Công nghệ đồng đốt thúc đẩy chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam
Nguồn nguyên liệu mới than
Theo báo cáo về “Nghiên cứu công nghệ đồng đốt tại các nhà máy nhiệt điện than để xác định tiềm năng và cơ hội chuyển đổi nguồn nguyên liệu đầu vào thay thế cho than,” do Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức GIZ thực hiện, tổng sản lượng sinh khối tiềm năng của Việt Nam vào khoảng 104,4 triệu tấn/năm.
Tiềm năng trên tương đương với 47% lượng điện than của Việt Nam trong năm 2020 và lượng phát thải CO2 tương ứng. Cùng đó, đồng đốt trực tiếp với tỷ lệ phối trộn sinh khối dưới 10% (tính theo nhiệt lượng cấp vào của than) được đánh giá là công nghệ phù hợp nhất để áp dụng trong các nhà máy nhiệt điện của Việt Nam, do vốn đầu tư thấp và ít can thiệp chỉnh sửa vào hệ thống lò hơi hiện có.
Ở Việt Nam, năng lượng sinh khối là một trong những nguồn năng lượng xanh có thể khai thác dễ dàng, tận dụng được tài nguyên sẵn có từ các phế phẩm của ngành nông – lâm – nghiệp như bã mía, rơm rạ, vỏ trấu, vỏ cà phê, vỏ dừa, mùn cưa…
Trong khuôn khổ dự án BEM các chuyên gia thảo luận về ứng dụng công nghệ đồng đốt tại các nhà máy nhiệt điện ở Việt Nam: Ảnh GIZ |
“Nếu thay thế 10% lượng than nhập khẩu hàng năm (tương đương với 4.000 triệu tấn) bằng nguồn sinh khối địa phương, Việt Nam sẽ tiết kiệm được khoảng 1 tỷ USD mỗi năm, đồng thời tạo việc làm và thu nhập cho người dân địa phương”, ông Christoph Kwintkiewicz, chuyên gia quốc tế cho biết tại Hội thảo tham vấn “Ứng dụng công nghệ đồng đốt tại các nhà máy nhiệt điện ở Việt Nam: Tiềm năng sinh khối và công nghệ hiện có” diễn ra tại Ninh Bình vào đầu tháng 9/2023.
Christoph cũng đã chia sẻ về các kinh nghiệm quốc tế liên quan đến khung chính sách, tiêu chuẩn kỹ thuật và kinh tế. Đồng thời đưa ra các khuyến nghị sử dụng nguồn viên nén gỗ mà Việt Nam đang có nhiều tiềm năng xuất khẩu cho các nhà máy điện than và đồng đốt thay than để giảm CO2.
Tận dụng cơ hội
Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), phát triển nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là nguồn phục vụ sản xuất điện là một trong những trọng tâm được ưu tiên. Tuy nhiên, trước thực tế tỷ trọng nhiệt điện than vẫn chiếm đáng kể (30,8% tới năm 2025) và đóng vai trò là nguồn cung cấp điện chính, các chuyên gia cho rằng cần khai thác sớm công nghệ đồng đốt trên diện rộng để góp phần giảm CO2 của các nhà máy nhiệt điện.
Áp dụng đồng đốt sinh khối với than đá tại các nhà máy nhiệt điện là phù hợp với định hướng chiến lược năng lượng của Việt Nam (Ảnh: GIZ). |
Để đạt được hiệu quả tối ưu cho tất cả các thành phần tham gia vào hệ thống đồng đốt thì cần có các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ cho đồng đốt như hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn, lãi suất, thuế suất, trợ giá sinh khối hay cắt giảm trợ giá than, giá điện feed-in tariff cho phần điện được sản xuất từ sinh khối, tín chỉ cacbon, thuế cacbon hay các cơ chế chia sẻ lợi ích.
Ông Nguyễn Đức Minh, cố vấn Năng lượng của dự án “Bảo vệ Khí hậu thông qua Phát triển Thị trường Năng lượng Sinh học Bền vững ở Việt Nam” cho biết, trong thời gian tới, GIZ sẽ tiếp tục triển khai các chương trình như: Thúc đẩy chuyển dịch trong ngành năng lượng Việt Nam (TEV), Chuyển dịch năng lượng công bằng cho các vùng than (JET), nghiên cứu về hydrogen, đồng đốt ammonia, nghiên cứu khả thi tiếp theo về đồng đốt sinh khối tại một số nhà máy nhiệt điện cụ thể.
“Các dự án này là nhằm có thêm nhiều giải pháp năng lượng xanh cho hành trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam”, ông Minh nói.