Đại sứ Lào: Việt Nam sẽ góp phần bảo đảm tốt hơn quyền con người ở khu vực và quốc tế
Thưa Đại sứ, ngày 11/10/2022, Việt Nam đã trúng cử làm thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, Đại sứ đánh giá như thế nào về kết quả này?
- Tôi xin chúc mừng Việt Nam đã trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (HĐNQ LHQ) nhiệm kỳ 2023-2025. Sự kiện này không chỉ là tin vui với Việt Nam mà còn là tin vui, niềm tự hào cho cả khu vực Đông Nam Á.
Việc Việt Nam trúng cử HĐNQ khẳng định sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế với những chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người ở trong nước cũng như những đóng góp tích cực của Việt Nam cho khu vực và quốc tế như tại Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR) hay trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 vừa qua.
Việc Việt Nam liên tiếp trúng cử vào các cơ quan quan trọng của LHQ cho thấy vị thế và uy tín của các nước ASEAN đang gia tăng. Tiếng nói của Việt Nam cũng đại diện cho các nước đang phát triển không ngừng đóng góp và thể hiện vai trò tại các diễn đàn đa phương.
Đại sứ Lào tại Việt Nam Sengphet Houngboungnuang (Nguồn ảnh: Đại sứ quán Lào cung cấp). |
Để hoàn thành tốt vai trò của mình tại HĐNQ LHQ, theo Đại sứ, Việt Nam nên làm gì và tập trung vào những vấn đề nào?
- Bối cảnh hậu Covid-19, tình hình thế giới phức tạp, khó lường và các cuộc khủng hoảng lương thực, khủng hoảng năng lượng,… đan xen sẽ là những thách thức lớn đối với việc thúc đẩy quyền con người trong nhiệm kỳ thành viên HĐNQ LHQ của Việt Nam.
Tuy nhiên, tôi cho rằng Việt Nam có nhiều thuận lợi hơn thách thức. Trước hết, tiếng nói của một đất nước từng trải qua chiến tranh và giờ đây người dân được sống trong hoà bình, hạnh phúc sẽ rất có uy tín và Việt Nam có thể là nguồn cảm hứng, tấm gương để nhiều quốc gia học hỏi, nỗ lực phấn đấu thúc đẩy quyền con người.
Thứ hai, Việt Nam đã từng đảm nhiệm xuất sắc vai trò này nhiệm kỳ 2014-2016 nên hoàn toàn có nền tảng và cơ sở để tiếp tục phát huy kinh nghiệm, thành quả của mình trong nhiệm kỳ tới.
Thứ ba, Việt Nam vừa kết thúc nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ năm ngoái và có thể tiếp nối những cam kết, sáng kiến trong nhiệm kỳ thành viên HĐNQ nhằm thúc đẩy tinh thần nhân văn, nhân ái, tăng cường hành động nhân đạo; thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự Phát triển Bền vững; ứng phó với biến đổi khí hậu, quan tâm tới các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ và trẻ em,…
Thứ tư, tôi nhận thấy Việt Nam có một đội ngũ cán bộ ngoại giao đa phương làm việc trách nhiệm, giàu kinh nghiệm và cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành trong và ngoài nước rất nhịp nhàng và linh hoạt. Đây là điều mà Lào cũng đang phấn đấu hướng đến và cũng là lợi thế lớn của Việt Nam khi là thành viên ở cơ quan có vai trò quan trọng hàng đầu trong hệ thống LHQ trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.
Đại sứ kỳ vọng như thế nào về đóng góp của Việt Nam trong nhiệm kỳ lần này tại HĐNQ LHQ?
- Thông điệp mà Việt Nam mang đến HĐNQ nhiệm kỳ tới là “Tôn trọng và hiểu biết. Đối thoại và hợp tác. Tất cả các quyền con người - cho tất cả mọi người”. Với thông điệp toàn diện và bao trùm này, tôi tin rằng sẽ có nhiều góp tích cực của Việt Nam vào hoạt động của HĐNQ LHQ.
