“Con đường màu xanh” của Cần Giờ
Tại chương trình gặp gỡ giữa lãnh đạo TP.HCM với lãnh đạo các tập đoàn mang tên CEO 100 Tea Connect, diễn ra tại Hội trường Thống Nhất vào trung tuần tháng 9/2023, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã chia sẻ về kế hoạch thí điểm xây dựng Cần Giờ trở thành địa phương xanh của thành phố.
Theo đó, Cần Giờ được kỳ vọng sẽ là địa phương tiên phong thực hiện mục tiêu “net zero” (phát thải ròng bằng 0) vào năm 2035, trước 15 năm so với cam kết của Việt Nam với quốc tế.
Toàn cảnh huyện Cần Giờ nhìn từ trên cao. (Ảnh: Thời báo Tài chính Việt Nam) |
Để thực hiện mục tiêu này, thành phố đang định hướng tập trung đầu tư xây dựng Cần Giờ ở các lĩnh vực giao thông xanh, trong đó các phương tiện giao thông trên địa bàn phải sử dụng nhiên liệu xanh, năng lượng xanh; xử lý rác thành điện phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt; xây dựng điểm đến này không rác thải nhựa; phát triển du lịch xanh và thí điểm tín chỉ carbon với rừng Cần Giờ…
Chia sẻ với báo chí, TS Phan Thụy Kiều, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM (HIDS) cho biết, Cần Giờ được lựa chọn làm nơi thí điểm vì có vị trí địa lý thuận lợi khi tiếp giáp với biển và mật độ dân số vừa phải để có thể kiểm soát trong quá trình triển khai thí điểm kinh tế xanh, hướng tới phát thải ròng bằng 0.
Đến nay, TP.HCM đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan triển khai chương trình hành động xây dựng Cần Giờ xanh, trong đó trước mắt giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan đề xuất trồng rừng gắn với tín chỉ carbon. Sở Du lịch phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai mô hình du lịch sinh thái, kết hợp trải nghiệm chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Sở Công thương phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất điện áp mái ở các cơ quan công sở và các bãi muối…
TS Phan Thụy Kiều lưu ý: Trong bối cảnh nguồn lực hạn chế, mục tiêu là tận dụng Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM để mang đến sự đột phá, thu hút các nhà đầu tư chiến lược có nguồn lực đủ mạnh, có sự quan tâm tới thành phố cũng như sự phát triển của Cần Giờ. Tận dụng hình thức hợp tác công – tư (PPP), xã hội hóa và các nguồn lực từ tư nhân để tạo nguồn lực tổng hợp phát triển Cần Giờ.
Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đang xây dựng chương trình hành động cho Cần Giờ xanh; triển khai đề án phát triển kinh tế biển cho Cần Giờ theo hướng xanh và bền vững.
Bảo vệ, phát triển bền vững Khu Dự trữ sinh quyển Cần Giờ
Theo giới chuyên gia, trong chiến lược phát triển Cần Giờ cần dành ưu tiên hàng đầu cho việc bảo tồn Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ để tăng khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; giảm xâm nhập mặn vào đất liền; giữ gìn được lá phổi xanh trung tâm cho toàn vùng. Đồng thời nâng cao chất lượng môi trường đất, nước và không khí cho không gian sinh thái; cân bằng môi trường thủy văn cho khu vực; bảo vệ tài nguyên thiên nhiên phong phú đa dạng của động thực vật và giá trị sinh thái của khu vực.
Khu Dự trữ Sinh quyển Cần Giờ lá phổi xanh bảo vệ TP.HCM và các đô thị xung quanh trong bối cảnh biến đổi khí hậu. (Ảnh minh họa: Khoa học phổ thông) |
Khu Dự trữ Sinh quyển Cần Giờ – khu dự trữ sinh quyển đầu tiên ở Việt Nam – có tổng diện tích khoảng 75.000 ha và là hệ sinh thái đất ngập nước ven biển được hình thành trên vùng châu thổ rộng lớn của ba con sông: Đồng Nai, Sài Gòn và Vàm Cỏ.
Theo PGS.TS. Phạm Trung Lương, Viện Môi trường và Phát triển Bền vững (VESDI), kết quả của nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy, hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ với diện tích tới 11,16% tổng diện tích rừng ngập mặn cả nước và 83,21% tổng diện tích rừng ngập mặn vùng Đông Nam Bộ là môi trường tạo nên tính đa dạng sinh học cao.
TPHCM là một nơi hiếm hoi có một khu đất ngập nước tự nhiên nằm ngay trong thành phố, trở thành một mô hình hay một biểu tượng về sự phục hồi hệ sinh thái đất ngập nước cho Việt Nam và thế giới.
Chính vì thế, rừng ngập mặn Cần Giờ không chỉ tạo mảng xanh đô thị, cảnh quan thiên nhiên, trở thành “lá phổi xanh” cho TP.HCM và các đô thị xung quanh, mà còn góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là vấn đề nước biển dâng, phòng hộ chống xói lở bờ biển…