Đại lễ Vesak LHQ 2019 thu hút 1.500 đại biểu quốc tế tham dự
Dẫn thông tin từ Giáo hội Phật giáo Việt Nam về nội dung chương trình tổ chức Đại lễ Vesak Liên hợp quốc năm 2019, Cổng TTĐT tỉnh Hà Nam cho biết Đại lễ diễn ra từ ngày 12-14/5.
Chùa Tam Chúc, nơi diễn ra Đại lễ Vesak 2019. Ảnh: Internet |
Trong khuôn khổ Đại lễ còn có các hoạt động như: Các nghi lễ Phật giáo, thả hoa đăng, triển lãm, các chương trình nghệ thuật, tham quan…Ngoài chương trình khai mạc, bế mạc, Đại lễ sẽ có 5 hội thảo quốc tế với các chủ đề: “Sự lãnh đạo có chánh niệm vì hòa bình bền vững”; “Cách tiếp cận của Phật giáo về gia đình hòa hợp, chăm sóc sức khỏe và xã hội bền vững”; “Cách tiếp cận của Phật giáo về giáo dục và đạo đức toàn cầu”; “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và giáo dục Phật giáo”; “Cách tiếp cận của Phật giáo về tiêu thụ có trách nhiệm và phát triển bền vững” và một phiên hội thảo trong nước.
Về thành phần tham dự, đại biểu trong nước có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương liên quan cùng tăng ni, tín đồ, Phật tử tiêu biểu với số lượng khoảng 1.500 người…
Đại biểu quốc tế tham dự Đại lễ gồm có 1.500 đại biểu đến từ 106 quốc gia, vùng lãnh thổ và 1 tổ chức quốc tế là Liên hợp quốc. Ngoài ra, còn có đại biểu Đại sứ quán một số nước và tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Đại biểu là chính khách, lãnh đạo quốc gia do Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề xuất mời là 13 vị, gồm: Thái hậu Bhutan, Thủ tướng Bhutan, Quốc vương Campuchia, Cục trưởng Tôn giáo Trung Quốc, Phó Tổng thống Ấn Độ, Tổng thống Sri Lanka, Bộ trưởng Bộ Phật giáo Sri Lanka, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thái Lan, Công chúa Thái Lan, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, Tổng Giám đốc UNESCO, Thủ tướng Nepal và Thư ký điều hành Ủy ban Kinh tế xã hội châu Á-Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (UNESCAP).
Đại biểu là người đứng đầu Phật giáo do Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề xuất mời là 15 đại biểu đến từ Sri Lanka, Bhutan, Campuchia, Myanmar, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Lào, Nepal và Thái Lan.
Điện Tam thế đã cơ bản hoàn thành. Nguồn: Mai An |
Trong những ngày này, tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc (Hà Nam), nơi sẽ diễn ra Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2019 công tác chuẩn bị đang bước vào giai đoạn nước rút. Chia sẻ với phóng viên, Thượng tọa Thích Minh Quang, đại diện chùa Tam Chúc, thành viên Ban tổ chức Đại lễ Vesak 2019 cho biết, công nhân làm việc liên tục 3 ca để hoàn thành các hạng mục chính phục vụ cho đại lễ.
Thượng tọa mong muốn việc hoàn thiện và đưa vào vận hành các công trình chính phục vụ cho Đại lễ như Điện Tam thế, Điện Pháp chủ, Điện Quan Âm, chùa Ngọc, Thủy đình, hội trường, cổng tam quan… trong khu du lịch Tam Chúc tạo nên một cảnh quan xanh, sạch đẹp sẽ tạo ấn tượng tốt cho các đại biểu khi tham dự Đại lễ Vesak 2019.
Nguồn kinh phí chính cho công tác chuẩn bị và tổ chức Đại lễ do Giáo hội Phật giáo Việt Nam động và thực hiện xã hội hóa.
Theo kế hoạch, Đại lễ Vesak Liên hợp quốc năm 2019 diễn ra tại chùa Tam Chúc, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam với chủ đề: “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”.
Đại lễ Vesak hay còn gọi là lễ Tam hợp (ngày Đản sinh, Thành đạo và nhập Niết-bàn của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni) đã được tổ chức ở nhiều nước có Phật giáo theo truyền thống Nam truyền, như Nepal, Sri Lanka, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia...
Sự kiện trọng đại này được cộng đồng Phật giáo thế giới xem là cơ hội quý báu để truyền bá thông điệp từ bi, trí tuệ, hòa bình, bất bạo động của Đức Phật trên khắp thế giới.
Đây là lần thứ 3 Đại lễ Vesak Liên hợp quốc được tổ chức tại Việt Nam. Trước đó vào năm 2008 Đại lễ Vesak được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội và năm 2014, Đại lễ Vesak được tổ chức tại chùa Bái Đính, Ninh Bình.
Hai lần đăng cai và tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn bè thế giới về hình ảnh đất nước, con người, văn hóa và đời sống tôn giáo ở Việt Nam./.
Xem thêm
Những vị "sư hổ mang" làm ô danh Phật giáo Đã xảy ra nhiều vụ bê bối của không ít các sư thầy trên thế giới làm ô danh Phật giáo... |
Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Quảng Ninh nói gì về việc "thỉnh vong", "giải oán" ở chùa Ba Vàng? Giáo hội Phật giáo Việt Nam và tỉnh Quảng Ninh đã lên tiếng về vụ việc "thỉnh vong", "giải oán" ở chùa Ba Vàng. |
Khai mạc tháng Văn hóa Phật giáo Việt Nam tại Hungary Lần đầu tiên, một hoạt động văn hóa Phật giáo đã được cộng đồng người Việt tại Hungary phối hợp với một cơ sở giáo ... |