Đại sứ Lý Đức Trung: Chuyến thăm của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang là dấu mốc lớn trong quan hệ Việt Nam - Israel
Trước thềm chuyến thăm chính thức Israel của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Đại sứ Việt Nam tại Israel Lý Đức Trung đã chia sẻ với Báo Thế giới & Việt Nam những ý nghĩa đặc biệt quan trọng của sự kiện này. |
Xin Đại sứ đánh giá ý nghĩa chuyến thăm chính thức Israel của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, đặc biệt khi hai nước đang kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (12/7/1993-12/7/2023)?
Tôi xin phép được khẳng định rằng chuyến thăm của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đến Israel vào những ngày cuối tháng 7 sắp tới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với quan hệ song phương hai nước.
Về thời điểm, chuyến thăm diễn ra đúng dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Israel (12/7/1993-12/7/2023), là điểm nhấn trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm quan hệ song phương trong xuyên suốt năm 2023. Đặc biệt, lần đầu tiên sau 8 năm đoàn cấp cao của Việt Nam do một Phó Thủ tướng Chính phủ dẫn đầu sẽ sang thăm chính thức Israel.
Chuyến thăm của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng mang đến những ý nghĩa biểu trưng rất lớn đối với dấu mốc ký kết Hiệp định thương mại tự Việt Nam-Israel (VIFTA) sau 12 vòng đàm phán kéo dài suốt 7 năm.
Trong chương trình làm việc, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang sẽ cùng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chứng kiến lễ ký kết VIFTA giữa Bộ trưởng Bộ Công thương của ta và Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghiệp của bạn. Với sự chứng kiến trực tiếp của lãnh đạo chính phủ hai nước, Hiệp định này có vai trò rất lớn trong triển khai chính sách về phát triển kinh tế và hợp tác quốc tế của cả hai quốc gia.
Dự kiến sau chuyến thăm của Phó Thủ tướng, trong tháng 8, đoàn Bộ Kinh tế và Công nghiệp Israel sẽ sang Việt Nam để đồng tổ chức Kỳ họp lần thứ 3 của Ủy ban liên chính phủ về hợp tác kinh tế, khoa học và công nghệ (KHCN) và các lĩnh vực khác. Đây là kỳ họp được nối lại sau 6 năm tạm thời ngắt quãng. Theo đó, các kết quả trong chuyến thăm của Phó Thủ tướng sẽ giúp thiết lập nền tảng tốt cho việc triển khai hoạt động hợp tác cụ thể trong kỳ họp lần thứ 3 này, tạo bước phát triển mới trong quan hệ toàn diện giữa hai nước.
Hơn nữa, trong bối cảnh việc trao đổi đoàn giữa hai bên chưa thực sự hồi phục so với giai đoạn trước dịch Covid-19, chuyến thăm cấp cao đến Israel do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang dẫn đầu sẽ mở ra những cơ hội mới và tạo những động lực mới để người dân, doanh nghiệp, địa phương hai nước tiếp tục kết nối, giao thương, trao đổi và chia sẻ, từ đó giúp quan hệ song phương ngày càng gắn kết hơn.
"Chuyến thăm của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng mang đến những ý nghĩa biểu trưng rất lớn đối với dấu mốc ký kết Hiệp định thương mại tự Việt Nam-Israel (VIFTA) sau 12 vòng đàm phán kéo dài suốt 7 năm" - Đại sứ Lý Đức Trung. |
Những lĩnh vực hợp tác song phương nào sẽ được ưu tiên trong chuyến thăm? Đại sứ có kỳ vọng gì vào chuyến thăm này?
Quán triệt tinh thần của Chỉ thị 15-CT/TW của Ban Bí thư về ngoại giao phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030, chuyến thăm Israel lần này của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đặt trọng tâm liên quan đến ngoại giao kinh tế.
