Điện ảnh - Kênh thông tin hiệu quả kết nối, quảng bá văn hóa
Thông điệp văn hóa qua ngôn ngữ điện ảnh
Còn nhớ nền điện ảnh cách mạng Việt Nam từng là nguồn khích lệ, động viên, hiệu triệu, kết nối hàng triệu người dân, lớp lớp thanh niên trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Cũng nhờ có phim ảnh mà thế giới thêm hiểu về cuộc chiến tại Việt Nam cũng như những con người ở dải đất hình chữ S. Từ một đất nước đi ra từ chiến tranh, Việt Nam dần được thế giới biết đến là một dân tộc yêu chuộng hòa bình, muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới. Thông điệp đó ngoài những kênh ngoại giao, các hiệp định, ký kết về kinh tế… có sự đóng góp không nhỏ của nghệ thuật trong đó có điện ảnh.
Điện ảnh Việt Nam những năm 1990 - 2000 cũng có nhiều bộ phim được quay tỉ mỉ có nội dung gần gũi, cảnh vật đậm chất làng quê với những không gian thân thuộc như: Đất và Người, Sóng ở đáy sông, Mùi đu đủ xanh, Xích lô, Mùa len trâu,...
Tiêu chí chọn phim tham dự các giải thưởng quốc tế của Cục Điện ảnh Việt Nam ngày nay cũng luôn ưu tiên những tác phẩm chuyển tải những thông điệp, những giá trị văn hóa thuần Việt đồng thời xem cơ hội tham gia các giải thưởng quốc tế, các liên hoan phim chính là nhịp cầu đưa văn hóa Việt Nam đến với thế giới.
Xu thế các nền điện ảnh trên thế giới cũng là gìn giữ yếu tố văn hóa của mỗi quốc gia qua những câu chuyện mang tính phổ biến. Nhìn vào những tác phẩm đạt giải của điện ảnh Hàn Quốc, Iran… mới thấy thông điệp văn hóa là yếu tố nổi trội hơn cả trong việc để lại ấn tượng với khán giả quốc tế.
Các nhà làm phim hiện đại đều chú trọng đến bối cảnh văn hóa, không gian văn hóa, các phong tục tập quán, những nét đẹp về trang phục, cảnh quan thiên nhiên để lồng ghép vào các dự án điện ảnh. Thông qua các bộ phim, hình ảnh đất nước, con người, những giá trị văn hóa truyền thống được quảng bá, chia sẻ rộng rãi đến thế giới. Việc giới thiệu phim theo cụm, theo chủ đề, theo quốc gia cũng giúp khán giả hiểu hơn về lịch sử, sự phát triển, những biến cố và bước ngoặt của từng đất nước, dân tộc hay khu vực được phân theo địa chính trị.
Hàng nghìn cơ hội quảng bá văn hóa Việt Nam qua phim ảnh
Hàng năm, trên thế giới diễn ra hàng nghìn liên hoan phim lớn nhỏ. Ngoài những liên hoan phim danh tiếng như Cannes, Berlin, Venice… nhiều quốc gia cũng bắt đầu mở những liên hoan phim quốc tế để quảng bá, kết nối với khu vực và với thế giới. Nhân những lễ kỷ niệm, các trao đổi về văn hóa, nhiều tuần phim đã được giới thiệu nhằm quảng bá sâu hơn về văn hóa, nếp sống, những thay đổi của một đất nước này tới các nghệ sĩ và công chúng của một đất nước khác.
Điện ảnh Việt Nam, từ những giải cánh Diều, bông sen Vàng, bông sen Bạc bó hẹp trong nước cũng dần mở thêm những kênh khác để đi ra quốc tế. Thế hệ nghệ sĩ Việt Nam hiện nay cũng đã chú trọng khai thác sức mạnh điện ảnh trong kết nối, lan tỏa những giá trị văn hóa của dân tộc mình đến với khu vực và thế giới. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho biết: "Tôi có hoài bão lớn với điện ảnh Việt, mong thông qua đó giới thiệu văn hóa dân gian Việt với công chúng trong nước và thế giới. Tôi muốn họ cảm nhận được vẻ đẹp của cây đa đầu làng, khói lam chiều trên những mái tranh vách đất mộc mạc, bọn trẻ cưỡi trâu hò reo… "
Diễn viên kiêm nhà sản xuất Ngô Thanh Vân cũng đã xây dựng một kế hoạch dài hơi đối với các dự án đậm chất Việt. “Tôi muốn xây dựng một vũ trụ cổ tích điện ảnh Việt Nam. Vì sống xa nhà từ nhỏ nên khao khát muốn điện ảnh hóa những giá trị truyền thống văn hóa ngày càng lớn dần trong tôi. Tôi tin con đường để kể những câu chuyện lịch sử tưởng chừng như khô khan đó sẽ dễ dàng hơn qua phim ảnh”, nữ đạo diễn nói.
Giám đốc sáng tạo 9X Denis Đặng - nổi tiếng với các MV ca nhạc nhiều mới lạ, khi cho ra mắt phim ngắn “Con Cưng” – một dự án tham gia tranh tài tại một hạng mục mới tại Cannes x Tiktok 2022 đã chia sẻ: Bằng việc đem vào sản phẩm những hình ảnh, chất liệu văn hóa Việt Nam cùng với những tầng ý nghĩa đầy sâu sắc về nội dung, Denis tự nhủ rằng biết đâu đây lại là cơ hội để mình có thể đưa được một sản phẩm nào đó của Việt Nam ra thị trường quốc tế.
“Là một người con Việt Nam, Denis mong muốn có thể làm được một việc gì đó, góp một chút công sức nhỏ bé để có thể đưa được những giá trị văn hóa Việt Nam vào sản phẩm sáng tạo của mình và tạo ra sức lan tỏa không chỉ ở Việt Nam mà cả những đất nước khác nữa” – Dennis Đặng nói.
Phim ngắn “Con Cưng” của Dennis Đặng khai thác mảng đề tài rất Việt Nam với nhiều hình ảnh được đầu tư chỉn chu, kỹ lưỡng (Ảnh: Denis Phạm). |
Có rất nhiều dự án phim Việt đã và đang tập trung sử dụng chất liệu văn hóa dân tộc, từ các tác phẩm văn học, văn hóa dân gian, dần định hình một dòng phim mới, mang những nét đẹp đặc trưng của Việt Nam lên màn ảnh rộng.
Sự mạnh dạn của các nhà làm phim khi liên tiếp đưa yếu tố văn hóa truyền thống vào điện ảnh cho thấy văn hóa đang trở thành nguồn tài nguyên dồi dào cho các đề tài điện ảnh. Ở góc độ văn hóa, đây còn là một cách bảo lưu và quảng bá những giá trị nghệ thuật xưa đến với khán giả trong và ngoài nước.
Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh cho rằng, trong thời đại công nghệ số khi robot biết sáng tác nhạc, vẽ tranh hay viết kịch bản...thì chỉ có một thứ không thể nào bị nhận xét là vay mượn, đạo nhái, đó chính là văn hóa dân tộc của mỗi quốc gia, bởi bản sắc là duy nhất. Đó cũng là nhịp cầu quảng bá văn hóa sinh động, hiệu quả nhất mà điện ảnh cần đẩy mạnh trong tương lai.