Độc đáo Lễ cúng bản của cộng đồng dân tộc Lào ở Điện Biên
Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc Cà Mau - nét đẹp văn hóa của ngư dân miền biển Ngày 6/3 (ngày 15/2 âm lịch), tại thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) đã diễn ra lễ hội Nghinh Ông. |
Bánh Kà tum - Nét ẩm thực độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer Kà tum là loại bánh nếp lâu đời và đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer An Giang. Bánh Kà tum mang ý nghĩa của sự đủ đầy, sung túc. Không chỉ ấn tượng bởi hình thức độc đáo của vỏ bánh bên ngoài, mà từ cách gói, cách ăn bánh Kà tum cũng rất cầu kỳ và thú vị. |
Không gian diễn ra Lễ cúng bản của cộng đồng dân tộc Lào diễn ra dưới tán cây to nhiều năm tuổi, được cộng đồng cho là cây thiêng, giữ hồn bản, hồn mường. (Ảnh: TTXVN phát) |
Dân tộc Lào là một trong 19 dân tộc trên địa bàn tỉnh Điện Biên, sinh sống tập trung ở 23 bản thuộc 9 xã của hai huyện Điện Biên và Điện Biên Đông. Tại xã Mường Nhà (huyện Điện Biên), dân tộc Lào sinh sống tập trung tại ba bản Na Khoang, Na Hôm và Trung Tâm.
Sau quá trình định cư, lập bản, người Lào ở đây đã xây dựng, gìn giữ, bảo tồn được một nền văn hóa rất phong phú, đa dạng với những nét văn hóa rất riêng, thể hiện qua phong tục, tập quán, các nghi lễ truyền thống, như Lễ cúng bản, Lễ chọn đất làm nhà mới, Lễ mừng cơm mới, Lễ cầu mưa…
Trong đó, Lễ cúng bản (Căm bản) diễn ra vào dịp đầu năm (theo lịch của cộng đồng dân tộc Lào) có ý nghĩa tưởng nhớ tổ tiên, cầu mong những điều may mắn, tốt đẹp cho bản làng.
Lễ cúng bản còn phản ánh thái độ, văn hóa ứng xử và sự gắn bó mật thiết, mối quan hệ ràng buộc, hỗ trợ, hòa hợp của cộng người Lào với môi trường thiên nhiên.
Cầu mong điều may mắn, tốt đẹp
Trước dịp diễn ra Lễ cúng bản, trưởng bản sẽ thông báo, họp bàn cùng dân bản để mọi người thu xếp thời gian, công việc trong gia đình, chuẩn bị đồ lễ, huy động người dân tham gia dọn dẹp vệ sinh làng bản, khu vực rừng thiêng, miếu thờ - nơi tổ chức lễ cúng bản.
Ngày tổ chức cúng bản, thầy mo cùng những người giúp việc sẽ đem đồ lễ ra nơi cúng bản để sắp đặt thành nhiều mâm cúng. Mỗi mâm có những sải vải trắng, vải kẻ và các thứ vòng tay, vòng cổ, bầu nước, rượu cần, trầu cau, các loại hoa, quả, sắp ong, bó thóc… Đến giờ tốt, ngày lành, thầy mo (thầy cúng) cùng đại diện là đàn ông của các gia đình trong bản rước lễ vật đến nơi thờ, cúng tại khu vực rừng thiêng và miếu thờ chung của cả bản. Đoàn rước vừa đi vừa đánh trống, chiêng. Đến miếu thờ chung của bản ở vị trí dưới tán cây to, cây thiêng - nơi giữ hồn bản, hồn mường, thầy cúng và mọi người bắt tay chuẩn bị mổ bò hoặc mổ lợn, làm những con vật hiến sinh để chế biến đồ chín bày lên mâm cúng.
Trong nhiều mâm cúng được bày biện, sắp đặt, có 3 mâm chính để cúng tổ tiên, thần linh… Khi các mâm lễ được chuẩn bị đầy đủ, thầy mo tiến hành châm lửa thắp nến sáp ong và tiến hành lễ thức, mời các vị thần, tổ tiên về dự lễ.
Nghi lễ cúng xong, dưới bóng mát của tán cây rừng thiêng, đại diện các hộ gia đình cùng hạ đồ lễ, quây quần bên nhau thụ lộc vui vẻ và chúc cho nhau sức khỏe, sự may mắn trong làm ăn, kinh tế, hứa nguyện sẽ xây dựng bản làng no ấm, tình nghĩa bản làng càng thân thiết, bền chặt, đoàn kết. Sau lễ cúng bản ở rừng thiêng, mọi người trở về bản để nghỉ ngơi, thăm thân, chúc phúc cho nhau và cùng tổ chức các trò chơi truyền thống, ca hát, vui múa.
Lễ cúng bản của người Lào sẽ diễn ra trong 5 ngày hoặc 4 ngày tùy theo năm đó bản làng mổ bò hay mổ lợn để làm lễ cúng. Trong những ngày diễn ra lễ cúng bản, mọi người, mọi nhà đều kiêng việc dệt vải, không mang vác cây xanh vào bản, không gánh nước mà chỉ xách nước bằng tay. Người Lào quan niệm làm như vậy, bản làng sẽ gặp may mắn, mùa màng sẽ bội thu, chăn nuôi thuận lợi.
