Dịch giả Vũ Ngọc Cân - người góp nhịp cầu kết nối văn hóa Việt Nam - Hungary
Duyên phận với Hungary
Năm 1967, trong số hơn 120 học sinh được nhà nước Việt Nam gửi sang Hungary học tập có cậu bé Vũ Ngọc Cân sinh ở miền quê nghèo Thượng Hòa, xã Châu Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam (nay là thành phố Phủ Lý, Hà Nam). Là một trong 5 người giỏi tiếng Hung nhất khóa, Vũ Ngọc Cân được chọn vào học ngành Ngữ văn Hungary. Đây cũng là cơ hội để ông biết đến và nghiên cứu nhiều tác phẩm văn học của đất nước này.
Dịch giả Vũ Ngọc Cân khi còn là sinh viên ngành Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Eötvös Loránd (Hungary). (Ảnh: NVCC) |
Ông kể: "Vốn mê đọc sách, lại được ở ký túc xá Eötvös Loránd, nơi có thư viện chứa nhiều sách quý nên tôi có nhiều cơ hội đọc và nghiên cứu. Có thời gian tôi mượn sách ở thư viện về đọc tới 4-5 giờ sáng mới đi ngủ. Chợp mắt vài tiếng, 8 giờ sáng lại lên lớp học. Càng đọc nhiều, tìm hiểu nhiều, tôi càng thấy tiếng Hungary thú vị, văn học Hungary độc đáo và hấp dẫn. Từ đó, tôi càng quyết tâm chinh phục và giới thiệu văn hóa của nước bạn đến nhân dân Việt Nam".
Trước tiên, ông tập sáng tác thơ bằng tiếng Hung. Một số tác phẩm thơ được giới thiệu trên tờ báo của trường Đại học Eötvös Loránd và nhận được phản hồi tích cực từ bạn bè, thầy cô. Sau đó ông bắt đầu dịch các tác phẩm văn xuôi và sách.
Điều đáng nói là thay vì dịch qua một ngôn ngữ khác, ông luôn nỗ lực nghiên cứu ngôn ngữ, tìm hiểu văn hóa để có thể trực dịch (dịch thẳng từ tiếng Hungary sang tiếng Việt). Điều này đảm bảo chuyển đúng được cái hồn, cái thần của nguyên tác.
Đến nay, dịch giả Vũ Ngọc Cân đã dịch thành công nhiều tác phẩm nổi tiếng của Hungary như “Cái chết của ông bác sĩ” (Fekete Gyula), “Những cậu con trai phố Pál” (Molnár Ferenc), “Dạ, thưa thày” (Karinthy Frigyes)... Ông cũng chuyển ngữ hơn 1.000 bài thơ hơn 20 tác giả tiêu biểu của nền thi ca Hungary như Petőfi Sándor, Vörösmarty Mihály, Arany János, Ady Endre, József Attila...
Nhịp cầu gắn kết tình hữu nghị
Trong sự nghiệp dịch thuật của mình, một trong những tác phẩm được Vũ Ngọc Cân tâm đắc nhất chính là tiểu thuyết “Những cậu con trai phố Pál” của tác giả Molnar Ferenc.
Ông kể: "Một buổi tối mùa hè năm 1970, tình cờ xem trên tivi bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết “Những cậu con trai phố Pál”, tôi đã rất xúc động. Ngay sau đó, tôi tìm mua sách và bị chinh phục bởi nội dung trong sáng, dung dị nhưng giàu ý nghĩa của tác phẩm. Tôi bắt tay dịch từng đoạn nhỏ, sau 2 năm sau bản dịch được hoàn thành" .
Năm 1984, “Những cậu con trai phố Pál” được Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành với số lượng hơn 50.000 bản. Cuốn sách được tái bản 3 lần và lần nào cũng được độc giả nồng nhiệt đón nhận.
