Đan Mạch thúc đẩy "ngoại giao công nghệ" trên toàn cầu
Theo Liên minh châu Âu (EU), Đan Mạch là một trong những quốc gia được số hóa nhiều nhất trên thế giới. Nước này có một hệ sinh thái năng lượng mạnh mẽ, xanh và đáng tin cậy; một lực lượng lao động sáng tạo và thích ứng. Tất cả những trang bị này tương đối tốt giúp Đan Mạch thành công trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tuy nhiên, giống như các quốc gia, thành phố và khu vực khác trên thế giới, Đan Mạch cần sẵn sàng thích ứng và tiếp cận với các công nghệ mới cũng như những tác động bất lợi của chúng đối với xã hội, nền kinh tế và thị trường lao động.
Đan Mạch xây dựng chiến lược “ngoại giao công nghệ” |
Ông Jovan Kurbalija - Giám đốc tổ chức phi lợi nhuận DiploFoundation và là nhà ngoại giao kỳ cựu, cho biết ý tưởng về "ngoại giao công nghệ" đã được thảo luận từ đầu năm 1994. Đến năm 2003, Liên hợp quốc đã tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về công nghệ tại Geneva (Thụy Sĩ) nhằm thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số toàn cầu giữa các nước giàu và nước nghèo. Trong những năm 2010, các quyết định quan trọng ngày càng được đưa ra bởi các công ty đa quốc gia lớn trong ngành công nghệ.
Đối với một chính phủ, việc chỉ dựa vào quan hệ ngoại giao truyền thống để mang kiến thức về nước, thúc đẩy lợi ích và bảo vệ các giá trị của mình ở nước ngoài, dường như không còn đủ nữa. Sáng kiến “ngoại giao công nghệ” được chính phủ Đan Mạch đưa ra vào năm 2017. Mục đích của sáng kiến này lần đầu tiên được nêu rõ trong Chiến lược Chính sách Đối ngoại và An ninh 2017-2018 của chính phủ. Cũng trong năm 2017, nước này đã cử đại sứ công nghệ đến Thung lũng Silicon (Mỹ) tập trung vào các hãng công nghệ lớn Big Tech.
Bộ Ngoại giao Đan Mạch đã xây dựng chiến lược “ngoại giao công nghệ” đầu tiên vào năm 2021, tập trung vào 3 chủ đề; Nỗ lực ngoại giao nhằm đảm bảo các công ty công nghệ lớn đáp ứng trách nhiệm xã hội; duy trì nền dân chủ và công nghệ hỗ trợ an ninh cho mọi công dân Đan Mạch.
Giữa tháng 3/2024, Đan Mạch đã xác định lại các ưu tiên “ngoại giao công nghệ” cho đến năm 2026. Nhiệm vụ này bao trùm chính sách đối ngoại và an ninh. Trong đó bao gồm chính sách mạng; phát triển, xúc tiến xuất khẩu và đầu tư, quan hệ song phương của Đan Mạch với các nước khác, tại EU cũng như các diễn đàn đa phương. Đan Mạch vạch ra những ưu tiên mới, bao gồm cả việc tập trung vào tương lai công nghệ của châu Âu.
Đại sứ công nghệ Đan Mạch tại Mỹ Anne Marie Engtoft Meldgaard |
Đại sứ công nghệ Đan Mạch tại Mỹ Anne Marie Engtoft Meldgaard tin rằng, “ngoại giao công nghệ” quan trọng hơn bao giờ hết. Nhiệm vụ của bà Meldgaard là tập trung vào các khía cạnh chính trị của công nghệ mới. Bà Meldgaard nói: “Các công ty đa quốc gia có ảnh hưởng đến địa chính trị và chúng tôi cần có sự tham gia mang tính xây dựng của họ. Đây là một nỗ lực mà chúng tôi đang thực hiện để đảm bảo ngành công nghệ phương Tây luôn đi đúng hướng”.
Năm 2023, đã có đại diện của 63 quốc gia có mặt ở Thung lũng Silicon, bao gồm 24 trong số 27 quốc gia EU. Ngoài Mỹ, các nhà ngoại giao công nghệ đặt trụ sở tại Bắc Kinh (Trung Quốc), Brussels (Bỉ), Geneva (Thụy Sĩ), Barcelona (Tây Ban Nha) và Bengaluru (Ấn Độ). Hiệp ước Kỹ thuật số Toàn cầu của Liên hợp quốc, một bộ nguyên tắc chung sẽ được đàm phán vào tháng 9/2024, được cho là sẽ chiếm ưu thế trong cuộc thảo luận trong giới ngoại giao trong năm nay. Tài liệu này được cho là "thể hiện tầm nhìn chung về một tương lai kỹ thuật số cởi mở, tự do, an toàn và lấy con người làm trung tâm". Đây sẽ trở thành kim chỉ nam cho các nhà ngoại giao thực hiện các mục tiêu này. |