Chung tay chăm sóc sức khỏe nhân dân biên giới
Chăm sóc sức khỏe tinh thần của phụ nữ ở nơi làm việc Ngày 9/3, Hiệp hội doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam (SBAV) phối hợp với Hiệp hội nữ doanh nhân Thành phố Hà Nội (HNEW) tổ chức chương trình Tôn vinh thành công trong nhiều lĩnh vực, tập trung vào việc thúc đẩy sức khỏe tinh thần và hạnh phúc của phụ nữ ở nơi làm việc. |
Các quỹ đầu tư tiếp tục "rót" mạnh tiền vào startup chăm sóc sức khỏe Chỉ tròn một tháng qua, 2 startup Việt trong lĩnh vực công nghệ y tế liên tiếp đã gọi vốn thành công với số tiền từ hàng triệu USD...Điều này tái hiện diễn biến sôi động của hoạt động đầu đầu tư vào lĩnh vực này đầu năm 2022. |
Cán bộ, nhân viên Phòng khám quân dân y kết hợp ở bản Mường Lống (thuộc Ðồn Biên phòng Tri Lễ, Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An) khám, chữa bệnh lưu động, kết hợp tuyên truyền pháp luật cho nhân dân. |
Định cư trên khu vực biên giới đất liền của tỉnh Nghệ An chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số như: H’Mông, Thái, Khơ Mú, với đời sống còn nhiều khó khăn. Nhiều bản làng biên giới nằm cách xa trung tâm xã, thường bị chia cắt dài ngày khi mưa lũ về.
Trong khó khăn chung, việc chăm sóc sức khỏe của người dân còn gặp nhiều trở ngại, do hệ thống y tế cơ sở chưa thể đáp ứng được yêu cầu. Bám địa bàn thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An hiểu hơn ai hết tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Từ năm 2009, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã xây dựng Phòng khám quân dân y kết hợp tại các bản Phà Lõm, Huồi Sơn (xã Tam Hợp, huyện Tương Dương), nơi toàn bộ đều là đồng bào dân tộc H’Mông sinh sống.
Thông qua hoạt động khám, chữa bệnh, quân y Ðồn Biên phòng Tam Hợp còn kết hợp tuyên truyền trong nhân dân về các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Do vậy đã góp phần giữ gìn an ninh trật tự tại các bản Phà Lõm, Huồi Sơn, nhân dân tập trung làm ăn, không nghe theo kẻ xấu vi phạm pháp luật.
Nhận thấy hiệu quả thiết thực, Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An tiếp tục huy động mọi nguồn lực xây dựng thêm các Phòng khám quân dân y kết hợp tại địa bàn các xã như: Môn Sơn (huyện Con Cuông); Mỹ Lý (huyện Kỳ Sơn); Tri Lễ (huyện Quế Phong)… Tính đến nay, trên tuyến biên giới đất liền tỉnh Nghệ An có sáu phòng khám quân dân y kết hợp của Bộ đội Biên phòng tỉnh hoạt động thường xuyên, nền nếp, một số cơ sở còn phục vụ cho nhân dân các bản làng của nước bạn Lào.
Mặc dù mới được đưa vào vận hành vào cuối năm 2022, nhưng Phòng khám quân dân y kết hợp ở bản Mường Lống, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, do quân y Ðồn Biên phòng Tri Lễ đảm nhiệm thường xuyên có rất đông người dân đến khám, chữa bệnh.
Theo thống kê, mỗi tháng các cơ sở quân y nêu trên đón, khám, cấp thuốc miễn phí cho 150 người dân trong vùng. Cán bộ quân y ở đây không có thời gian khám, chữa bệnh cố định, cứ dân yêu cầu là họ lại thực hiện nhiệm vụ. Có những trường hợp đặc biệt, cán bộ, nhân viên Phòng khám quân dân y kết hợp ở bản Mường Lống còn đến tận nhà dân để kịp thời cấp cứu, chữa bệnh cho nhân dân.
Vào những ngày cuối tuần, cán bộ, nhân viên các cơ sở y tế ở biên giới lại cùng đồng đội xuống địa bàn để vận động nhân dân ăn uống, sinh hoạt hợp vệ sinh. Ông Lầu Bá Mại, Trưởng bản Mường Lống cho biết: "Trước đây, mỗi khi ốm đau người dân rất lo lắng, nhưng từ khi có quân y Biên phòng "cắm bản", mọi người trong bản yên tâm nhiều rồi. Bộ đội Biên phòng không chỉ khám, chữa bệnh, cấp thuốc, mà còn hướng dẫn các gia đình ăn uống, sinh hoạt hợp vệ sinh để phòng dịch bệnh".
Vai trò các phòng khám quân dân y kết hợp của Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An trên tuyến biên giới được chính quyền, nhân dân địa phương đánh giá, ghi nhận; bên cạnh đó vẫn còn những khó khăn trong quá trình hoạt động. Thượng tá Phạm Việt Hùng, Chủ nhiệm Hậu cần Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An cho biết: "Nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân trên địa bàn biên giới rất lớn và việc khám, cấp thuốc của các phòng khám quân dân y kết hợp là hoàn toàn miễn phí.
Tuy nhiên, nguồn thuốc để cấp phát, phục vụ nhân dân lại hạn chế, không thể đáp ứng được nhu cầu thực tế". Ðể bảo đảm các phòng khám quân dân y trên địa bàn khó khăn nơi biên giới hoạt động, phục vụ nhân dân, thời gian qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An đã vận dụng nguồn kinh phí từ địa phương để mua thuốc, đồng thời kêu gọi xã hội hóa, thường xuyên bổ sung lượng thuốc cho các phòng khám. Các đồn Biên phòng của Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An còn xây dựng mô hình "tủ thuốc biên cương" để chăm sóc sức khỏe nhân dân biên giới. Thông qua hoạt động khám, chữa bệnh cho nhân dân, Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An còn kết hợp triển khai hiệu quả công tác dân vận, phối hợp đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm. Từ hành động thiết thực nêu trên, tình cảm quân dân càng thêm gắn bó, cùng chung sức bảo vệ biên giới bình yên.