Đại sứ Hoa Kỳ tìm hiểu về di sản chiến tranh tại Việt Nam
Bác sĩ Đặng Thùy Trâm sinh ra trong gia đình tri thức ở Huế, lớn lên tại Hà Nội. Tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, năm 1966 bác sĩ trẻ xung phong vào chiến trường B, sau đó công tác tại bệnh viện huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, một bệnh xá dân sự nhưng chủ yếu điều trị cho các thương bệnh binh.
Ngày 22/6/1970, trong một chuyến công tác từ vùng núi Ba Tơ về đồng bằng, bác sĩ Đặng Thùy Trâm bị địch phục kích và hy sinh khi chưa đầy 28 tuổi.
Hồ sơ đi B của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. (Ảnh: Báo VietNamNet) |
Đại sứ Hoa Kỳ và đoàn cũng được giới thiệu về nội dung các bảo vật quốc gia tại Trung tâm và tham quan khu vực Triển lãm “Hội nghị Paris - Cuộc đàm phán lịch sử”, Triển lãm “Kỷ vật thời Thanh xuân”; khu vực Trung bày Bảo vật quốc gia “Phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam của Họa sĩ Bùi Trang Chước”.
Ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, bày tỏ mong muốn Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam và trường Harvard Kennedy tăng cường hợp tác trong việc công bố, giới thiệu tài liệu lưu trữ đến với công chúng Việt Nam, Hoa Kỳ và thế giới về quan hệ giữa hai nước cũng như lịch sử, văn hóa của hai dân tộc.
Ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước tặng bộ sưu tập chữ ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho Đại sứ Marc E. Knapper. (Ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III) |
Đại sứ Marc E. Knapper bày tỏ sự vui mừng khi đến thăm, tìm hiểu tài liệu tại các cơ quan lưu trữ quốc gia của Việt Nam và hy vọng các bên sẽ đẩy mạnh những hoạt động trong thời gian tới. Năm 2025 kỷ niệm 30 năm bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, 50 năm chấm dứt chiến tranh Việt Nam và 80 năm thành lập nước Việt Nam và đánh dấu mốc 80 năm quan hệ đặc biệt giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với Hoa Kỳ. Theo Đại sứ Marc E. Knapper, đây không chỉ là dịp để nhìn lại quá khứ mà còn là thời điểm để hướng tới tương lai. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gìn giữ các giá trị lịch sử, học hỏi từ quá khứ để xây dựng tương lai tốt đẹp hơn.
Các đại biểu tham quan khu trưng bày Bảo vật quốc gia "Phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam". (Ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III) |
Giáo sư Anthony Saich, Đại học Harvard Kennedy cùng các thành viên đã chia sẻ thông tin về hoạt động tìm kiếm và trao trả kỷ vật thuộc Dự án “Di sản chiến tranh Việt Nam chưa được khám phá”, đặc biệt là việc cung cấp các kỷ vật chiến tranh cho Ban Chỉ đạo Quốc gia 515 phối hợp với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, Cục Đối ngoại (Bộ Quốc phòng) để trao trả cho các cựu chiến binh và gia đình vào ngày 09/12/2024. Những hoạt động này hướng đến việc khắc phục hậu quả chiến tranh, đặc biệt tập trung vào công tác tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ Việt Nam, đồng thời góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trên tinh thần "gác lại quá khứ, hướng tới tương lai".
Các bên cũng trao đổi về khả năng hợp tác trong việc phát huy khối tài liệu về khối hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B như đồng tổ chức trưng bày và trao trả kỷ vật trong thời gian tới.