Hợp tác xã Lanh Trắng cùng phụ nữ Sà Phìn "dệt" cuộc sống ấm no
6h sáng mỗi ngày, chị Sùng Thị Ly (30 tuổi, ở xã Sà Phìn) ra nương cắt cỏ, hái rau cho lợn rồi trở về cho hai con ăn sáng đến trường. 7h30 chị có mặt tại Hợp tác xã Lanh Trắng để thực hiện công việc may, thêu các sản phẩm thủ công. Đến 11h chị tạm nghỉ về đón con, nấu cơm rồi 2h lại có mặt tại nơi làm việc. Chiều tối, chị mang hàng về nhà tiếp tục may bằng máy khâu được chính quyền địa phương hỗ trợ.
Hợp tác xã Lanh Trắng tạo việc làm cho nhiều phụ nữ Mông có hoàn cảnh khó khăn. (Ảnh: Thành Luân) |
Chị kể, lấy chồng sớm nên cuộc sống những ngày đầu rất vất vả. Hai con nhỏ thường xuyên đau ốm, đói no phụ thuộc vào nương rẫy. Cảnh nhà thiếu trước, hụt sau, vợ chồng anh chị phải chạy vạy khắp nơi để lo cho các con. Gánh nặng áo cơm đè nặng, hai vợ chồng thường xuyên phát sinh mâu thuẫn, chồng chị thường tìm đến rượu để giải sầu.
Năm 2017, chị Ly tham gia lớp học may do chị Vàng Thị Cầu, người sáng lập Hợp tác xã Lanh Trắng mở rồi vào hợp tác xã làm công việc hiện tại. Túc tắc mỗi tháng chị Ly thu nhập được 4 triệu đồng, cộng thêm với mức lương 10 triệu đồng/tháng của chồng từ việc giao thực phẩm cho trường học.
"Bây giờ hai vợ chồng có thu nhập ổn định, chồng tôi không uống rượu nữa. Làm việc gần nhà, tôi có thời gian chăm sóc bố mẹ, con cái, cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc hơn", chị nói.
Công việc ở Hợp tác xã Lanh Trắng mang lại thu nhập ổn định cho chị Sùng Thị Ly. (Ảnh: Thành Luân) |
Năm 2017, chị Sùng Thị Sy (35 tuổi, ở xã Sà Phìn) cũng được chị Vàng Thị Cầu động viên tham gia Hợp tác xã Lanh Trắng. Sau khi được dạy chữ, dạy nghề và cả tiếng Anh, chị Sy đảm nhận công việc may và bán hàng. Từ hộ gia đình nghèo nhất xóm nay chị Sy đã có nguồn thu nhập ổn định 4 triệu đồng/tháng. Chồng chị Sy cũng trở thành thành viên năng nổ, có trách nhiệm của Hợp tác xã. Anh thường mang cơm đến hợp tác xã cho vợ, rồi giúp vợ cắt vải, đóng hàng hay sửa máy móc...
Chị Sùng Thị Sy và chị Sùng Thị Ly là hai trong số nhiều phụ nữ Mông vượt lên đói nghèo nhờ tham gia Hợp tác xã Lanh Trắng. Theo chị Vàng Thị Cầu, đến nay Hợp tác xã có 32 thành viên, tính cả các tổ liên kết ở 7 xã là 125 người. Thu nhập của mỗi thành viên từ 4-7 triệu/tháng.
Chị em Hợp tác xã Lanh Trắng duy trì phương thức dệt thủ công. (Ảnh: Thành Luân) |
Hợp tác xã hoạt động theo mô hình khép kín từ nguyên liệu đầu vào là cây lanh, trải qua khoảng 40 công đoạn như tước vỏ, se lanh, nối sợi, quay guồng, dệt vải, lăn sợi, giặt, phơi, hấp, nhuộm, thêu hoa văn... từ đó cho ra các sản phẩm đa dạng. Đến nay hợp tác xã có tới trên 70 dòng sản phẩm thổ cẩm thủ công mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó được ưa chuộng nhất là vải lanh thô, gối vuông, túi. Một số sản phẩm của hợp tác xã đã có giấy chứng OCOP.
Kể về những ngày đầu khởi nghiệp, chị Vàng Thị Cầu nói: Với mong muốn giữ nghề dệt lanh truyền thống và tạo việc làm cho phụ nữ quê mình, năm 2017 chị tổ chức các lớp dạy nghề cho chị em dân tộc Mông trong huyện, kinh phí do chính quyền huyện và Nhà nước hỗ trợ. Cũng trong năm ấy, chị đề xuất Ủy ban nhân dân huyện cấp cho gần 200ha đất để trồng cây lanh và với một ít vốn vay từ ngân hàng, chị cùng với 10 thành viên sáng lập bắt đầu khởi nghiệp.
Thời gian đầu còn nhiều khó khăn, địa phương giúp Hợp tác xã mua máy khâu, khung dệt. Sản phẩm làm ra được Sở Công thương tỉnh Hà Giang hỗ trợ giới thiệu tại các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh... Dần dà, Hợp tác xã nhận được các đơn hàng từ Lào, Thái Lan. Nhiều khách hàng nội địa chọn nhập vải của Lanh Trắng để làm các sản phẩm thời trang thiết kế… Để phù hợp hơn với nhu cầu của thị trường, Hợp tác xã cũng thay đổi các sản phẩm từ lanh. Đơn cử, người dân tộc Mông trước đây chỉ dệt được vải lanh khổ 50cm, nhưng Hợp tác xã cải tiến để dệt khổ 75cm, 90cm. Khâu nhuộm vải cũng được cải tiến với số lượng mỗi lần nhuộm nhiều hơn (100m) và không phai màu.
Hợp tác xã Lanh Trắng dệt cuộc sống ấm no cho phụ nữ Sà Phìn. (Ảnh: Thành Luân) |
Theo chị Vàng Thị Cầu, huyện Đồng Văn hiện có 19 xã, thị trấn song Hợp tác xã Lanh Trắng mới xây dựng được tổ liên kết ở 7 xã, còn nhiều chị em chưa có việc làm. Vì vậy, chị mong muốn thời gian tới chính quyền địa phương tiếp tục hỗ trợ Hợp tác xã mở các lớp đào tạo nghề, tiếng Anh, đồng thời hỗ hỗ trợ vốn mua thêm máy móc, tạo thêm việc làm cho chị em có hoàn cảnh khó khăn.