Ngoài việc chính thức kết thúc và ký kết VIFTA, chuyến thăm của Phó Thủ tướng dự kiến sẽ thúc đẩy việc “khớp nối” các thế mạnh của nền kinh tế hai nước, và nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế sau khi VIFTA có hiệu lực. Dự kiến trong chuyến thăm, Phó Thủ tướng sẽ có các hoạt động tiếp xúc các doanh nghiệp tiêu biểu của phía Israel có nhu cầu đầu tư, hợp tác với Việt Nam, cũng như các cơ quan, ban, ngành của Israel có vai trò đầu mối hợp tác kinh tế hai nước.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng sẽ đi thăm các cơ sở mang tính biểu tượng của Israel về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, nhằm hợp tác trao đổi về lý luận, thực tiễn của Israel thông qua những thành tựu, giá trị lịch sử và văn hoá khởi nghiệp; thúc đẩy các chương trình hỗ trợ của Israel trong xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển cho các cơ sở giáo dục, các tỉnh thành phố và các doanh nghiệp.
Tôi mong muốn, sau các cuộc gặp giữa Phó Thủ tướng và các lãnh đạo của bạn, các nút thắt trong quan hệ sẽ được tháo gỡ và đồng thời các đột phá mới được mở ra để quan hệ song phương tiến xa hơn nữa.
Về Hiệp định hợp tác lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, hai bên đã trải qua 5 vòng đàm phán và đã cơ bản thống nhất những vấn đề mấu chốt, chỉ còn lại một số khúc mắc liên đầu đến đầu mối chủ trì kết nối và một số khác biệt trong hệ thống pháp lý của hai bên. Sau chuyến thăm của Phó Thủ tướng, với ý chí chính trị lớn hơn, tôi tin rằng hai bên sẽ sớm hoàn tất Hiệp định và mở ra hợp tác lao động trong những lĩnh vực khác.
Đối với hợp tác về giáo dục - đào tạo giữa hai nước, tôi kỳ vọng chuyến thăm của Phó Thủ tướng sẽ mở ra nhiều cơ hội đào tạo ở những bậc học cao hơn, chất lượng hơn song song với chương trình tu nghiệp sinh nông nghiệp và các khoá đào tạo ngắn hạn hiện nay.
Về những đột phá mới, sau khi VIFTA chính thức có hiệu lực, khi các luồng di chuyển hàng hóa gia tăng nhanh, người tiêu dùng hai bên biết đến hàng hóa của nhau nhiều hơn, doanh nghiệp hai nước sẽ tăng đầu tư vào các lĩnh vực theo thế mạnh, nhu cầu và khả năng tiếp nhận của nhau, từ đó sẽ làm gia tăng giao lưu về con người.
Theo đó, quá trình này lại góp phần tăng trưởng về du lịch, dịch chuyển về lực lượng lao động giữa hai nước và kéo theo vận tải cả hàng hóa và hành khách bằng đường hàng không cũng tăng trưởng, trở thành chất xúc tác cho các đường bay thẳng giữa Israel và Việt Nam.
Hy vọng rằng, sau khi Hiệp định hàng không đã được ký kết năm 2020, và những kết nối ban đầu giữa các công ty hàng không ở hai phía trong giai đoạn hiện nay, đường bay thẳng giữa hai nước sẽ sớm được triển khai trong tương lai không xa.
Hơn nữa, trong 30 năm tiếp theo của quan hệ song phương, tôi kỳ vọng khái niệm về một mối quan hệ đối tác chiến lược trong một lĩnh vực công nghệ cụ thể giữa hai nước có thể sớm được định hình và phát triển.Tôi mong rằng, chuyến thăm chính thức Israel của Phó Thủ tướng sắp tới và Kỳ họp lần thứ 3 của Ủy ban liên chính phủ vào tháng 8 sẽ mang đến những tín hiệu tích cực về việc bước đầu xây dựng một mối quan hệ đối tác hợp tác như vậy.
Tuyên bố về việc kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Israel (VIFTA) ngày 2/4. (Nguồn: TTXVN) |
Trong 30 năm qua, mối quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước không ngừng phát triển, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đưa Việt Nam và Israel trở thành đối tác quan trọng hàng đầu của nhau tại các khu vực Đông Nam Á và Trung Đông. Đại sứ hãy mô tả ngắn gọn quan hệ Việt Nam-Israel trong ba từ và giải thích về sự lựa chọn này?
Tôi xin phép sử dụng ba cụm từ sau để mô tả quan hệ Việt Nam-Israel trong 30 năm qua, đó là “tự cường”, “chủ động thích ứng” và “đổi mới sáng tạo”.
