Đình làng Việt: Giữ hồn quê xưa
Khám phá nét đẹp của đình làng
“Mục tiêu ban đầu nhằm chia sẻ thông tin, những kiến thức về đình làng (kiến trúc, chạm khắc trang trí và kiến thức về lịch sử văn hóa xung quanh ngôi đình làng của người Việt). Sau một thời gian hoạt động, Đình làng Việt nhanh chóng được cộng đồng mạng hưởng ứng. Hình ảnh đẹp, cùng với thông tin về nhiều ngôi đình cổ trong cả nước được thành viên từ các địa phương chia sẻ. Nhiều bài viết, cuốn sách quý về đình làng cũng được mọi người đưa lên. Vì vậy, số lượng người tham gia làm thành viên của Đình làng Việt tăng lên nhanh chóng”, sáng lập viên Nguyễn Đức Bình chia sẻ.
Nhóm Đình làng Việt mong muốn chung tay giữ gìn những nét văn hóa xa gắn với mái đình ở làng quê
Anh Nguyễn Đức Bình là nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ, hiện đang công tác tại Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).
Để cộng đồng Facebook Đình làng Việt không còn mang tính chất "ảo", anh Nguyễn Đức Bình đề xuất thực hiện các chuyến đi điền dã đình làng.
Đầu tháng 11/2014, Đình làng Việt tổ chức chuyến điền dã đầu tiên cho các thành viên. “Chúng tôi chọn cụm đình ở Ba Vì làm điểm đến mở màn cho chuỗi điền dã. Tới đình Tây Đằng, các thành viên được dịp tận mắt hình dung ra ngôi đình có từ thế kỷ XVI với quy mô nhỏ, chạm khắc trang trí hết sức tinh tế và độc đáo. Sau đó, đoàn di chuyển sang đình Chu Quyến, Đông Viên, Cam Đà để thấy được sự biến chuyển và đỉnh cao của kiến trúc đình làng của người Việt… Sau chuyến điền dã lần thứ nhất, các thành viên rất hào hứng và mong muốn thực hiện những chuyến đi tiếp theo”, anh Nguyễn Đức Bình nói.
Thành viên tham gia Đình làng Việt gồm các thành phần khác nhau như họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư, người làm công tác quản lý di sản, Hán Nôm, du lịch, nhà văn, nhà báo, công nghệ thông tin, bác sĩ, nghiên cứu lịch sử, khảo cổ… Chính vì nhiều thành phần như vậy mà sự chia sẻ thông tin trong nhóm cũng hết sức nhanh chóng và phong phú. Nhiều ngôi đình đẹp, có giá trị lịch sử được các thành viên trong nhóm phát hiện và nhanh chóng chia sẻ. Những vấn đề về đoán định phong cách, niên đại, giải nghĩa chữ Hán… cũng được mọi người cùng nhau bàn luận; từ đó, càng làm tăng thêm tình yêu với di sản của cộng đồng.
Trong các chuyến điền dã, ngoài thăm quan di tích, cộng đồng còn được những nhà nghiên cứu mỹ thuật, di sản như: Trần Hậu Yên Thế, Nguyễn Đức Bình... thuyết trình về vẻ đẹp của di sản ông cha. Những buổi diễn xướng dân gian ở đình làng mà nhóm đi thăm cũng khiến nhiều người thích thú. Từ thế giới ảo, Đình làng Việt bước ra thế giới thực như một cộng đồng vững mạnh gắn kết bởi mối quan tâm chung: di sản đình làng.
Các chuyến điền dã đến đình làng cũng là cơ hội để mọi người thêm hiểu về những nét văn hóa đặc sản của dân tộc
Chung sức gìn giữ di sản
"Theo kinh nghiệm đánh giá của chúng tôi, ở đâu đời sống nhân dân còn nghèo thì ở đó di tích được bảo tồn khá tốt. Chính như vậy, chúng tôi nảy ra ý tưởng cần tiếp cận bà con nhằm động viên bà con, từ đó tuyên truyền về bảo vệ di sản của địa phương, tránh tình trạng xây mới, chuyển đổi chức năng đình, làm biến dạng di tích… Công việc này được các thành viên trong nhóm ủng hộ và chúng tôi đang gây dựng quỹ từ thiện nhằm giúp bà con nghèo tại các địa phương, cũng như gây quỹ giúp bà con tu tạo di tích", anh Nguyễn Đức Bình cho hay.
Các nghệ nhân trình diễn tại triển lãm “Đình làng Việt: Những điều còn, mất”
Tháng 8/2015, Đình làng Việt tổ chức triển lãm “Đình làng Việt: Những điều còn, mất” tại Hà Nội (Heritage Space, Dolphin Plaza, 28 Trần Bình, Mỹ Đình). Triển lãm kéo dài trong 3 tuần với kinh phí do các thành viên trong nhóm đóng góp để tổ chức. Các thành viên trong nhóm cũng tự thực hiện in ảnh, trưng bày... Hình ảnh cuộc triển lãm được xây dựng dạng 3D, phát trên internet để những người ở xa có thể “thăm quan”. Đây cũng là triển lãm đầu tiên của Việt Nam được số hóa toàn bộ.
Trong thời gian triển lãm, những cuộc tọa đàm, các buổi diễn xướng dân gian, hoạt động tương tác (tập chạm khắc họa tiết cổ, thử sơn son thếp vàng) diễn ra liên tiếp.
Sau thành công của triển lãm, Bảo tàng Hà Nội liên hệ với Đình làng Việt ngỏ ý hợp tác với nhóm. Sau đó, một lễ Trung thu truyền thống do Đình làng Việt tổ chức diễn ra ở Bảo tàng Hà Nội. Tới đây, vào ngày 30/1, không gian Tết cổ truyền cũng được dựng lại tại đình So nổi tiếng của xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Một cuốn sách ảnh về Đình làng Việt cũng đang được nhóm nung nấu...
Theo chia sẻ của anh Nguyễn Đức Bình, sau triển lãm, nhiều ban quản lý di tích cũng liên hệ với nhóm nhờ cố vấn bảo tồn di tích cũng như tổ chức sự kiện. Đặc biệt, nhóm có thêm nhiều thành viên Việt kiều muốn tham gia để “hiểu quê hương mình”.
“Vì vậy, tới đây, chúng tôi khuyến khích các thành viên là người địa phương, những chủ thể của văn hóa đình làng. Bên cạnh đó, nhóm sẽ thúc đẩy hai nhóm đối tượng chính là: người Việt ở nước ngoài và học sinh, sinh viên”, anh Bình chia sẻ về hướng mở rộng thành phần nhóm.
Theo đó, Đình làng Việt chuẩn bị nhiều sự kiện như: trưng bày ảnh di sản, tổ chức hoạt động diễn xướng dân gian ở các trường đại học; tổ chức nhiều chuyến điền dã cho sinh viên mỹ thuật đi vẽ về đình làng và họa tiết đình làng; tổ chức các ngày lễ truyền thống để kiều bào về thăm quê có thể tham gia từ khâu chuẩn bị tới lúc sự kiện diễn ra...
Mạnh Phúc