Hôm 12/3, Italy ghi nhận số ca nhiễm mới trong một ngày cao nhất từ trước tới nay là 2.651, nâng tổng số người mắc Covid-19 tại nước này lên 15.113. Italy bất đắc dĩ giữ vị trí là quốc gia có số người thiệt mạng vì nCoV cao thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc, với 1.016 trường hợp, tăng 189 ca so với một ngày trước đó.
Tây Ban Nha và Đức ghi nhận lần lượt 869 và 779 ca nhiễm mới. Tổng số ca nhiễm nCoV tại Tây Ban Nha là 3.146 còn Đức là 2.745, số ca tử vong lần lượt là 86 và 6.
Pháp phát hiện thêm 595 trường hợp, nâng số người nhiễm nCoV lên 2.876, trong đó 61 người đã tử vong. Anh hiện ghi nhận 590 ca nhiễm, tăng 130 trường hợp so với ngày trước đó, 10 người đã tử vong.
Tại châu Á, Nhật Bản ghi nhận 52 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp dương tính với nCoV lên 691, số người tử vong cũng tăng thêm 4 ca lên 19.
Thêm 114 ca nhiễm mới ở Hàn Quốc, tổng số người nhiễm nCoV nước này là 7.869, trong đó 66 người đã tử vong. Hàn Quốc chưa công bố số liệu hôm nay, nước này thường công bố hai lần mỗi ngày vào buổi sáng và chiều.
Trung Quốc chưa có thống kê, nước này thường công bố số liệu mới mỗi ngày sau 7h. Nhưng những ngày gần đây, số ca nhiễm và tử vong tại nơi khởi phát của dịch liên tục giảm đáng kể. Hôm qua, Trung Quốc tuyên bố đã vượt qua giai đoạn đỉnh điểm của dịch.
Ở Trung Đông, Iran tăng 1.075 ca nhiễm và 75 trường hợp tử vong mới, nâng tổng số người nhiễm lên 10.075 và số người chết là 429.
Chuyên gia Trung Quốc dự đoán Covid-19 suy yếu từ tháng 6
Chuyên gia dịch tễ Trung Quốc Chung Nam Sơn. (Ảnh: Reuters) |
Chuyên gia dịch tễ Trung Quốc Chung Nam Sơn dự đoán Covid-19 "sẽ suy yếu dần từ tháng 6", song cảnh báo các quốc gia cần nỗ lực hơn để ngăn dịch lây lan.
Theo ông Chung, dù nỗ lực chống nCoV đã cho kết quả khả quan, Trung Quốc vẫn cần thắt chặt kiểm soát nhằm ngăn những ca nhiễm mới từ nước ngoài xâm nhập vào nước này.
"Hầu hết các ca nhiễm từ nước ngoài đều không có triệu chứng, một nửa trong số đó không sốt, giống với tình hình Vũ Hán giai đoạn đầu", ông Chung nói với các phóng viên tại Bắc Kinh. "Điều này cho thấy các quốc gia khác chưa làm đủ để ngăn chặn virus".
Trong 15 ca nhiễm nCoV mới của Trung Quốc ngày 12/3, 6 ca được chẩn đoán đều là những người từ nước ngoài đến.
Tại Trung Quốc, ông Chung thường được gọi là "anh hùng SARS" vì đã phát hiện ra hội chứng hô hấp cấp (SARS) hồi năm 2002 và tìm ra cách điều trị. Ông cũng đang dẫn dắt một hội đồng đánh giá nCoV.
Trung Quốc đang thực thi các biện pháp cứng rắn nhằm ngăn chặn nguy cơ "nhiễm ngược" nCoV từ các nước khác. Ông Chung ủng hộ cách phản ứng này. "Chúng ta phải đẩy mạnh phòng ngừa và kiểm soát cũng như tăng cường liên lạc với các nước khác để bảo vệ Trung Quốc khỏi những nguồn lây nhiễm mới", ông nói.
Bác sĩ Quốc hội Mỹ: 150 triệu người Mỹ có thể nhiễm Covid-19
Nữ nghị sĩ Mỹ thuộc đảng Dân chủ Rashida Tlaib tiết lộ rằng một bác sĩ của Quốc hội Mỹ dự đoán sẽ có từ 70 đến 150 triệu người Mỹ có thể nhiễm virus corona.
Bà đưa ra tuyên bố trên tại một phiên điều trần của Hạ viện Mỹ với các thành viên của đội đặc nhiệm chống dịch Covid-19 hôm 12-3.
“Bác sĩ chính của quốc hội nói với Thượng viện rằng ông dự đoán sẽ có từ 70 đến 150 triệu người ở Mỹ nhiễm virus Corona chủng mới”, bà Tlaib nói.
Tổng thống Philippines tuyên bố phong tỏa thủ đô Manila để chống Covid-19
Theo hãng tin Reuters, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 12/3 tuyên bố ngừng hoạt động đi lại bằng đường không, đường biển và đường bộ nội địa đến và đi từ thủ đô Manila.
Ngoài ra, ông Duterte cũng đưa ra các biện pháp cách ly cộng đồng mà ông gọi là “phong tỏa” thủ đô để ngăn dịch lây lan.
Ông Duterte đã thông qua nghị quyết cho phép thực thi một loạt biện pháp hạn chế, trong đó có lệnh cấm tụ tập đông người, đóng cửa các trường học một tháng và cách ly các cộng đồng phát hiện trường hợp nhiễm Covid-19 cũng như ngừng hoạt động ra vào thủ đô Manila.
Philippines hôm 7/3 công bố trường hợp Covid-19 đầu tiên lây nhiễm trong nước. Đến nay, nước này đã ghi nhận hai ca tử vong do Covid-19 và 53 trường hợp nhiễm bệnh.