp sản xuất và các khu nhà trọ. "Đến thời điểm này, Earth Corporation Việt Nam đã thành công trong thực hiện "mục tiêu kép", vừa sản xuất vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch" - ông Wada Masaharu, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc chia sẻ.
Theo ông Wada Masaharu, để động viên, khích lệ người lao động tham gia sản xuất "3 tại chỗ", ngoài chế độ lương, tiền ngoài giờ đầy đủ, doanh nghiệp còn hỗ trợ thêm cho mỗi người 5,5 triệu đồng. Doanh nghiệp cũng cung cấp đầy đủ 4 bữa ăn mỗi ngày, cà phê, sữa, tạo điều kiện cho công nhân giải trí sau giờ làm việc, cuối tuần…
Ông Michel Bertsch, Giám đốc Công ty TNHH Geuther Việt Nam (Khu công nghiệp Mỹ Phước 3, Bình Dương) thì chia sẻ: "Trong thời gian giãn cách, 200 nhân viên công ty đã phải thực hiện "3 tại chỗ". Tuy gặp nhiều khó khăn và chi phí cao, nhưng ít nhất chúng tôi có thể tiếp tục sản xuất với công suất khoảng 60 - 70%".
Thực hiện phương án "3 tại chỗ", từ ngày 13/7, Công ty TNHH khoa học kỹ thuật Evergreen Việt Nam (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) đã bố trí cho khoảng 60 công nhân, người lao động "cắm trại" tại công ty để duy trì hoạt động. Công ty cũng chủ động giảm 50% kế hoạch sản xuất, bố trí công nhân tạm thời ở lại khép kín.
Nhiều doanh nghiệp đã thành công trong thực hiện "mục tiêu kép", vừa sản xuất vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch (Ảnh minh họa) |
Ông Yuan Ai, Tổng Giám đốc Evergreen Việt Nam cho hay: "Công ty đã chuẩn bị đầy đủ vật tư chống dịch, các phương pháp ứng phó toàn diện và hiệu quả, đồng thời thực hiện quản lý nhân viên tại chỗ, nên công tác phòng chống dịch tổng thể đạt hiệu quả, quá trình sản xuất và hoạt động bình thường".
Duy trì được chuỗi cung ứng, đảm bảo được sản xuất, nhiều doanh nghiệp FDI bày tỏ tin tưởng vào việc áp dụng giải pháp thích ứng, chống dịch như hiện nay và hứa hẹn sẽ tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất tại Việt Nam.
"Ngay sau khi tỉnh nới lỏng giãn cách và hỗ trợ phục hồi sản xuất, công ty đang khẩn trương tập trung nhân công, đề ra giải pháp thích ứng, nỗ lực đẩy mạnh sản xuất để hoàn thành nhiệm vụ, kế hoạch đặt ra của cả năm 2021" - ông Yuan Ai nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc tổ hợp Samsung Việt Nam cũng khẳng định: Việc thực hiện 3 tại chỗ đã giúp nhà máy không phải đóng cửa, các chuyên gia Hàn cũng được tạo điều kiện nhập cảnh nhanh chóng. Không chỉ khắc phục được khủng hoảng, mà Samsung sẽ tiến tới nâng vị thế kinh doanh tại Việt Nam trở thành một cứ điểm nghiên cứu, phát triển chiến lược trên toàn cầu...
Bình Dương từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp FDI Bình Dương đang từng bước hỗ trợ doanh nghiệp FDI khôi phục sản xuất bằng nhiều giải pháp. Nhờ đó, đã bước đầu khôi phục các hoạt động trong trạng thái bình thường mới, tạo được niềm tin lớn trong cộng đồng doanh nghiệp FDI. |
Bắc Ninh: Doanh nghiệp FDI kiến nghị nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất Qua trao đổi với địa phương, cộng đồng doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã kiến nghị nhiều giải pháp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất trong giai đoạn bình thường mới. |
Đà Nẵng: Doanh nghiệp FDI đề xuất nới lỏng nhập cảnh, tiêm vaccine cho người lao động Nhiều doanh nghiệp FDI tại Đà Nẵng đề nghị đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh với chuyên gia nước ngoài để phục vụ sản xuất. Ngoài ra, cũng có đề xuất sớm được ưu tiên tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19 cho người lao động, nới lỏng quy định về giấy đi đường... |