Cỏ vuông tôm xuất ngoại và chuyện ai cũng được làm việc
“Có thu nhập và được làm việc”
Đó là điều mà ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) MCF Mỹ Qưới, ấp Mỹ Tây A, xã Mỹ Quới, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng đúc rút về niềm phấn khởi của người dân nơi đây khi tham gia nhận việc đan giỏ từ nguyên liệu là cỏ năn tượng. Tại vùng quê này, đại đa số thanh niên trai tráng đều tìm đường lên các đô thị lớn làm việc, ở nhà chỉ còn lại người trung tuổi, không còn phù hợp với công việc lao động tay chân nặng nhọc, phụ nữ và trẻ nhỏ. Đã có một thời gian dài, dù bà con muốn lao động nhưng không tìm được công việc phù hợp.
Thu hoạch cỏ năn tượng làm nguyên liệu sản xuất đồ gia dụng. (Ảnh: MCF) |
“Người dân muốn tham gia làm sản phẩm cho HTX sẽ đến trụ sở học kỹ thuật và nhận nguyên liệu về làm. Với mỗi sản phẩm đạt chất lượng, người dân sẽ được trả 20.000 – 30.000 đồng, trung bình một ngày người dân có thể có thu nhập 80.000 – 100.000 đồng. Nếu bà con muốn tham gia đan giỏ hay làm các sản phẩm từ cỏ năn tượng nhưng không có điều kiện tới trụ sở HTX để học kỹ thuật đan, HTX sẽ cử người xuống từng xóm hướng dẫn”, ông Nguyễn Văn Toàn cho biết.
Không chỉ vậy, HTX MCF Mỹ Qưới lo hoàn toàn về nguồn nguyên liệu và bao tiêu toàn bộ sản phẩm đạt chuẩn chất lượng mà bà con đan được. Thu nhập của từng hộ phụ thuộc vào thời gian họ bỏ ra cho công việc và kể cả với những người đã có công việc cố định, họ vẫn có thể kiếm tham gia vào thời gian rảnh rỗi của mình. Chẳng thế mà chỉ sau hơn 2 năm hoạt động, đã có khoảng 400 hộ dân địa phương làm việc dưới sự quản lý của HTX.
Lựa chọn mô hình sinh kế này không phải một câu chuyện ngẫu nhiên. Trước kia cỏ năn tượng được coi là cỏ dại, người dân cắt và bỏ đi. Khi loại cỏ này trở thành nguyên liêu đan giỏ, người nuôi tôm trồng thêm cỏ năn tượng, vừa giúp làm sạch nước, tạo thêm oxy và môi trường sinh sống thích hợp cho con tôm, con cua, vừa tạo thêm một nguồn thu nhập cho người nuôi. Với cỏ dại mọc ở những vuông tôm bỏ hoang, những người không có việc làm xin phép chủ ruộng để cắt, phơi và bán cho HTX.
Tăng thu nhập trên cơ sở bảo tồn tài nguyên
Được thành lập vào cuối năm 2021 nhưng chính thức hoạt động từ tháng 2/2022, mỗi tuần HTX MCF Mỹ Qưới xuất đi khoảng 1.700 sản phẩm. Trong năm 2022, HTX xuất đi khoảng 30.000 sản phẩm. Trung tâm điều phối của Quỹ Bảo tồn Mekong MCF nhận sản phẩm từ HTX và cung cấp cho một doanh nghiệp chuyên về xuất khẩu đồ gia dụng sang Mỹ, Úc, châu Âu.
TS Dương Văn Ni, Giám đốc Quỹ Nghiên cứu và Bảo tồn Mekong MCF (thứ 3 từ bên trái sang) và ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc HTX MCF Mỹ Qưới (ngoài cùng bên phải) tiếp đoàn khách tham quan mô hình. |
Mô hình HTX MCF Mỹ Qưới nằm trong Sáng kiến Tạo sinh kế bền vững thông qua cây trồng thích ứng với khí hậu, trị giá 1,1 triệu đô la Úc được Chính phủ Úc tài trợ 50% trong giai đoạn 2023-2025. Quỹ Bảo tồn Mekong MCF là đối tác chính của sáng kiến này, cung cấp việc quản lý tổng thể, bao gồm giám sát và đánh giá. Chương trình phát triển Làng nghề nông thôn của Quỹ MCF nhằm mục tiêu tăng thu nhập cho người tham gia; sử dụng hiệu quả 5 nguồn vốn sinh kế (môi trường, con người, tài chính, hạ tầng, và xã hội); xây dựng nội lực cho cộng đồng để họ chủ động thích ứng với mọi thay đổi (thị trường, thiên tai, dịch bệnh và biến đổi khí hậu) và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa bản địa.
Trao đổi với báo chí, Tiến sĩ Dương Văn Ni, Giám đốc MCF ví cỏ năn tượng như "của trời cho", đặc biệt là khả năng thích ứng với vùng sinh thái mặn - lợ. Theo ông, thực tế cho thấy năn tượng tạo nên môi trường sinh thái thuận lợi, là nguồn thức ăn tự nhiên giúp tôm, cua phát triển nhanh, giảm dịch bệnh.
Loài cây này được kỳ vọng là hướng đi mới cho bán đảo Cà Mau - vùng đất cực Nam rộng khoảng 1,6 triệu ha, gồm thành phố Cần Thơ, các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và một phần của Kiên Giang. Theo Tiến sĩ Ni, trồng cỏ năn tượng là mô hình hoàn toàn dựa vào thiên nhiên, đặc biệt là không tạo ra xung đột với sản xuất hiện tại của người dân.
Nói về Chương trình phát triển Làng nghề nông thôn, Tiến sĩ Ni cho biết, những HTX trong Chương trình chỉ được thành lập khi cộng đồng đủ mạnh. HTX tự chủ hoàn toàn về tài chính nhưng được hỗ trợ nguồn nhân lực và kế hoạch sản xuất.
“Hiện giờ chúng tôi mới ổn định mặt hàng tiểu thủ công nghiệp. Sắp tới còn nhiều sản phẩm khác, tuỳ thuộc vào điều kiện sản xuất và con người của từng địa phương", ông nói.