Dấu tích ngọn hải đăng hơn 100 năm tuổi trên đảo Hòn Dấu
10 ngọn hải đăng đẹp nhất Việt Nam Chuyện chưa kể về hải đăng "4 không" ở thành phố đáng sống Trải nghiệm khó quên ở đảo Bạch Long Vĩ: hòn đảo xa nhất Vịnh Bắc Bộ |
Từ TP Hải Phòng để tới đảo Hòn Dấu, du khách đi đến bến Nghiêng (Đồ Sơn) - Di tích lịch sử cấp quốc gia gắn với sự kiện những lính Pháp cuối cùng rời khỏi Hải Phòng (năm 1955), cách trung tâm thành phố khoảng 20km, thuê thuyền ra đảo. Sau 30 phút, những con tàu gỗ sẽ đưa du khách chạm đến hòn đảo xinh đẹp này.
Đảo Hòn Dấu dường như là một thế giới đối lập hoàn toàn với những xô bồ, ồn ã của bãi biển Đồ Sơn. Từ lâu, hòn đảo này đã trở thành địa điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng lý tưởng với phong cảnh đẹp, vẫn giữ được nét đẹp hoang sơ bởi khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, rừng nguyên sinh mang vẻ đẹp thuần khiết của tự nhiên. Đến với đảo Hòn Dấu, du khách được tận hưởng khoảng không gian bao la, khoáng đạt giữa biển, trời, núi non và trải nghiệm các hoạt động thú vị về văn hóa, lịch sử, tâm linh như: Đi thuyền tham quan bãi sỏi trắng bao quanh hòn đảo, tham quan cánh rừng nguyên sinh với hàng nghìn loài động, thực vật khác nhau, ngôi đền thờ Nam Hải Thần Vương, ngọn hải đăng Hòn Dấu...
Hiện nay, trên đảo Hòn Dấu, Đồn Biên phòng Đồ Sơn, BĐBP Hải Phòng duy trì tổ công tác làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự, quan sát các phương tiện ra vào khu vực đảo để nắm tình hình. Khi có dự báo bão, tổ công tác sẽ bắn pháo hiệu thông báo cho các tàu thuyền đi vào tránh bão an toàn...
Đảo Hòn Dấu còn được người địa phương gọi là “đảo đèn”, bởi trên đảo có ngọn hải đăng lâu đời, trở nên quen thuộc với người dân Hải Phòng. Đây là ngọn hải đăng đầu tiên được người Pháp xây dựng ở nước ta. Hải đăng Hòn Dấu do kiến trúc sư người Pháp thiết kế, được xây dựng từ năm 1892, hoàn thành năm 1898. Đó là một tòa nhà 2 tầng bề thế (nay được dùng làm bảo tàng hải đăng), chính giữa tòa nhà là tháp đèn. Tháp cao 5 tầng, đỉnh đèn cao 140m so với mặt nước biển, có độ chiếu xa đến 40km. Từ xa nhìn lại, ngọn hải đăng như một pháo đài cổ vút lên giữa đảo. Cây đèn biển được mệnh danh là “mắt ngọc của Tổ quốc”.
Bảo tàng hải đăng Hòn Dấu trưng bày các loại đèn biển, các đèn tín hiệu được sử dụng tại các hải đăng khác trên khắp Việt Nam; là khu trưng bày ngoài trời với những quả ngư lôi mà đế quốc Mỹ đã trút xuống trong những năm tháng đánh phá vùng biển đảo Hải Phòng (trong đó có hải đăng Hòn Dáu), nhằm dập tắt ánh đèn chỉ đường cho các con tàu Không số. Nơi đây còn là dấu tích của hệ thống hầm ngầm trên đảo trong những ngày chiến đấu chống đế quốc Mỹ, đường ray hạ thủy những con tàu Không số... Tất cả vẫn đang còn đó như chứng tích sinh động của một thời hào hùng, oanh liệt của các công nhân giữ đảo, thắp đèn nơi đây.
Lịch sử còn ghi, hải đăng Hòn Dấu ngày ngày dẫn dắt tàu thuyền qua lại trên vùng biển Hải Phòng và chỉ đường vào cảng Hải Phòng trong những năm Pháp tiến hành khai thác thuộc địa tại Việt Nam. Ngày 15-5-1955, sau khi Hải Phòng giải phóng, bộ đội Việt Nam tiếp quản ngọn đèn biển này. Trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ ác liệt, hải đăng Hòn Dấu là điểm sáng dẫn đường cho những chuyến tàu Không số bắt đầu từ Bến tàu Không số tại Đồ Sơn vận chuyển hàng hóa theo tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển, chi viện cho đồng bào miền Nam đánh thắng giặc Mỹ, thống nhất đất nước. Do đó, hải đăng Hòn Dấu là một trong những mục tiêu bắn phá, oanh tạc của không quân Mỹ.
Trải qua hơn 100 trận oanh tạc, hải đăng Hòn Dấu chưa lúc nào ngừng sáng. Năm 1967, hải đăng Hòn Dấu bị đánh sập, nhưng những công nhân Ty Bảo đảm hàng hải vẫn anh dũng, quyết tâm bám trụ giữ đảo giữ đèn, dựng cột đèn bằng sắt thay thế, đảm bảo cho đèn hoạt động với khẩu hiệu “Còn người còn đảo, trái tim còn đập, đèn còn ánh sáng”. Họ đã góp một phần công sức “đảm bảo an toàn cho tàu của các nước XHCN chở hàng vào cảng Hải Phòng, Hòn Gai viện trợ cho Việt Nam, phục vụ đoàn tàu Không số tiếp vận cho đồng bào miền Nam, thực hiện cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước” (trích lời ghi trên bia cắm ở cửa hầm, ngay bên đường dẫn lên hải đăng). Năm 1986, ngọn hải đăng được xây dựng lại trên nền móng cũ, theo kiến trúc ban đầu.
Trải qua thời gian, hải đăng Hòn Dấu đã qua nhiều lần sửa chữa, cải tạo nhưng vẫn giữ nguyên kiến trúc cũ. Công trình đã được công nhận là danh lam thắng cảnh, Di tích lịch sử cấp quốc gia. Ngày nay, hải đăng đảo Hòn Dấu vẫn luôn sáng đèn soi đường cho tàu bè qua lại ra vào cảng Hải Phòng. Nơi đây cũng trở thành địa điểm tham quan thú vị, giúp du khách tìm hiểu về lịch sử oai hùng đã qua và thêm tự hào về biển đảo quê hương tươi đẹp.
Khái niệm thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế theo UNCLOS 1982 Công ước của LHQ về Luật Biển 1982 quy định rõ về khái niệm thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế. |
Chủ quyền biển, đảo Việt Nam – Khắc ghi từ trong lịch sử Người Việt Nam xưa nay vẫn thường gọi là Biển Đông bởi xuất phát từ ý nghĩa là vùng biển nằm ở phía Đông đất ... |
9 khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam được UNESCO công nhận Việt Nam đã có 6 khu dự trữ sinh quyển ven biển và hải đảo được công nhận gồm: Cát Bà, vùng ngập nước Sông ... |
10 ngọn hải đăng đẹp nhất Việt Nam 10 ngọn hải đăng này không những giàu tính lịch sử, văn hóa mà còn là điểm đến quen thuộc của nhiều du khách bởi ... |
Chuyện chưa kể về hải đăng "4 không" ở thành phố đáng sống Hải đăng Sơn Trà là một trong những ngọn hải đăng cổ của bờ biển Việt Nam với lịch sử gần 120 năm vào năm ... |