Đặc sắc Tết té nước của dân tộc Lào tại tỉnh Điện Biên
Tết té nước là lễ hội truyền thống, là dịp để mọi người trong bản làng gặp gỡ, quy tụ sau khoảng thời gian tất bật với công việc. (Ảnh: Báo Điện Biên Phủ) |
Tết té nước là dịp lễ quan trọng nhất trong văn hóa của dân tộc Lào. Cộng đồng dân tộc Lào quan niệm té nước vào nhau để chúc phúc, cầu mong mưa thuận gió hòa, cầu cho một năm mới ấm no, hạnh phúc.
Lễ hội với hai phần chính là lễ và hội. Trong phần lễ, bao gồm nhiều hoạt động tín ngưỡng, tâm linh, như lễ cúng bản, cúng tổ tiên và các vị thần, kết thúc lễ mời, thầy mo vừa cầu khẩn, vừa vẩy nước thơm và buộc chỉ cổ tay cho mọi người để cầu may, nhận phước với mong muốn một năm bình an, khỏe mạnh, không ốm đau, bệnh tật, vạn vật sinh sôi nảy nở, mùa màng bội thu.
Trước khi bắt đầu lễ hội là các tiết mục múa, hát, chơi các nhạc cụ truyền thống của đồng bào dân tộc Lào tại Na Sang. (Ảnh: Báo Điện Biên Phủ) |
Sau khi buộc chỉ, mọi người cùng nhau chơi các trò chơi dân gian truyền thống, gắn liền với các hoạt động sinh hoạt, sản xuất được hun đúc từ lâu đời như: Chơi tấu phắc sá (rùa ấp trứng), ngù kin khiết (rắn bắt ngóe)… Sau đó, thầy mo sẽ dẫn đầu đoàn tế lễ, mang lễ vật đi các nhà trong bản để xin nước.
Khi xin nước, đoàn người dẫn đầu là thầy mo sẽ đứng dưới nhà, đọc bài khấn; chủ nhà sẽ thay mặt, xin với thần linh cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu tươi tốt, con người không ốm đau, bệnh tật. Khi đã đi hết các nhà trong bản, đoàn xin nước sẽ mang lễ vật ra suối xếp ra mâm, thầy mo sẽ mời thần trời, thần đất, thần suối về ăn tết, chứng giám cho người dân trong bản.
Kết thúc phần văn nghệ khai mạc sẽ là phần nghi thức cúng lễ do các nghệ nhân, diễn viên quần chúng dân tộc Lào tại Na Sang thực hiện. (Ảnh: Báo Điện Biên Phủ) |
Đến từng nhà “xin nước” trong Tết té nước của dân tộc Lào. (Ảnh: Báo Nhân dân) |
Buộc chỉ cổ tay cầu may cho mọi người. (Ảnh: Báo Nhân dân) |
Phần hội được diễn ra ngay sau phần lễ, mọi người cùng nhau xuống suối, té nước để cầu chúc may mắn. Khi té nước, dân tộc Lào không chỉ té vào người mà còn té nước vào nhà cửa, vật nuôi, các công cụ sản xuất… Bởi họ tin rằng nước sẽ gột rửa, xua đuổi đi sự xấu xa, bệnh tật… Trong không khí vui vẻ, tưng bừng, người dân vừa chơi vừa ăn uống, nâng chén, chúc tụng nhau những điều tốt đẹp nhất.
Bà con người Lào bản Na Sang 1 chung vui tết té nước. (Ảnh: Báo Nhân dân) |
Qua đó, lễ hội đã phản ánh sâu sắc sự gắn bó mật thiết giữa đời sống, sinh hoạt hàng ngày với tập tục, tín ngưỡng văn hóa trong cộng đồng dân tộc Lào, đây vừa là dịp thể hiện sự biết ơn, thành kính với tổ tiên, thần linh còn là dịp xây dựng, phát triển sự gắn bó, đoàn kết giữa các thành viên trong cộng đồng dân tộc.
Được biết, Tết té nước của đồng bào dân tộc Lào ở Điện Biên đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia ngày 11/9/2017.
Độc đáo Lễ cúng bản của cộng đồng dân tộc Lào ở Điện Biên Lễ cúng bản (Căm bản) diễn ra vào dịp đầu năm theo lịch của cộng đồng dân tộc Lào có ý nghĩa tưởng nhớ tổ tiên, cầu mong những điều may mắn, tốt đẹp cho bản làng. |
Chúc Tết, tặng quà và khám bệnh cho người dân biên giới Lào, Campuchia Nhân dịp Tết cổ truyền Bunpimay của nhân dân các bộ tộc Lào, Campuchia, bộ chỉ huy quân sự nhiều tỉnh, thành cả nước đã tổ chức thăm, chúc Tết, tặng quà và khám bệnh, cấp thuốc cho người dân hai nước. |