"Ở mỗi lần tái bản, cuốn sách lại có những nét độc đáo riêng. Ấn bản đầu tiên mang đậm dấu ấn Việt Nam nhất bởi tất cả hình vẽ minh hoạ đều do các hoạ sĩ của nhà xuất bản Kim Đồng phóng tác. Năm 2010, ấn bản được Nhà xuất bản Thanh Niên phát hành lại có sự kết hợp hài hòa giữa tranh phóng tác của họa sĩ Việt Nam và tranh vẽ minh hoạ trong bản gốc. Trong lần tái bản thứ 3, Nhà xuất bản Dân trí đã trình bày theo đúng nguyên tác"- dịch giả Vũ Ngọc Cân chia sẻ.
Bản dịch tiểu thuyết “Những cậu con trai phố Pál” là một trong những tác phẩm được dịch giả Vũ Ngọc Cân tâm đắc nhất. |
Điều khiến dịch giả Vũ Ngọc Cân vui mừng nhất là tác phẩm không chỉ được các độc giả nhí đón nhận mà rất nhiều người lớn tuổi cũng dành tình cảm. Nhiều người đã viết thư gửi tới nhà xuất bản cho biết bản dịch lôi cuốn của tiểu thuyết đã giúp họ như được sống lại tuổi thơ. Mỗi trang sách còn như một tấm gương soi giúp họ học được những bài học về tình bạn, sự trung thực thật thà, bao dung trong cuộc sống.
Không chỉ giới thiệu các tác phẩm văn học của Hungary tới độc giả Việt Nam, Vũ Ngọc Cân còn dịch nhiều tác phẩm Việt Nam sang tiếng Hungary. Đó là các tác phẩm thơ của Trần Đăng Khoa, Hoàng Hiếu Nhân, Lê Anh Xuân, Nguyễn Duy, Bùi Minh Quốc… hay các truyện ngắn của Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Thi… Các bản dịch được ông gửi đăng trên các báo và tạp chí nổi tiếng của Hungary như “Cuộc sống và Văn học” (Élet és Irodalom), “Tác phẩm mới” (Újírás), “Đại thế giới” (Nagyvilág)…
Lời tri ân nước bạn
Bên cạnh hoạt động dịch thuật, Vũ Ngọc Cân còn có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giảng dạy tiếng Hungary ở Việt Nam. Ông là người sáng lập khoa tiếng Hungary tại Đại học Hà Nội, trước kia là Đại học Ngoại Ngữ cũng như biên soạn các chương trình, giáo trình, các công trình nghiên cứu về dạy và học tiếng Hungary tại Việt Nam.
Ở tuổi 75, dịch giả Vũ Ngọc Cân vẫn miệt mài dịch và dạy tiếng Hungary cho các học sinh, sinh viên. Thông qua các lớp học của mình, ông không chỉ chuyển tải kiến thức về ngôn ngữ mà còn lan toả tới học viên tình yêu với các tác phẩm văn học của đất nước này. Đây cũng chính là cách mà Vũ Ngọc Cân bày tỏ sự tri ân tới đất nước ông đã có nhiều năm học tập và nghiên cứu.
Phó Chủ tịch thứ nhất Quốc hội Hungary Márta Mátrai (áo trắng) thay mặt Tổng thống Hungary trao tặng Huân chương Chữ thập Vàng cho dịch giả Vũ Ngọc Cân, ghi nhận sự nghiệp giới thiệu, quảng bá văn hóa Hungary của ông thông qua hoạt động văn học, dịch thuật. (Ảnh: Đinh Hòa) |
Chia sẻ về kế hoạch trong thời gian tới, Vũ Ngọc Cân cho biết ông kỳ vọng có thể hoàn thành việc dịch 2 vở kịch nổi tiếng của đất nước Hungary có tên “Gia đình ông Toth” và “Tấm thảm kịch của con người” để giới thiệu tới bạn đọc và khán giả Việt Nam.
Nỗ lực không ngừng là vậy nhưng Vũ Ngọc Cân luôn khiêm tốn cho rằng bản thân nền văn hóa hai nước đã có sức hấp dẫn rất lớn, ông chỉ là người nối những nhịp cầu hữu nghị, đưa nét đẹp, sức hấp dẫn vốn có ấy đến với đông đảo người dân hai nước hơn mà thôi.