Thứ nhất, tại sao lại là “tự cường”? Tôi cho rằng về lịch sử và địa chính trị, Việt Nam và Israel đều là những dân tộc gan góc, đã vượt lên rất nhiều khó khăn trong quá trình phát triển và xây dựng đất nước.
Điểm tương đồng lớn nhất là hai nước luôn sống trong môi trường khó khăn, nỗ lực giữ được môi trường hòa bình, ổn định để phát triển, nỗ lực vượt lên khó khăn của nghịch cảnh và hiện nay đều hướng tới mở rộng hợp tác, nỗ lực vì an ninh và thịnh vượng chung của người dân và đất nước. Đây là những thuận lợi căn bản để hai nước tiếp tục cùng tiến về phía trước.
Thứ hai, tại sao lại “chủ động thích ứng”? Theo tôi quan sát, mặc dù Israel và Việt Nam có hai bề dày lịch sử, hai nền văn hoá và hai khu vực địa lý cách biệt nhưng luôn “chủ động thích ứng” để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc khai phá tiềm năng phát triển quan hệ hơn nữa.
Với đặc trưng đó, trên chặng đường 30 năm qua, quan hệ giữa Việt Nam và Israel đã trải qua những mốc phát triển quan trọng, các hoạt động trao đổi đoàn các cấp giữa hai bên đã được triển khai sôi động và tích cực từ 1996 đến nay, đồng thời hai bên cũng ký kết nhiều hiệp định và thỏa thuận hợp tác trên các lĩnh vực khác nhau.
"Việc VIFTA chính thức được ký kết và có hiệu lực trong thời gian tới được kỳ vọng tạo ra những động lực mới thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư, du lịch và các lĩnh vực khác qua đó đưa quan hệ hợp tác song phương bước sang một giai đoạn mới với phạm vi và quy mô rộng lớn hơn cũng như hiệu quả hơn và cả thực chất hơn, đáp ứng kỳ vọng của lãnh đạo và nhân dân hai nước" - Đại sứ Lý Đức Trung. |
Riêng về kinh tế, Israel hiện đứng thứ 3 trong danh sách thị trường xuất khẩu của Việt Nam tại khu vực Tây Á và là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng 11 lần từ mức 200 triệu USD năm 2012 lên 2,2 tỷ USD năm 2022.
Trong năm 2022, quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Israel có những động lực phát triển mới khi Tập đoàn CT Group khai trương Văn phòng đại diện tại Tel Aviv để kết nối, thúc đẩy hợp tác với thị trường đổi mới sáng tạo và công nghệ cao của Israel. Tập đoàn Vingroup cũng đầu tư khoảng 40 triệu USD vào phát triển pin sạc nhanh cho xe ô tô điện và công nghệ ô tô tự lái cũng như chính thức chỉ định đại lý phân phối xe ô tô VinFast tại thị trường Israel.
Năm 2023 có ý nghĩa trọng đại với việc Việt Nam và Israel đã chính thức kết thúc đàm phán và ký kết VIFTA – Hiệp định thương mại tự do đầu tiên của Việt Nam với khu vực Trung Đông đúng vào dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Đây là một dấu mốc quan trọng góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo đột phá cho hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới. Đây cũng điều kiện để hai bên gia tăng kim ngạch thương mại song phương trong năm 2023 lên khoảng 10-15% và hướng tới mục tiêu 3 tỉ USD trong thời gian tiếp theo.
Bên cạnh đó, các hoạt động hợp tác trên các lĩnh vực khoa học công nghệ, nông nghiệp thông minh, giao lưu nhân dân cũng diễn ra hết sức sôi động, góp phần tích cực vào việc củng cố, phát triển trong quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước, thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau, mang tới cơ hội học tập và tang tần suất đi lại du lịch cho nhân dân hai nước.
Thứ ba, tại sao lại là “đổi mới sáng tạo”? Do đây chính là một trong những điểm sáng trong hợp tác hai nước và luôn luôn được cập nhật theo các các phát triển của tình hình. Cụ thể, lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao - nông nghiệp thông minh là một trong những điển hình về mô hình hợp tác chuyển giao công nghệ giữa Việt Nam và Israel.
Trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối diện với rất nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu và những yêu cầu ngày càng cao từ các thị trường tiêu thụ nông sản trên thế giới về số lượng, hình thức, chất lượng, chủng loại nông sản như hiện nay, các địa phương của Việt Nam có thể hợp tác chặt chẽ với Israel để tìm giải pháp mới trong nông nghiệp trên cơ sở ứng dụng công nghệ nhằm tạo ra năng suất cao, cải thiện giống cây trồng, cải thiện chất lượng bảo quản sau thu hoạch, qua đó nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thế giới.
Ngoài nông nghiệp công nghệ cao, hiện nay Việt Nam đang đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số quốc gia trong khi Israel có thế mạnh về công nghệ, nghiên cứu phát triển và các mô hình khởi nghiệp do đó hai bên có thể “khớp nối” để đẩy mạnh hợp tác chuyển giao, nghiên cứu và trao đổi các giải pháp phù hợp.
Trong thời gian tới, Đại sứ quán cũng tiếp tục coi khoa học công nghệ là ưu tiên trọng tâm trong hợp tác song phương và là một trong các trụ cột trong hợp tác giữa hai nước, đặc biệt trong các lĩnh vực liên quan đến các xu thế kinh tế mới nổi và tương thích với chiến lược phát triển của Việt Nam bao gồm phát triển bền vững, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và các lĩnh vực khác.
Đại sứ quán Việt Nam tại Israel phối hợp với nhà hàng Viet-Taam khai trương không gian văn hóa, ẩm thực Việt tại thành phố Netanya, miền Trung Israel, ngày 16/4. (Nguồn: TTXVN) |
Đại sứ quán ta có những hoạt động gì để kỷ niệm dấu mốc 30 năm này?
Những hoạt động kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Israel được Đại sứ quán triển khai xuyên suốt cả năm 2023.
Về thông tin đối ngoại, Đại sứ quán chuẩn bị cẩn thẩn và chi tiết cho các hoạt động phỏng vấn, ghi hình về quan hệ song phương đối với cả báo chí trong nước và sở tại. Tận dụng “thời điểm vàng” của kỷ niệm 30 năm quan hệ, Đại sứ quán nỗ lực quảng bá hình ảnh tích cực về đất nước và con người Việt Nam tại Israel. Một hình ảnh Việt Nam thiện chí sẽ là nền tảng bền vững nhất để quan hệ chính trị và kinh tế song phương tiếp tục phát triển lên tầm cao mới.
Song song với các hoạt động ngoại giao chính trị về vận động đoàn các cấp từ hai nước thăm song phương lẫn nhau và trọng tâm về nhanh chóng đưa VIFTA được ký kết và chính thức có hiệu lực, các hoạt động về đối ngoại nhân dân được Đại sứ quán phát huy “sức mạnh mềm” triệt để với việc vận động thành công việc thành lập Hội Hữu nghị Việt Nam-Israel, khai trương Không gian Văn hoá Việt Nam tại thành phố Netanya, trồng cây kỷ niệm 30 năm quan hệ tại thành phố Asdod, toạ đàm xúc tiến du lịch tại thành phố Haifa, cùng nhiều hoạt động giao lưu, quảng bá văn hoá, ẩm thực, thời trang lớn nhỏ khác trong năm.
Những hoạt động này sẽ tạo ra những hiệu ứng tích cực có sức lan toả lớn hơn tại địa bàn, qua đó góp phần thúc đẩy và mở rộng hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại và du lịch giữa Việt Nam và Israel.
Đại sứ quán cũng đang chuẩn bị "hết tốc lực" cho chuyến thăm Israel sắp tới của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, và thúc đẩy những chuyến thăm các cấp khác nhau khác giữa hai bên trong nửa cuối năm nay và năm tới để góp phần đưa quan hệ và hợp tác song phương phát triển mạnh mẽ hơn cả về chất và lượng từ dấu mốc 3 thập kỷ thiết lập quan hệ.
