Doanh nghiệp FDI tại Đồng Nai tìm giải pháp phòng chống dịch trong giai đoạn bình thường mới
Nhiều doanh nghiệp FDI tại Đồng Nai đang trong quá trình phục hồi sản xuất. Hầu hết người lao động (NLĐ) đã được tiêm vaccine phòng COVID-19, nhưng công tác phòng chống dịch vẫn đặc biệt quan trọng. Bởi nếu để xuất hiện một vài ca F0, nguy cơ phải đóng cửa một dây chuyền đến cả phân xưởng rất cao, có thể ảnh hưởng tới tiến độ sản xuất của cả công ty.
Trước nguy cơ dịch bệnh từ bên ngoài, hàng loạt doanh nghiệp FDI đã đề xuất thực hiện phương án "3 tại chỗ" trở lại: Công ty CP Nông nghiệp Velmar (KCN Sông Mây, H. Trảng Bom), Công ty TNHH Saite Power Source Việt Nam (KCN An Phước, H. Long Thành), Công ty TNHH Daikan Việt Nam (KCN Amata, TP. Biên Hòa), Công ty TNHH Youngchang GST (KCN Hố Nai, H. Trảng Bom), Công ty TNHH Việt Nam Hilong Tech (KCN Nhơn Trạch 1, H. Nhơn Trạch)…
Mới đây, các doanh nghiệp FDI đã được chính quyền tỉnh Đồng Nai trao quyền chủ động trong phòng, chống dịch, phục hồi sản xuất. Nhiều doanh nghiệp đánh giá cao quyết định này, cho rằng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn để họ có thể ứng phó kịp thời một khi xảy ra tình huống phát sinh.
Lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân lao động Công ty TNHH Pou Chen Việt Nam |
Ông Wu Minh Ying, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Boss (KCN Sông Mây, H. Trảng Bom), kiêm Hội trưởng Hiệp hội Thương mại Đài Loan tại Đồng Nai cho hay: "Nếu dịch bệnh COVID-19 được khống chế tốt, không xảy ra ca lây nhiễm trong nhà máy, doanh nghiệp sẽ yên tâm trong việc mở rộng sản xuất và nhận các đơn hàng mới cho dịp cuối năm và năm 2022. Nếu không may xảy ra dịch bên trong công ty thì rủi ro rất lớn vì ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các đơn hàng".
Bắt đầu hoạt động trở lại từ ngày 7/10, Công ty TNHH Pouchen Việt Nam (TP. Biên Hòa) đã lập tức kích hoạt lại các biện pháp phòng chống dịch. Ngoài tổ chức xét nghiệm cho NLĐ, công ty đã tạo mã QR về khai báo y tế và dán ngay tại công ty. Tổ chức quét mã vạch thông qua ứng dụng PC-Covid, yêu cầu khai báo y tế đối với NLĐ để tăng cường quản lý, kiểm soát dịch bệnh. Trang bị nước rửa tay sát khuẩn, thường xuyên thông tin tình hình dịch bệnh để NLĐ biết, chủ động phòng dịch.
Theo anh Huỳnh Văn Phụng, Trưởng phòng Nhân sự công ty, hiện đã có 14 nghìn lao động đi làm trở lại. Do số lượng công nhân đông nên lãnh đạo DN rất quan tâm đến công tác phòng, chống dịch tại nơi làm việc. Nếu NLĐ vi phạm quy định về phòng dịch tại doanh nghiệp sẽ có hình thức xử lý. Vì thế, ý thức làm việc cũng như ý thức phòng dịch của NLĐ rất tốt.
NLĐ yên tâm với công tác phòng chống dịch tại doanh nghiệp FDI (Ảnh minh họa) |
Còn tại Công ty TNHH Mabuchi Motor Việt Nam (TP. Biên Hòa), đã có khoảng 90% trong tổng số 3.793 lao động đi làm trở lại. Toàn bộ lao động đến công ty làm việc đều đã được tiêm vaccine mũi 1. Công ty thường xuyên tuyên truyền dịch bệnh cho NLĐ bằng cách thông báo ở bảng tin công ty, tại các xưởng sản xuất. Khai báo y tế cho NLĐ ngay tại cổng trước khi vào làm việc; nhắc nhở NLĐ đeo khẩu trang, giữ khoảng cách thường xuyên trong quá trình làm việc tại xưởng và bữa ăn ca.
Trong khi đó, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Tokin Electronics Việt Nam (TP. Biên Hòa) Phan Tới Thọ Hiệp cho biết, công ty hiện có 1,5 nghìn lao động, trong đó 75% lao động đã trở lại làm việc. Trong tháng 7, khi thực hiện phương án "3 tại chỗ", DN ghi nhận 1 ca F0 khiến nhiều lao động rất lo lắng. Tuy vậy, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, kiểm soát dịch bệnh thì NLĐ đã yên tâm và gắn bó với doanh nghiệp. Đến nay, công ty đang đặt ra mục tiêu kép vừa sản xuất, vừa đẩy mạnh phòng dịch để đảm bảo an toàn cho nguồn nhân lực tại chỗ.
"Khi khôi phục sản xuất, xác định sống chung với dịch bệnh, công tác tuyên truyền cần thường xuyên hơn để NLĐ hiểu, biết tự bảo vệ bản thân, bảo vệ việc làm, hoạt động sản xuất tại doanh nghiệp và kiểm soát dịch tại địa phương. Đó cũng là cách để các doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục sản suất sau những ảnh hưởng của dịch bệnh" - ông Hiệp chia sẻ.
Đồng Nai: Người lao động được tiêm vaccine COVID-19, doanh nghiệp FDI vững tâm sản xuất Tại Đồng Nai, hầu hết người lao động trong các doanh nghiệp FDI đều đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Đây là giải pháp cần được ưu tiên, cực kỳ cần thiết để các doanh nghiệp FDI yên tâm phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh. |
Doanh nghiệp FDI vững vàng trong đại dịch COVID-19 nhờ mạnh mẽ chuyển đổi số Trước những thách thức lớn từ đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp FDI đã chủ động, tích cực tìm kiếm giải pháp mới, áp dụng chuyển đổi số để có thể duy trì tối đa hoạt động sản xuất - kinh doanh. |
Doanh nghiệp FDI ở Đồng Nai hiến kế khôi phục sản xuất sau dịch COVID-19 Gần 3 tháng qua, đợt dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát và diễn biến phức tạp khiến các doanh nghiệp FDI tại Đồng Nai muốn duy trì sản xuất buộc phải thực hiện phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm” hoặc kết hợp cả hai phương án trên. Tuy nhiên, nhiều đơn vị đang gặp phải vô số khó khăn và mong muốn chính quyền vào cuộc hỗ trợ để khôi phục sản xuất. |