Cuộc thi “Kỷ vật kể chuyện” thu hút hơn 6.200 tác phẩm dự thi
Lễ trao giải sẽ có sự tham dự của đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, Đại sứ quán nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Hội hữu nghị Việt Nam - Lào Trung ương và địa phương, Hội hữu nghị Lào - Việt Nam, tạp chí Thời Đại; đặc biệt là các tác giả, người đồng hành với cuộc thi là người Lào; lưu học sinh Lào sống và làm việc tại Việt Nam…
Cuộc thi "Kỷ vật kể chuyện" được phát động vào ngày 09/5/2022. |
Cuộc thi “Kỷ vật kể chuyện” là hoạt động nằm trong chương trình truyền thông đặc biệt kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (05/9/1962 - 05/9/2022); 45 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt - Lào (18/7/1977 - 18/7/2022) và Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 2022 của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam. Cuộc thi là dịp để nhân dân hai nước kể lại những kỷ niệm thiêng liêng đáng tự hào, những câu chuyện xúc động, cao đẹp về tình hữu nghị Việt Nam - Lào. Đồng thời, đây cũng là diễn đàn để khơi gợi, đón nhận, sẻ chia và cùng suy ngẫm về những ước vọng, kiến nghị của nhân dân hai nước về tình hữu nghị Việt Nam - Lào. Từ đó góp phần tôn vinh, lan tỏa những giá trị cao quý của quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào tới các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Hưởng ứng Cuộc thi, Trường Hữu nghị 80 (Sơn Tây, Hà Nội) đã triển khai đến toàn thể lưu học sinh Lào đang học tập tại trường. |
Cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng và tham gia tích cực của nhân dân hai nước. Đặc biệt về phía Lào, sau khi thông báo triển khai cuộc thi, Đại sứ quán nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Việt Nam đã phối hợp với Trung ương Hội hữu nghị Lào - Việt Nam, Hội cựu chiến binh Lào triển khai, phổ biến thể lệ Cuộc thi tới các địa phương tại Lào; đồng thời đăng tải thông tin, tin tức về cuộc thi trên các phương tiện thông đại chúng của Lào bao gồm báo in, báo điện tử, các trang mạng xã hội online... để các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cơ sở giáo dục, học sinh - sinh viên và nhân dân trên cả nước đón nhận và tham gia đông đảo.
Từ khi phát động đến ngày 15/9/2022 (ngày kết thúc nhận bài tham gia Cuộc thi), Ban Tổ chức đã tiếp nhận 6.215 bài viết, bài nói, những kỷ vật liên quan đến những kỷ niệm đẹp đẽ, tình cảm gắn bó keo sơn, thủy chung son sắt giữa những người anh em Lào - Việt đã từng kề vai sát cánh, chia ngọt sẻ bùi trong thực tế chiến đấu, lao động và học tập. Một số tác phẩm đề cập đến sự hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai nhà nước và nhân dân hai nước trong giai đoạn hiện nay, thể hiện tâm tư tình cảm, nguyện vọng đồng thời hiến kế vun đắp tương lai quan hệ hữu nghị Lào - Việt...
Ông Lê Reo (thứ 2 từ bên phài sang, quê ở Triệu Sơn, Thanh Hóa) gửi tặng Ban Tổ chức khoảng 60 kỷ vật (Ảnh: Hạnh Trần). |
Tại lễ trao giải, các vị đại biểu, các tác giả, khán giả sẽ được thưởng thức chương trình nghệ thuật với các ca khúc đi cùng năm tháng ca ngợi quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam và các ca khúc là tác phẩm tham dự Cuộc thi qua sự thể hiện của chính tác giả. Xen kẽ trong chương trình còn có các phóng sự truyền hình về quá trình tổ chức Cuộc thi; những kỷ vật đặc biệt của Cuộc thi; những câu chuyện và tình cảm của những người dự thi đối với quan hệ hai nước Việt Nam - Lào; thể hiện mong muốn quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào sẽ "mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”.
Đặc biệt, tại lễ trao giải sẽ diễn ra chương trình giao lưu với anh em kết nghĩa Việt - Lào là ông Trần Văn Thắng và ông Khamkeo Voongphila. Ông Trần Văn Thắng là con trai của cụ Trần Văn Túc - một trong những tác giả đạt giải của Cuộc thi "Kỷ vật kể chuyện".
Cách đây 53 năm trong thời kỳ chiến tranh, nhiều em học sinh Lào đã được đưa sang Việt Nam sơ tán. Các em được các gia đình Việt Nam mà chủ yếu cũng là những nông dân cần lao trong thời chiến tranh nhận làm con nuôi và đưa về gia đình mình chung sống. Họ đã sống bên nhau như ruột thịt. Trong số trẻ em Lào, cậu bé Khamkeo Voongphila được ông Trần Văn Túc (khu 3 xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) nhận nuôi. Sau khi hòa bình và giải phóng ở cả hai nước ông Khamkeo Voongphila đã về Lào. Họ đã mất liên lạc với nhau hàng chục năm trời.
Từ bức ảnh chụp chung vào năm 1969, người con nuôi Lào đã tìm lại được gia đình bố mẹ nuôi người Việt Nam đã cưu mang chở che mình trong những năm tháng chiến tranh loạn lạc (Ảnh: NVCC). |
Thông qua bức ảnh chụp cùng với gia đình bố mẹ nuôi vào năm 1969 và một vài thông tin còn ghi nhớ được gửi đến Cuộc thi “Kỷ vật kể chuyện”, người con nuôi Lào Khamkeo Voongphila năm xưa đã tìm được cha mẹ, anh em nuôi của mình trên quê hương Việt Nam. Cả cha mẹ và người con nuôi đều đã đạt giải cao trong Cuộc thi này khi họ viết về cuộc đời và kỷ niệm của mình trong những năm tháng chung sống bên nhau. Hôm nay tại Thủ đô Hà Nội, ông Trần Văn Thắng sẽ có dịp đoàn tụ với người con nuôi của gia đình mình là ông Khamkeo Voongphila, sau nửa thế kỷ xa cách.
Ngoài ra, các vị đại biểu, khán giả còn được giao lưu với tác giả Tráng Lao Lử (84 tuổi, Bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La), nhân chứng đã cùng gia đình nuôi giấu, bảo vệ vị lãnh tụ cách mạng vĩ đại của nhân dân Lào Chủ tịch - Kaysone Phomvihane tại bản Lao Khô trong những năm chiến tranh khốc liệt.
Những nhân chứng lưu giữ, chứng kiến kỷ vật có thể là những người bình dị hoặc có trọng trách xã hội, dù của thế hệ cha anh hay các bạn trẻ hiện thời nhưng đều chung một tình cảm hữu nghị cao đẹp và đặc biệt được tiếp nối, nuôi dưỡng qua nhiều thế hệ.
Những kỷ vật “kể chuyện” chỉ là những vật dụng đơn sơ, không nhiều giá trị về vật chất nhưng lại chứa đựng những giá trị tinh thần cao quý, thiêng liêng của tình bạn, tình yêu, tình thầy trò, tình gia đình, tình đồng chí… của hai dân tộc anh em đã qua bao muối mặn, gừng cay.
Hơn cả một cuộc thi, “Kỷ vật kể chuyện” đã góp phần vun đắp, nuôi dưỡng tình cảm hữu nghị nhân dân hai nước Việt Nam - Lào.