Như Đại sứ vừa cho biết, việc hai nước sẽ ký kết VIFTA trong chuyến thăm của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang sẽ là một dấu mốc lớn trong quan hệ song phương. Vậy hai nước cần làm gì để tối ưu hóa lợi ích của VIFTA khi bắt đầu có hiệu lực?
Về kinh tế, mặc dù dung lượng thị trường khiêm tốn, với quy mô dân số xấp xỉ 10 triệu người nhưng hoạt động kinh tế và ngoại thương của Israel khá phát triển. Năm 2022, thu nhập đầu người đạt xấp xỉ 55.000 USD; kim ngạch ngoại thương đạt 173 tỷ USD.
Ngoài ra, với vòng quay tiêu dùng ở thị trường Israel nhanh, thể hiện ở trị giá nhập khẩu hàng hóa tăng mạnh hàng năm, các doanh nghiệp của Việt Nam có thể tranh thủ khai thác cơ hội xuất khẩu hàng hóa có giá trị gia tăng cao sang thị trường Israel, nhất là sau khi VIFTA được chính thức ký kết sẽ mở cửa thị trường và giảm thuế cho hàng xuất khẩu của ta.
Với những lợi thế có thể bổ sung cho nhau, quan hệ Israel và Việt Nam có nhiều tiềm năng để nâng cao hiệu quả hợp tác trong tương lai. Cần khẳng định lại cơ sở về cơ cấu kinh tế hai nước mang tính bổ trợ lẫn nhau một cách tích cực, hàng hóa không cạnh tranh trực tiếp mà bổ sung cho nhau giúp cả hai bên đều có thể thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh sang thị trường của nhau.
Kể từ tháng 9/2022, Israel đã "hạ chuẩn" bằng cách áp dụng các tiêu chuẩn Liên minh châu Âu (EU) về an toàn thực phẩm, loại bỏ hầu hết các qui định tiêu chuẩn riêng của Israel vốn khắt khe hơn tiêu chuẩn EU đối với hàng hóa tiêu dùng. Trong khi đó, từ năm 2020, hàng hóa của Việt Nam vào EU đã đáp ứng các tiêu chuẩn của khối theo hiệu lực của Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA). Vì vậy, hàng hóa của ta đã vào EU sẽ có nhiều thuận lợi tại Israel khi VIFTA có hiệu lực.
Như vậy, việc VIFTA chính thức được ký kết và có hiệu lực trong thời gian tới được kỳ vọng tạo ra những động lực mới thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư, du lịch và các lĩnh vực khác qua đó đưa quan hệ hợp tác song phương bước sang một giai đoạn mới với phạm vi và quy mô rộng lớn hơn cũng như hiệu quả hơn và cả thực chất hơn, đáp ứng kỳ vọng của lãnh đạo và nhân dân hai nước.
Trân trọng cảm ơn Đại sứ!
Đại sứ Lý Đức Trung và ông Eli Nacht, Phó Thị trưởng Asdod trồng cây tại thành phố Asdod của Israel, ngày 15/2, nhằm hướng tới kỷ niệm 30 năm quan hệ Việt Nam-Israel. (Nguồn: TTXVN) |
Nguyên Đại sứ Israel tại Việt Nam: Israel coi Việt Nam là một đối tác lớn Việt Nam và Israel thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức vào năm 1993. Trải qua 30 năm phát triển, quan hệ song phương đã đạt được nhiều thành tựu và ngày càng và đi vào chiều sâu. Chia sẻ về những thành tựu này với phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, nguyên Đại sứ Israel tại Việt Nam Amikam Levy cho rằng ngoài yếu tố tương đồng về lịch sử, hai quốc gia có điểm chung đó là đều có bộ máy lãnh đạo rất mạnh mẽ, có khát vọng và cam kết rõ ràng, vì quyền lợi của dân tộc và hạnh phúc của người dân. |
Đặt biển kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ Việt Nam - Israel Hội đồng thành phố kết hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Israel đã thực hiện đặt biển kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ chính thức giữa hai nước (12/7/1993-12/7/2023). |
Theo báo Thế giới và Việt Nam
https://baoquocte.vn/dai-su-ly-duc-trung-chuyen-tham-cua-pho-thu-tuong-tran-luu-quang-la-dau-moc-lon-trong-quan-he-viet-nam-israel-235399.html