Đề xuất, hiến kế nhằm phát triển quan hệ Việt Nam - Brazil trong thời gian tới
Phát biểu tại tọa đàm, PGS.TS Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết: sau 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ giữa Việt Nam và Brazil đã có những bước phát triển đáng kể, từ quan hệ hợp tác hữu nghị trở thành đối tác toàn diện vào năm 2007. Lãnh đạo hai nước có nhiều chuyến thăm lẫn nhau, mới đây nhất là chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tháng 9/2023. Hai nước đã thiết lập nhiều cơ chế hợp tác như: Hội hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Brazil; Hội hữu nghị Brazil - Việt Nam; Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Brazil; Ủy ban hỗn hợp cấp bộ về lĩnh vực nông nghiệp và lĩnh vực khoa học, công nghệ và tham vấn chính trị của Bộ Ngoại giao. Hiện Brazil là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại Mỹ Latinh với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 7,11 tỷ USD vào năm 2023. Việt Nam cũng là đối tác hàng đầu của Brazil trong ASEAN.
PGS.TS Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: Đinh Hòa) |
Theo ông Tạ Minh Tuấn, dù hai nước xa cách về địa lý nhưng vẫn chia sẻ nhiều điểm tương đồng, gần gũi về văn hóa, lịch sử và quá trình phát triển. Tuy nhiên, quan hệ hợp tác giữa hai nước chưa tương xứng với nhu cầu thực tế và tiềm năng, năng lực của mỗi bên. Vì vậy, tọa đàm sẽ chia sẻ thông tin liên quan đến hợp tác, đối thoại, kết nối doanh nghiệp, nghiên cứu khoa học giữa hai bên, qua đó đưa ra những đề xuất, gợi ý chính sách nhằm thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Brazil trong thời gian tới.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Liên bang Brazil tại Việt Nam Marco Farani nhấn mạnh sự ủng hộ của Brazil đối với Việt Nam trong quá trình phát triển trong tương lai. Ông hy vọng quan hệ giữa hai nước sẽ không ngừng được củng cố và phát triển dựa trên nền tảng tôn trọng và hỗ trợ lẫn nhau, từ đó trở thành quan hệ chiến lược sâu sắc và bền vững hơn. Đại sứ Farani mong muốn hai nước đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực như: bảo vệ rừng, nông nghiệp, khoa học công nghệ và năng lượng tái tạo.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Liên bang Brazil tại Việt Nam Marco Farani. (Ảnh: Đinh Hòa) |
Tại tọa đàm, sáu tham luận đã được trình bày, cung cấp cái nhìn toàn diện về thực trạng quan hệ Việt Nam - Brazil trong thời gian qua và những tiềm năng, cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực như nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, khoa học công nghệ, quốc phòng và năng lượng tái tạo. Các đại biểu và khách mời cũng chỉ ra những cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam khi thâm nhập vào thị trường Brazil.
Theo Tiến sĩ Lê Thị Vân Nga, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ Latinh (Viện Nghiên cứu châu Mỹ), từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1989 và trở thành đối tác toàn diện năm 2007, Việt Nam và Brazil đã có nhiều bước tiến quan trọng trong hợp tác các lĩnh vực như nông nghiệp, năng lượng tái tạo, công nghệ, giáo dục và quốc phòng. Các thỏa thuận hợp tác đáng chú ý bao gồm Hiệp định Hợp tác Văn hóa, Hợp tác Quốc phòng và Khoa học Công nghệ. Trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam và Brazil đều là nước xuất khẩu lớn, có cơ cấu sản phẩm bổ sung, tạo ra nhiều cơ hội hợp tác. Về quốc phòng, hai nước đã ký Biên bản ghi nhớ vào năm 2023 để tăng cường hợp tác. Trong lĩnh vực công nghệ, cả hai quốc gia đều phát triển mạnh mẽ và có tiềm năng hợp tác trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bà Elda Maria Gaspar Alvarez, Phó Đại sứ Brazil tại Việt Nam, cho rằng để phát triển nông nghiệp, khoa học công nghệ đóng vai trò quan trọng. Hai nước có nhiều tiềm năng và điểm sáng hợp tác do có nhiều điểm tương đồng, dân số trẻ và nhu cầu phát triển mạnh mẽ. Việt Nam và Brazil có thể hợp tác trong lĩnh vực số hóa và trí tuệ nhân tạo trong bối cảnh mới.
Tọa đàm quốc tế "Giải pháp thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Brazil trong bối cảnh mới". (Ảnh: Đinh Hòa) |
Một số ý kiến tại tọa đàm chỉ ra rằng, khoảng cách địa lý xa xôi, chi phí vận chuyển, đi lại cao... là một trở ngại đối với việc phát triển thương mại, du lịch, xuất khẩu giữa hai nước. Để tận dụng lợi thế và vượt qua khó khăn khi tiếp cận thị trường Brazil, có ý kiến cho rằng chính phủ Việt Nam cần thúc đẩy đàm phán và ký kết hiệp định thương mại với Mercosur, tạo hành lang pháp lý thuận lợi và khuyến khích công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam. Điều này sẽ giúp tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại, phù hợp với xu hướng tăng cường thương mại hai nước.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần hỗ trợ doanh nghiệp thông tin về thị trường, kết nối đối tác và giải quyết khó khăn. Doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ thị trường Brazil, nắm rõ các quy định và thủ tục, hiểu về văn hóa và rào cản, xây dựng kế hoạch xuất khẩu phù hợp; chú trọng vào chất lượng sản phẩm, giá thành cạnh tranh, mẫu mã và bao bì. Đồng thời, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại và giới thiệu sản phẩm tại hội chợ.