Trong những ngày cúng bản, nhà “chủ áo” (người uy tín, đứng đầu bản mường) luôn chuẩn bị sẵn những chum rượu cần để làm lý mời các vị thần cai quản bản mường chung vui cùng dân bản. Sau lý mời rượu, già làng và thầy cúng sẽ nâng chén khai tiệc, chúc cho muôn dân trong bản khỏe mạnh, hạnh phúc.
Trưa cuối cùng của dịp Lễ cúng bản, tại nhà người đứng đầu bản mường, dân bản làm mâm lễ “tụ hồn” cho gia chủ và thầy cúng. Tại đây, đại diện các hộ gia đình sẽ làm lý, thực hiện lễ thức buộc chỉ cổ tay cho chủ nhà, thầy cúng kèm những lời chúc sức khỏe. Những người dân trong bản đã có con dâu, con rể sẽ được người đứng đầu bản mường và thầy mo cho làm lễ đổi tên. Từ đây họ không còn mang tên bố mẹ đặt mà sẽ dùng bằng tên do bản mường ban cho.
Đến chiều, dân bản sẽ cùng nhau dự bữa cơm liên hoan cộng đồng trong không khí đông vui, đầm ấm. Tại đây, mọi người trong bản cùng chúc nhau vui vẻ rồi hòa mình vào điệu múa truyền thống nhẹ nhàng, uyển chuyển nhưng có tính cố kết cộng đồng cao.
Bảo tồn những sắc thái riêng vốn có
Theo tài liệu nghiên cứu của Bảo tàng tỉnh Điện Biên còn lưu trữ, khoảng những năm 1900 có một đoàn người từ bản Na Há, xã Mường Lói (nay thuộc xã Phu Luông, huyện Điện Biên) đến thành lập bản Na Khoang (xã Mường Nhà, huyện Điện Biên). Sau một thời gian do đất rộng, người thưa, lại xảy ra biến cố dịch bệnh nên người dân trong bản Na Khoang đã chia đi các nơi khác.
Người dân sắp xếp, bày biện lễ vật trên các mâm cúng trong Lễ cúng bản của dân tộc Lào. (Ảnh: TTXVN phát) |
Đến năm 1914, năm hộ dân sinh sống ở bản Xẻ, xã Mường Lói (xã Phu Luông) chuyển xuống, trong đó có 3 hộ người dân tộc Thái - những “hạt nhân” tiên phong đứng ra thành lập bản Na Phay (xã Mường Nhà), còn hai hộ người Lào tiếp tục vận động người Lào ở bản Na Há, bản Xẻ (xã Phu Luông) và một số hộ dân thân quen, anh em họ hàng bên nước Lào về (tổng cộng được gần 50 hộ) thành lập nên bản Na Khoang.
Năm 2008, do sự phát triển của số lượng hộ dân trong bản, bản Na Khoang lại chia tách, thành lập thêm hai bản là Na Hôm và Trung Tâm như ngày nay. Thời điểm năm 2015, người dân tộc Lào trên địa bàn tỉnh Điện Biên có gần 1.100 hộ với hơn 5.000 nhân khẩu.
Ông Lò Văn Biển, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Mường Nhà cho biết: “Na Khoang” theo nghĩa bản địa của cộng đồng dân tộc Lào là “ruộng được khai phá từ rừng trúc”. Nhiều năm qua, bản văn hóa Na Khoang đã xây dựng và duy trì, thực hiện được những quy ước, hương ước, những chuẩn mực trong hành vi ứng xử, đạo đức, lối sống của các thành viên trong cộng đồng, thể hiện tính cộng đồng rất cao. Những thiết chế bản làng tại bản Na Khoang nói riêng và các tiểu vùng văn hóa của cộng đồng dân tộc Lào nói chung đang hoạt động rất hiệu quả. Nhờ đó, người dân tộc Lào tại các bản sống rất đoàn kết, hòa thuận, sẵn sàng giúp đỡ nhau trong cuộc sống hằng ngày.
Lễ cúng bản là một nghi lễ truyền thống, chứa đựng những nét văn hóa độc đáo, đặc sắc về sinh hoạt tín ngưỡng, tập quán sản xuất và thái độ ứng xử với tự nhiên, thiên nhiên của người Lào. Do quá trình cộng cư giữa các dân tộc, một số phong tục, tập quán, văn hóa của các cộng đồng dân tộc trên địa bàn có sự tác động, giao thoa, ảnh hưởng với nhau không nhỏ. Tuy nhiên, Lễ cúng bản của người Lào vẫn được duy trì, bảo tồn và giữ được những sắc thái riêng vốn có.
Cũng theo ông Lò Văn Biển, định hướng lâu dài, địa phương sẽ đẩy mạnh công tác kiểm kê, phục dựng, bảo tồn, phát huy các lễ hội, phong tục truyền thống của các dân tộc trên địa bàn. Đồng thời, địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng, phòng ban chuyên môn để hoàn tất hồ sơ xét duyệt, trình cấp có thẩm quyền để sớm đưa Lễ cúng bản và các phong tục, nghi lễ khác đủ điều kiện vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể của tỉnh và cao hơn./.
Độc đáo bánh khẩu xén của đồng bào Thái trắng - Điện Biên Thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên nằm trên lòng hồ thủy điện Sơn La với hầu hết là đồng bào dân tộc Thái ngành Thái trắng sinh sống. |
Phong tục tết đặc sắc của một số dân tộc ở Lào Cai Ngày nay, đời sống đồng bào các dân tộc đã khấm khá, nên văn hóa, nếp sống đang phục hồi và phát huy, biểu hiện đậm đặc vào dịp tết Nguyên đán. |