"Cột mốc sống" trên Biển Đông
Đoàn kết để vươn khơi
Đi dọc cửa biển sông Roòn, đoạn qua thôn Đông Cảng, xã Cảnh Dương (Quảng Trạch) những ngày này, hàng trăm tàu thuyền đánh cá của ngư dân đủ mọi công suất nằm san sát bên nhau. Khoảng giữa những tháng 10, 11 âm lịch là thời gian những ngư dân trở về nghỉ ngơi sau những chuyến biển lênh đênh dài ngày. Màu đỏ của những con tàu hòa cùng màu cờ Tổ quốc rực sáng cả một vùng biển. Trước đây, mỗi tàu cá khi ra khơi đánh bắt thường đi riêng lẻ nên gặp nhiều sự cố, nhưng từ khi các tổ biển xa được thành lập, ngư dân trở nên gắn kết, yên tâm bám biển, bám ngư trường hơn.
Sự đoàn kết bám biển của ngư dân góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. |
Với kinh nghiệm và sự dạn dày trong những năm gắn bó với nghề đi biển, ông Lê Ngọc Tình, xã Cảnh Dương được mọi người tin tưởng chọn làm Tổ trưởng Tổ biển xa 02. Ông Tình chia sẻ, mỗi chuyến ra khơi đánh bắt, 15 tàu của tổ đều đồng hành, sát cánh. Theo quy định, mỗi tàu không cách nhau quá 2 hải lý.
“Vừa rồi, khi đang đánh bắt cách bờ 50 hải lý thì một tàu cá trong tổ bị hỏng máy. Nhận được yêu cầu cứu trợ từ tàu bạn, tàu của tôi đã kịp thời đến hỗ trợ sửa chữa nhưng không thể khắc phục được. Với tinh thần đoàn kết, hoạn nạn có nhau, chúng tôi đã lai dắt tàu bạn hơn 10 ngày trên biển để tiếp tục đánh bắt. Mặc dù chuyến biển đó sản lượng đánh bắt giảm do vừa lai dắt vừa khai thác nhưng chúng tôi luôn hoạn nạn có nhau, chia sẻ khó khăn”, ông Tình cho hay. Không chỉ vậy, khi tìm được ngư trường đánh bắt dồi dào, các tàu cũng đều chia sẻ thông tin để các tàu bạn cùng đến khai thác.
Từ khi gia nhập Tổ biển xa 02, mỗi chuyến ra khơi, tàu anh Nguyễn Ngọc Linh đều cùng sát cánh với 15 tàu khác trong tổ. Bởi vậy, trong những chuyến ra khơi đó, anh cảm thấy yên tâm và tự tin hơn. Anh Linh tự hào chia sẻ: “Giữa biển khơi bao la, chúng tôi không đơn độc vì bên cạnh còn có các tàu anh em luôn giữ liên lạc, giúp đỡ nhau khi cần và cùng chia sẻ ngư trường đánh bắt”.
Mỗi tổ biển xa được thành lập đều dựa trên sự gắn kết trong sinh hoạt hàng ngày giữa thành viên các tàu. Chính vì vậy, sau khi thành lập tổ, họ càng trở nên thân thiết và đoàn kết lúc ra khơi. Và khi vào bờ, sự đoàn kết tương thân đó cũng được các thành viên duy trì.
Trở về sau chuyến đánh bắt dài ngày trên biển, ông Lê Xuân Hợp, Tổ trưởng Tổ biển xa 10, xã Cảnh Dương cho hay: “Đánh bắt xa bờ mà không có tàu bạn cùng đồng hành thì ngư dân sẽ đơn độc, dễ xảy ra rủi ro. Chính vì vậy, cách đây 5 năm, chúng tôi gồm 18 tàu đã quyết định thành lập tổ biển xa để đánh bắt. Cùng với việc hỗ trợ, giúp đỡ nhau lúc tàu chết máy, gãy chân vịt, va chìm, cứu nạn khi bị mắc cạn ở cửa lạch hoặc tìm ngư trường đánh bắt thì tổ biển xa của chúng tôi còn thành lập quỹ chung để giúp đỡ các chủ tàu có hoàn cảnh khó khăn. Nếu trường hợp nào muốn vay vốn để mua ngư lưới cụ thì tổ sẽ sẵn sàng cho vay không tính lãi suất. Ngoài ra, tổ chúng tôi còn thường xuyên tuyên truyền về quy chế khu vực biên giới biển và các văn bản pháp luật liên quan để giúp các thành viên không vi phạm chủ quyền biên giới trong quá trình khai thác hải sản”.
