Cổ đông Masan chất vấn lãnh đạo vụ tương ớt Chinsu bị thu hồi
Tương ớt Chinsu vẫn tăng trưởng 20% sau sự cố bị thu hồi ở Nhật
Tại Đại hội cổ đông năm 2019, sự cố 18.000 chai tương ớt Chinsu bị thu hồi ở Nhật gây xôn xao dư luận được các cổ đông đặc biệt quan tâm và đặt câu hỏi chất vấn ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Masan.
Trước lo ngại sự cố tương ớt Chinsu gây tác động như thế nào cho việc kinh doanh trong năm 2019, Chủ tịch HĐQT Masan nhận định: “Kết quả kinh doanh của Masan sẽ không ảnh hưởng nhiều vì sự cố này bởi nhìn vào bức tranh thì MSN có đầy đủ sản phẩm các phân khúc khác nhau”.
Tại đại hội cổ đông năm 2019, ông Nguyễn Đăng Quang tiếp tục được bầu giữ chức Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan |
Đánh giá về vụ việc này, tỉ phú Nguyễn Đăng Quang cho rằng đây chỉ là một sự cố truyền thông. Ông cho biết, tất cả những sản phẩm của Masan làm ra trước nay đều đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng. Công ty Masan sẽ tiếp tục truyền thông để người tiêu dùng hiểu rõ hơn về sản phẩm.
“Masan làm chưa tốt, chưa chủ động, ít chia sẻ các thông tin về các vấn đề với truyền thông. Chúng ta nghĩ rồi mọi người sẽ hiểu, nhưng Masan cần làm tốt hơn về chia sẻ với cộng đồng, báo chí”, ông Quang chia sẻ tại đại hội.
Chứng minh cho vụ việc 18.000 chai tương ớt Chinsu bị thu hồi ở Nhật Bản không ảnh hưởng nhiều, ông Quang đã công bố kết quả kinh doanh trong 3 tháng đầu năm 2019.
Ngành hàng quan trọng nhất của công ty, chiếm tới 45% doanh thu của Masan Consumer là gia vị tăng trưởng 5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản phẩm tương ớt Chinsu tăng trưởng tới 20%.
Ngoài ra, ngành hàng mỳ ăn liền và đồ uống cũng tăng trưởng lần lượt 5 và 28% so với cùng kỳ năm trước. Một số sản phẩm được ưu tiên phát triển như: cà phê, thịt chế biến và bia giảm 14%. Hiện 3 ngành hàng này chỉ chiếm tổng cộng 8% toàn doanh thu của Masan Consumer.
Mỗi người Việt chi 17 USD/năm cho sản phẩm của Masan
Ông Danny Le, Giám đốc Chiến lược và Phát Triển của Masan Group thông tin với các cổ đông, trong năm 2018, trung bình mỗi người tiêu dùng Việt Nam trong năm 2018 chi 17 USD cho các sản phẩm của Masan. Con số này có được dựa trên kết quả tổng doanh thu của tập đoàn năm 2018 là 1,7 tỉ USD.
Giám đốc Chiến lược và Phát Triển của Masan Group cho biết, theo báo cáo kết quả kinh doanh tại Đại hội cổ đông năm 2017, mỗi người Việt đang chi 2 USD/tháng. Mục tiêu doanh nghiệp này đặt ra đến năm 2020, mỗi người tiêu dùng có thể chi thấp nhất 10 USD/tháng mua các sản phẩm của Masan.
Dù vấp phải không ít những khủng hoảng truyền thông liên quan đến các sản phẩm, dịch vụ Masan vẫn đạt kết quả tăng trưởng 35% trong mảng gia vị, và chiếm hơn 65% thị phần toàn thị trường.
Mục tiêu 5 tỉ USD doanh số của Masan
Phát biểu trước toàn thể cổ đông của tập đoàn, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Masan cho hay, năm 2019, doanh thu mục tiêu của toàn tập đoàn là 1,9 - 2,1 tỷ USD, tăng trưởng 18 - 31% so với năm 2018.
Trong đó, Masan Consumer dự kiến tăng trưởng 21 - 35%, Masan Nutri-Science kỳ vọng tăng trưởng hơn 20%, Techcombank đặt mục tiêu tăng trưởng hơn 15% còn Masan Resources hy vọng tăng trưởng 12 - 24%.
Trong năm 2019, tập đoàn Masan đặt mục tiêu mỗi người tiêu dùng Việt sẽ chi 19 - 21 USD/năm cho các sản phẩm của tập đoàn. Riêng mảng gia vị mục tiêu tăng trưởng chỉ trên 10%.
Mục tiêu dài hạn, ông Danny Le khẳng định Masan hướng tới mục tiêu 5 tỉ USD doanh số, khi đó mỗi người Việt sẽ chi khoảng hơn 50 USD cho các sản phẩm của Masan.