Việt Nam đảm nhiệm tốt các trọng trách quốc tế
Theo học giả Uch Leang, năm 2008, lần đầu Việt Nam đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực HÐBA LHQ nhiệm kỳ 2008-2009 và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quan trọng của LHQ về gìn giữ hòa bình, an ninh quốc tế. Năm 2020, Việt Nam tiếp tục được bầu là Ủy viên không thường trực HÐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu cao kỷ lục (192/193 phiếu ủng hộ). Từ ngày 13/9/2022, Việt Nam trở thành một trong những Phó Chủ tịch Ðại hội đồng LHQ khóa 77 đại diện cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương và đảm nhiệm vị trí này trong vòng một năm.
"Trong hai nhiệm kỳ, Việt Nam đã chủ động và tích cực tham gia đóng góp vào công việc chung của HÐBA trên tinh thần trách nhiệm và cân bằng, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; kiên trì lập trường nhất quán tuân thủ Hiến chương LHQ và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Việt Nam đã thể hiện năng lực, phát huy vai trò dẫn dắt, đề xuất nhiều sáng kiến có giá trị, như thành lập Nhóm bạn bè Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 và Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh (27/12)", ông Uch Leang đánh giá.
Theo nhà nghiên cứu Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia, trong chuyến thăm Việt Nam mới đây, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres (A.Gu-tê-rét) đánh giá cao vai trò và tiếng nói của Việt Nam trên trường quốc tế; khẳng định hoàn toàn ủng hộ những trụ cột chính trong đường lối phát triển đất nước của Việt Nam. Tổng Thư ký cho rằng, Việt Nam đang đứng trước cơ hội trở thành nơi tiên phong cho những giá trị mới để có thể gìn giữ một tương lai an toàn trước tác động của biến đổi khí hậu, không bỏ lại ai ở phía sau.
Học giả Uch Leang cũng nhấn mạnh, việc Việt Nam lần thứ hai trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ cho thấy, những cam kết và nỗ lực mạnh mẽ của Việt Nam về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, tin tưởng và đánh giá cao. Với trọng trách mới tại Hội đồng Nhân quyền LHQ, Việt Nam sẽ có tiếng nói mạnh mẽ hơn đối với các vấn đề trọng tâm của LHQ và cộng đồng quốc tế, như thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu, di cư, bảo vệ và thúc đẩy quyền của phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người thiểu số và các vấn đề nhân đạo.
Việc Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025 cũng là lời khẳng định mạnh mẽ, đập tan các luận điệu xuyên tạc, cố tình phủ nhận thành quả của Việt Nam trong vấn đề nhân quyền từ trước đến nay. "Sự kiện này đã ghi thêm một dấu ấn, một thắng lợi mới trên lĩnh vực ngoại giao, đồng thời cũng khẳng định uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, cho thấy tư duy chiến lược cũng như tính hiệu quả của đường lối đối ngoại của Ðảng và Nhà nước Việt Nam thời gian qua", ông Uch Leang khẳng định.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, nhà nghiên cứu đất nước Chùa Tháp cho rằng, Việt Nam hoàn toàn xứng đáng và có thể làm tốt bất cứ vai trò quốc tế quan trọng nào. Kể từ khi chính thức trở thành thành viên LHQ vào năm 1977 đến nay, Việt Nam đã đóng góp hiệu quả vào hoạt động của LHQ trong xây dựng hoà bình, phát triển và bảo đảm quyền con người.
Theo ông Uch Leang, không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam được các nước ASEAN tín cử là đại diện của Hiệp hội tham gia ứng cử Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025. Cộng đồng quốc tế, trong đó có Campuchia, tin tưởng Việt Nam sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ tại Hội đồng Nhân quyền LHQ, chung tay cùng cộng đồng quốc tế xây dựng một thế giới hòa bình, bảo đảm quyền con người ở mọi quốc gia.
Việt Nam và Indonesia có thể hợp tác để trở thành các đầu tàu kinh tế trong khu vực Trước thềm chuyến thăm cấp nhà nước từ ngày 21 - 23/12 tới Indonesia của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, phóng viên TTXVN tại Jakarta đã có cuộc trao đổi với ông Budiarsa Sastrawinata, Chủ tịch Hội Hữu nghị Indonesia - Việt Nam (IVFA), người cũng được biết đến nhiều với tư cách là Giám đốc điều hành Tập đoàn Ciputra. |
Ngày Quốc tế Phòng chống dịch bệnh 27/12: 5 nhiệm vụ ưu tiên cho ngành y tế các nước năm 2023 Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định, đại dịch COVID-19 cũng như dịch bệnh đậu mùa khỉ toàn cầu đang trên đà suy yếu và tại Uganda đã không ghi nhận ca mắc mới bệnh Ebola nào trong thời gian qua. Do vậy, WHO hy vọng có thể tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp đối với các dịch bệnh trên vào những thời điểm khác nhau trong năm 2023. |