Đại sứ Mỹ: Lệnh cấm vũ khí hạt nhân toàn cầu là bất khả thi
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, bà Nikki Haley
Theo hãng tin BBC, hơn 120 quốc gia thành viên LHQ đã thông qua kế hoạch áp đặt một lệnh cấm vũ khí hạt nhân bắt buộc trên toàn thế giới. Tuy nhiên, Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản nằm trong số các nước phản đối, từ chối đàm phán về hiệp định mới.
Hôm qua (27/3), bà Nikki Haley cho biết: an ninh quốc gia Mỹ yêu cầu sở hữu vũ khí hạt nhân bởi "những cá nhân xấu" không đáng tin. "Tôi không muốn điều gì hơn cho gia đình mình là một thế giới không có vũ khí hạt nhân, nhưng chúng ta phải thực tế" - bà Haley tuyên bố.
Phát biểu trước báo giới, Đại sứ Haley nhấn mạnh thêm: "Có ai tin rằng Triều Tiên sẽ chấp thuận lệnh cấm vũ khí hạt nhân?", đề cập tới những vụ thử hạt nhân và tên lửa mới đây của Bình Nhưỡng, bất chấp cảnh báo từ cộng đồng quốc tế.
Được biết, trong số 8 quốc gia được công nhận chính thức là đang sở hữu vũ khí hạt nhân trên thế giới, có 5 nước là Anh, Pháp, Israel, Nga và Mỹ đã bỏ phiếu chống hiệp định mới. Ngoài ra, Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan cũng tỏ ý dè chừng trước lệnh cấm này.
Nhật Bản, quốc gia duy nhất từng hứng chịu tấn công bằng hạt nhân năm 1945, cũng bỏ phiếu phản đối. Ông Nobushige Takamizawa, Đại sứ giải trừ vũ khí của Nhật Bản, nói rằng sự thiếu vắng của các cường quốc hạt nhân sẽ "gây chia rẽ và rạn nứt" trong cộng đồng quốc tế.
Mặc dù không chấp thuận hiệp định mới, các nước như Mỹ và Anh vẫn cam kết tuân thủ Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân. Hiệp ước bắt đầu có hiệu lực từ năm 1970 với mục đích ngăn chặn các quốc gia phát triển hạt nhân vì mục đích quân sự.
Ngược lại, Thụy Điển, Áo, Ireland, Mexico, Brazil và Nam Phi đang kêu gọi áp đặt một lệnh cấm đối với toàn bộ thành viên LHQ, hướng tới loại bỏ tất cả vũ khí hạt nhân của các nước.
Tuyên bố tại trụ sở LHQ tuần trước, Ngoại trưởng Thụy Điển Margot Wallstrom cho hay: "Lệnh cấm này là rất quan trọng trong bối cảnh chúng ta đang chứng kiến những động thái biểu dương sức mạnh, bao gồm cả việc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân".
Hồng Anh