Đặc sắc nón lá làng Chuông
Chiếc nón lá là biểu tượng mộc mạc của văn hóa Việt. Ảnh: VGP/Thùy Linh. |
Nghệ nhân Tạ Thu Hương (52 tuổi) kể: Để làm ra một chiếc nón phải qua 10 công đoạn: vò lá, phơi nắng, phơi sương, là lá, rẽ lá, bứt vòng, quay mo, khâu nón, lồng nhôi, nứt cạp và được lợp ba lớp lá. Để có chiếc nón hoàn chỉnh, người làm nón phải cẩn thận trong từng công đoạn, kiên nhẫn và khéo léo với từng đường kim, mũi chỉ.
Cụ thể về các công đoạn làm nón, bà Phạm Thị Nụ (70 tuổi) nói: "Đầu tiên là chọn lá. Lá lụi được đem về vò trong cát rồi phơi nắng cho đến khi màu xanh của lá chuyển sang màu trắng bạc. Sau đó lá được lót dưới nắm giẻ, dùng lưỡi cày miết nhanh sao cho lá phẳng mà không giòn, không rách. Vòng nón làm bằng cật tre, nứa vót nhỏ và đều khi nối bắt buộc phải tròn và không chắp, không gợn. Nón làng Chuông có 16 lớp vòng giúp nón có độ bền chắc nhưng vẫn mềm mại. Tiếp theo, người thợ xếp từng lá vào vòng nón, một lớp mo tre và một lớp lá nữa rồi khâu. Khâu là một công đoạn đòi hỏi sự khéo lẽo của người thợ bởi không khéo là rách lá ngay".
Cái tài của người thợ làng Chuông là các múi nối sợi móc khi khâu được dấu kín và khi nhìn vào chiếc nón chỉ thấy đều tăm tắp những mũi khâu… Khi chiếc nón được khâu xong, người thợ hơ bằng hơi diêm sinh để cho màu nón trở nên trắng muốt và giúp nón không mốc.
Những chiếc nón cầu kì hơn sẽ được trang trí vào lòng nón những họa tiết hoa lá bằng giấy sắc màu hoặc chỉ khâu nhiều vòng giăng mắc ở hai điểm đối diện để buộc quai nón…
May nón là một trong những công đoạn quan trọng nhất. |
Theo các nghệ nhân trong làng, xưa kia, làng Chuông sản xuất nhiều loại nón, dùng cho nhiều tầng lớp như nón ba tầm cho các cô gái, nón nhô, nón long, nón dấu, nón chóp cho các chàng trai và những người đàn ông sang trọng.
Trong thời kỳ phát triển, làng Chuông là nơi cung cấp nhiều loại nón truyền thống như nón quai thao, nón lá già ghép sống. Trong đó, quai thao sử dụng để người già đội đi chùa chiền. Còn nón lá già ghép sống phục vụ những người phụ nữ làm công việc đồng áng bởi loại nón này rất chắc chắn nên có thể dãi dầu mưa nắng cùng người trên đồng với rất nhiều công dụng khác nhau.
Trải qua thăng trầm thời gian, nghề làm nón không còn hưng thịnh như xưa, người dân làng Chuông vẫn miệt mài khâu từng chiếc nón, người già truyền lại cho lớp trẻ, người lớn dạy cho trẻ nhỏ, cứ thế mà nghề nối nghề, họ vững tin và âm thầm gìn giữ mãi chiếc nón lá vừa là truyền thống, vừa là nét văn hóa không thể để biến mất.
Đình làng Việt: Giữ hồn quê xưa Câu lạc bộ Đình làng Việt là cộng đồng trên mạng xã hội Facebook được lập ra để thu hút những người yêu di sản nói chung và đình làng nói riêng. |
Khoai chà - một góc hồn quê Khi cái nắng rát đổ xuống từng con đường quê giữa trưa, trên những cánh đồng khô khốc trơ gốc rạ, bỗng miên man nhớ ký ức phơi khoai chà cùng ba mẹ. Nỗi nhớ ấy mãnh liệt hơn khi trên đường trưa bất chợt thấy những nong khoai chà phơi dưới nắng. Có khi từ "khoai chà” đã trở nên rất lạ lẫm với trẻ em thành thị. |