Đề xuất tăng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi đối với người có công thêm 26,54%
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa có tờ trình gửi Chính phủ đề xuất ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.
Trong đó, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất hai phương án điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng.
Trong đó, phương án 1 điều chỉnh tăng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng từ 1.624.000 đồng lên thành 2.055.000 đồng (cao hơn mức chuẩn nghèo thành thị 55.000 đồng, tương ứng với tỷ lệ tăng là 26,54%).
Phương án 2 điều chỉnh tăng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng từ 1.624.000 đồng lên thành 2.111.000 đồng (cao hơn mức chuẩn nghèo thành thị 111.000 đồng, tương ứng với tỷ lệ tăng là 29,99%).
Bộ LĐ-TB&XH đề xuất tăng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng (Ảnh: KT). |
Trong quá trình soạn thảo Nghị định, đa số ý kiến đề xuất lựa chọn thực hiện theo phương án 2. Tuy nhiên, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất tăng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng theo phương án 1 để thực hiện đúng yêu cầu của Nghị quyết số 69/2022/QH15 của Quốc hội và trên cơ sở tính toán để đảm bảo tính khả thi, cân đối ngân sách nhà nước. Bộ Tài chính cũng thống nhất lựa chọn phương án 1.
Với mức chuẩn hiện hành quy định tại Nghị định số 75/2021/NĐ-CP là 1.624.000 đồng thì kinh phí thực hiện trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng năm 2023 là 29.495 tỷ đồng.
Theo phương án 1 nâng mức chuẩn lên 2.055.000 đồng thì kinh phí thực hiện trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng năm 2023 là 32.223 tỷ đồng, tăng thêm 2.728 tỷ đồng.
Theo phương án 2, nếu nâng mức chuẩn lên 2.111.000 đồng thì kinh phí thực hiện trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng năm 2023 là 32.663 tỷ đồng, tăng thêm 3.168 tỷ đồng và cao hơn 440 tỷ đồng so với phương án 1.