... Và bảo vệ biển, đảo thiêng liêng
Trong các chuyến ra khơi, mỗi ngư dân đều hiểu rằng, nghề đi biển không chỉ là sinh kế nuôi sống bản thân, gia đình mà còn là nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của quê hương. Chính vì vậy, ngoài chuẩn bị lương thực, ngư cụ đánh bắt, mỗi ngư dân còn "trang bị" cho mình cả sự dũng cảm, gan lì để ứng phó với những tình huống nguy hiểm, đe dọa từ tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam.
Ra khơi từ khi còn là một thanh niên mười chín, đôi mươi, đến nay ngót nghét hơn 30 năm ông Lê Ngọc Tình gắn bó với biển. Chính vì thế, đối với ông, biển đã trở thành quê hương thứ hai và gần gũi, thiêng liêng... Mỗi chuyến ra khơi, không còn là hành trình đánh bắt hải sản, mà đó còn là hành trình để bảo vệ, giữ gìn chủ quyền biển đảo quê hương. Ông Tình nhớ lại: “Trước đây, không ít lần đội tàu chúng tôi đang khai thác, đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam thì gặp các tàu lạ hung hăng rượt đuổi, đe dọa. Chúng ngăn cản không cho chúng tôi đánh bắt trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Nhưng chúng có hung hăng thế nào thì biển đảo là của mình, quê hương của mình thì chúng tôi kiên quyết không rời!”.
Dù các tàu lạ có nhiều hành động đe dọa, thậm chí một số tàu cá ngư dân tỉnh bạn còn bị tấn công, đâm chìm, thế nhưng, tình yêu với biển, với Tổ quốc đã trở thành động lực để sau mỗi chuyến biển trở về lại thôi thúc những ngư dân tiếp tục rẽ sóng, giong buồm ra khơi. Mỗi chuyến biển, 15 tàu cá của ngư dân trong tổ của ông Lê Ngọc Tình đều sát cánh bên nhau. Nhờ vậy mà họ trở nên mạnh dạn, tự tin giữa biển khơi bao la.
Tàu cá của ngư dân Cảnh Dương. |
Cứ như vậy mà bao đời nay, ngư dân làng biển Cảnh Dương và những làng biển khác vẫn kiên cường bám biển và tình yêu dành cho biển của họ lại ngày càng lớn hơn mỗi khi chủ quyền biển đảo bị xâm phạm.
Sau nhiều năm can trường, dũng cảm bám biển, thành quả của những ngư dân và tổ biển xa cũng đã được ghi nhận. Giới thiệu về bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh tặng trong thực hiện Chỉ thị 01/CT-TTg, ngày 9-1-2015 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới", giai đoạn 2015-2020, ông Lê Ngọc Tình tự hào chia sẻ: “Đây là thành quả của những chuyến ra khơi đánh bắt và cũng là sự động viên tinh thần vô cùng lớn để anh em chúng tôi dù gặp bất cứ khó khăn nào cũng quyết tâm bám biển, bởi đó không chỉ là nhà, là nơi chúng tôi mưu sinh, mà đó là máu thịt của Tổ quốc thiêng liêng”.
"Thiên đường hoa cỏ lau" ở cột mốc biên giới Ở độ cao hơn 800 mét so với mặt nước biển, cột mốc 1297 hút khách đến ngắm nhìn cỏ lau nở rộ. |
Cột mốc A9, nơi đánh dấu lãnh hải Việt Nam Hòn Ông Căn là điểm A9 - một trong 11 điểm trên đường cơ sở thẳng ven bờ lục địa Việt Nam. |
Những “cột mốc sống” nơi biên cương Bằng những việc làm cụ thể, đội ngũ già làng, trưởng bản, Người có uy tín tại các bản làng biên giới đã có nhiều đóng góp, giữ gìn sự bình yên nơi biên cương. |