Đồng thời, tôi cũng mong muốn Việt Nam sẽ đóng vai trò kết nối cho những hợp tác thiết thực và hiệu quả hơn của AICHR với HĐNQ LHQ trong nhiệm kỳ tới, hướng sự quan tâm, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, giúp cho người dân khu vực Đông Nam Á được thụ hưởng các quyền con người, quyền công dân ngày càng tốt hơn.
Khu vực Đông Nam Á tập trung nhiều nước đang phát triển, sức chống chịu của các nền kinh tế trong khu vực đối với các cuộc khủng hoảng chưa cao và là khu vực chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu,… Những điều này tác động rất lớn đến việc bảo đảm quyền con người cho người dân trong khu vực. Tôi hy vọng Việt Nam có thể dẫn dắt khu vực vượt qua những thách thức, thúc đẩy các sáng kiến thiết thực và hiệu quả, mở ra nhiều cơ hội cho các nước đang phát triển đóng góp và nỗ lực chung bảo vệ quyền con người.
Xin Đại sứ chia sẻ những ấn tượng của mình về thành tựu nhân quyền của Việt Nam trong thời gian qua?
- Việc Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025 một lần nữa cho thấy sự ghi nhận của quốc tế đối với không chỉ những đóng góp của chúng ta trong thúc đẩy quyền con người trên toàn cầu, mà trước hết là sự ghi nhận đối với những nỗ lực của Việt Nam trong bảo đảm các quyền cơ bản của con người ở ngay trong nước.
Theo đánh giá của Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) về Phát triển con người toàn cầu 2021-2022, ngay cả trong giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch COVID-19, Việt Nam vẫn thực hiện tốt. Chỉ số phát triển con người tăng 2 bậc trong bảng xếp hạng toàn cầu, lên thứ 115 năm 2021.
Về chỉ số phát triển giới, Việt Nam đứng thứ 65 trong số 162 quốc gia, nằm trong nhóm cao nhất trong 5 nhóm trên thế giới. Đặc biệt, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội của Việt Nam nằm trong nhóm cao nhất toàn cầu. Với những thành tựu và kinh nghiệm thực tế có được sẽ là cơ sở để Việt Nam tiếp tục thể hiện trách nhiệm, góp phần thúc đẩy và bảo đảm quyền con người ở khu vực và quốc tế.
Với chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của con người. Điều này đã được quy định cụ thể trong Hiến pháp 2013 và nhiều văn bản pháp luật có liên quan. Những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực bảo đảm quyền con người thời gian qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Đặc biệt là trong tháng 3/2022 vừa qua, Việt Nam đã công bố báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị mà Việt Nam đã chấp nhận theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người, gọi tắt là UPR chu kỳ III, thể hiện trách nhiệm quốc gia thành viên, sự minh bạch và nghiêm túc của Việt Nam đối với cơ chế UPR nói riêng và trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về bảo đảm quyền con người nói chung.
Xin cảm ơn Đại sứ!
Hải Doan (thực hiện)
Lễ hội Văn hóa Việt Nam và gặp gỡ lao động Việt Nam tại khu vực Jeonnam - Gwangju (Hàn Quốc) Theo phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc, Lễ hội văn hóa Việt Nam lần thứ 6 kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Hàn và Gặp gỡ lao động Việt Nam đã được tổ chức trang trọng tại khuôn viên trường đại học Chosun, ở thành phố Gwangju, với sự bảo trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. |
Tham dự Hội nghị Thượng đỉnh CICA lần thứ 6, Việt Nam đóng góp tích cực, chủ động vào hòa bình, an ninh và thịnh vượng của khu vực Nhân Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân dự Hội nghị Thượng đỉnh CICA lần thứ 6 ở Kazakhstan, Đại sứ Phạm Thái Như Mai trả lời phỏng vấn báo chí. |