Doanh nghiệp FDI ở Đồng Nai hiến kế khôi phục sản xuất sau dịch COVID-19
Theo số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện có khoảng trên 1.100 doanh nghiệp FDI đã đăng ký các phương án trên để duy trì sản xuất (tương ứng với hơn 73% doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh).
Thế nhưng, các nhà máy của doanh nghiệp FDI đa số chỉ đạt công suất 20-60% nên không đáp ứng đủ các đơn hàng. Một số doanh nghiệp sau 2 tuần thực hiện phương án “3 tại chỗ” đã tạm dừng sản xuất vì không thể kéo dài hoạt động. Những doanh nghiệp FDI có từ vài nghìn đến vài chục nghìn lao động buộc phải dừng hoạt động vì trong nhà máy không có nơi bố trí cho người lao động lưu trú.
Nhiều doanh nghiệp FDI tại tỉnh Đồng Nai gặp khó khăn do dịch COVID-19 - Ảnh minh họa |
Trao đổi với báo chí, ông Chang Yong Jun, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hwaseung Vina, Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1 (H.Nhơn Trạch) cho biết: “Công ty chuyên sản xuất các loại giày, có khoảng 25.000 lao động, nhưng đợt dịch lần thứ tư chỉ tổ chức được khoảng 700 lao động lưu trú tại nhà máy để làm việc. Do đó, nhiều đơn hàng đã bị chậm trễ. Công ty lo lắng nếu không phục hồi sản xuất sớm sẽ mất khách hàng, sau này khi khống chế được dịch, khôi phục lại sản xuất rất khó tìm đơn hàng mới”.
Cùng với đó, rất nhiều doanh nghiệp FDI tại Đồng Nai rơi vào tình trạng chỉ duy trì sản xuất cầm chừng. Bà Vũ Thị Hương Giang, Giám đốc đối ngoại Việt Nam, Thái Lan, Campuchia Công ty TNHH Nike Việt Nam cho hay: “Kể từ tháng 7/2021, nhiều đối tác của Nike tại Đồng Nai đã ngừng hoạt động do số lao động quá lớn không thể thực hiện phương án “3 tại chỗ”. Tuy Nike cam kết lâu dài là sẽ giữ lại đơn hàng cho đối tác ở Đồng Nai nhưng tình hình đóng cửa kéo dài quá lâu, doanh nghiệp không thể sản xuất sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chuỗi cung ứng toàn cầu, buộc Nike phải có tính toán lại khi chưa biết sản xuất trong tuần tới, tháng tới, quý tới, năm tới như thế nào”.
Trước muôn vàn khó khăn do dịch COVID-19, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Đồng Nai đang rất mong muốn được hỗ trợ để khôi phục sản xuất.
Nhiều doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh cho biết đã nghiên cứu khá kỹ Kế hoạch số 11102/KH-UBND của UBND tỉnh về từng bước phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 tại tỉnh Đồng Nai trong tình hình mới, từ đó xây dựng lộ trình khôi phục lại hoạt động của DN. Thế nhưng, các doanh nghiệp muốn hoạt động trở lại gặp một số vướng mắc cần được tháo gỡ.
Các doanh nghiệp FDI mong muốn được hỗ trợ để khôi phục sản xuất. |
Ông Lê Quốc Thanh, Tổng giám đốc điều hành khu vực Việt Nam Tập đoàn Phong Thái ở Khu công nghiệp Sông Mây (H.Trảng Bom) cho hay: “Các lao động của nhà máy có rất nhiều người đang ở vùng vàng, cam, đỏ, như vậy muốn khôi phục sản xuất trở lại bình thường cũng rất khó khăn. Vì theo quy định của tỉnh lao động muốn hoán đổi ra vào doanh nghiệp hoặc bổ sung vào doanh nghiệp phải ở khu vực vùng xanh tại địa phương, phải tiêm vaccine ít nhất 1 mũi sau 14 ngày. Việc này khiến doanh nghiệp khó khăn trong phục hồi sản xuất vì không có đủ lao động”.
Nhiều doanh nghiệp FDI ở TP. Biên Hòa và huyện Nhơn Trạch cũng lo lắng sẽ thiếu lao động cho sản xuất khi tỉnh mở cửa trở lại, do có 50-90% lao động đang sống trong vùng vàng, cam, đỏ hoặc lộ trình đến nhà máy phải qua vùng vàng, cam, đỏ.
Bà Mary Tarnowka, Giám đốc điều hành Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ tại TP.HCM cho biết: “Dịch bệnh COVID-19 đã làm nhiều doanh FDI phải dừng, giảm công suất trong một thời gian dài nên có khoảng 20% doanh nghiệp được hỏi đã chuyển sản xuất sang quốc gia khác để đảm bảo các đơn hàng. Việt Nam cũng như Đồng Nai nếu để doanh nghiệp FDI chuyển dây chuyền sản xuất sang nước khác sau này họ rất khó quay trở lại. Lãnh đạo tỉnh cần có những chính sách mới hài hòa để khôi phục, duy trì sản xuất kinh doanh và phòng, chống dịch bệnh tốt”.
Nhiều doanh nghiệp FDI cũng đề nghị tỉnh sớm ưu tiên đủ vaccine cho công nhân tại các đơn vị này và có chính sách linh hoạt, chi tiết và rõ ràng hỗ trợ doanh nghiệp đưa lao động trở lại nhà máy để sớm hoạt động trở lại bình thường. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp FDI cũng đề nghị UBND tỉnh tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc đưa chuyên gia trở lại Đồng Nai làm việc, vận chuyển người lao động, lưu thông hàng hóa và đi lại giải quyết các thủ tục...
Hoàn tất đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc Ngày 4/11, Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương đã hoàn tất việc đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm xuất khẩu đi Trung Quốc thuộc thẩm quyền phụ trách của Bộ Công Thương theo quy trình đăng ký nhanh. |
Tận dụng ưu đãi từ EVFTA là giải pháp hữu hiệu để doanh nghiệp FDI khôi phục sản xuất Với nhiều ưu đãi về thuế quan và được ví như “đường cao tốc” cho doanh nghiệp đến với thị trường EU, nhưng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) không hẳn tạo thuận lợi với tất cả doanh nghiệp và mọi loại hàng hóa. Tuy nhiên, nếu thay đổi và tận dụng, cộng đồng doanh nghiệp có cơ hội lớn để phát triển kinh tế và vượt qua khó khăn thời kỳ hậu COVID-19. |
Khôi phục sản xuất: Doanh nghiệp "khát" lao động Tình hình dịch bệnh dần được kiểm soát, nhiều doanh nghiệp đã lên kế hoạch cho việc khôi phục sản xuất. |